Phát biểu kết luận cuộc làm việc sáng 11/7 tại Bộ Công Thương, đánh giá Bộ đã bản lĩnh vượt qua khó khăn để ổn định, phát triển, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc sáng 11/7 tại Bộ Công Thương, đánh giá Bộ đã bản lĩnh vượt qua khó khăn để ổn định, phát triển, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới, trong đó phải xử lý tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.
Tổng Bí thư phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Một trong những Bộ đi đầu cải cách hành chính
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại rất rộng lớn và phức tạp. Trên thực tế, ngành công thương đóng góp hơn 80% GDP và gần 70% ngân sách nhà nước.
Thời gian vừa qua, đặc biệt sau Đại hội XII, trong bối cảnh yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, Bộ Công Thương còn phải xử lý nhiều sự việc nội bộ.
“Đây là những việc đau lòng, không ai muốn, nhưng đây là sự thật, sự thật khó khăn. Trong bối cảnh đó, nếu không có bản lĩnh, không vững vàng chắc chắn sẽ rất khó có thể ổn định và phát triển đi lên”, Tổng Bí thư phát biểu.
Theo Tổng Bí thư, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành công thương đã thực hiện đạt hầu hết các chỉ tiêu được giao, qua đó đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, Bộ đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh.
“Đây là điểm nhấn và Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong cải cách hành chính”, Tổng Bí thư khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ kém hiệu quả bước đầu đạt kết quả tích cực. Bộ cũng đã triển khai thực hiện nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hoá, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ một cách thực chất, hiệu quả.
Bộ quan tâm hơn đến công tác xây dựng Đảng, chấn chỉnh tác phong làm việc, có nhiều tìm tòi sáng kiến trong công tác điều hành, nội bộ đoàn kết trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ.
“Buổi làm việc hôm nay và thực tế cho thấy chúng ta đang có khí thế, đang có quyết tâm mới, có ý chí mới, xốc lại đội ngũ, tiếp tục tiến lên. Đây là việc vô cùng quan trọng”, Tổng Bí thư nhận định và cho rằng, Bộ Công Thương là một trong số ít bộ, ngành Trung ương đang có “đà” cùng với cả nước đang chống tiêu cực, lãng phí.
“Đương nhiên chúng ta không chủ quan, thoả mãn. Quan trọng nhất là phải giữ cho được đà này”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nắm vững chủ trương, nghiên cứu sâu để tham mưu chuẩn
Trên cơ sở phân tích những kết quả đã đạt được cũng như những mặt còn tồn tại, hạn chế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm với Bộ Công Thương.
“Thứ nhất, mong các đồng chí nắm thật vững, thật chắc đường lối quan điểm cơ bản của Đảng, những chủ trương chiến lược của Đảng về lĩnh vực công thương. Đây là việc cực kì cơ bản và quan trọng”, Tổng Bí thư yêu cầu.
Đồng thời, ngành công thương cần thường xuyên theo dõi tình hình trong nước và diễn biến thị trường thế giới để không bị bất ngờ, chủ động tham mưu đề xuất giải pháp xử lý với Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư yêu cầu mỗi cán bộ ngành công thương phải nắm chắc các mối quan hệ cơ bản, như quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội; giữa xuất - nhập khẩu; giữa thị trường trong nước - quốc tế…
“Độc lập tự chủ là dứt khoát không phụ thuộc vào ai cả nhưng vẫn phải chủ động hội nhập quốc tế, hội nhập không được hòa tan. FDI vào nhiều như vậy thì ta có còn được tự chủ không? Ta liệu có can thiệp được với nước ngoài không? Cứ kêu gọi đầu tư, nhiều dự án nhưng “tiêu hoá” không nổi, sẽ dẫn đến hệ luỵ rất lớn”, Tổng Bí thư phát biểu.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Tổng Bí thư, phải xử lý tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. “Với tư cách là Bộ tham mưu chiến lược thì làm thế nào để xử lý mối quan hệ này? Nhà nước can thiệp đến đâu để không làm mất vai trò của thị trường? Thị trường tự do đến đâu để bảo đảm đời sống của nhân dân, an sinh xã hội?”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ 2 là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách.
“Đây là vấn đề rất lớn. Đường lối của Đảng thực hiện được hay không là phải thông qua thể chế, cụ thể hoá thành luật pháp, cơ chế chính sách", Tổng Bí thư nhấn mạnh và đề nghị Bộ Công Thương “nghiên cứu cho chắc, cho sâu để đề xuất cho chuẩn”.
Nhiệm vụ thứ 3 là thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Theo Tổng Bí thư, đây chính là xây dựng tổ chức, con người để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trung tâm. Tổ chức phải mạnh, đồng tâm nhất trí, con người có đạo đức, trình độ, làm việc hiệu quả, được bố trí phù hợp.
“Xây dựng Đảng đâu phải chỉ là nghị quyết mà còn là xây dựng con người, xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nguyên nhân của nguyên nhân, bố trí người đúng là sẽ khác, bố trí sai thì bộ máy đông mà vẫn hỏng việc”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.