Sau khi chủ trương khởi nghĩa được Quốc dân Đại hội tán thành, ngày 18/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi quốc dân, đồng bào.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Người đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra một Nhà nước Việt Nam mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đình Tân Trào ngày 16 - 17/8/1945, nơi họp Quốc dân đại hội và thông qua chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do lãnh tụ Hồ Chính Minh làm Chủ tịch.
Nhận định thiên tài
Tháng 5/1945, Bác Hồ rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang). Ngày 21/5/1945, Bác Hồ về đến Tân Trào. Tại đây, đầu tháng 6/1945, Người đã chỉ đạo thành lập Khu Giải phóng; xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Tân Trào được quyết định làm Thủ đô Khu Giải phóng và sau đó là Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới.
Cuối tháng 7/1945, một hôm lên báo cáo công việc, đồng chí Võ Nguyên Giáp thấy Người rất yếu, đang lên cơn sốt, mê sảng, đồng chí đã xin phép được nghỉ lại, được Bác gật đầu. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Người nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Lúc khác, Bác lại dặn: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và các phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú ý xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”.
Mặc dù đang bị bệnh nhưng khi biết Hồng quân Liên Xô đập tan đạo quân Quan Đông của Nhật và Mỹ ném bom nguyên tử xuống đất Nhật, Người đề nghị Ban Thường vụ Trung ương khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng: “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”.
Ngày 12/8/1945, Người nhận được tin của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, phát đi từ San Francisco loan tin: Nhật Bản gửi công hàm cho Mỹ và các nước Đồng minh, đề nghị mở cuộc đàm phán lập lại hòa bình, chấp nhận “ngừng bắn”, chứ không chấp nhận “đầu hàng” không điều kiện. Người nhận định: “Có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật”.
Ngày 13/8/1945, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở các nơi ngừng chiến đấu, Người chỉ thị Mệnh lệnh khởi nghĩa phải: “Tập trung lực lượng đánh vào đô thị, đánh chặn quân Nhật rút lui; sau mỗi trận chiến đấu lập tức bổ sung và củng cố bộ đội, để lại một phần ba hoạt động trong địa phương, hai phần ba sẵn sàng đợi lệnh điều động đi nơi khác; củng cố các căn cứ bí mật, quân lương, quân giới... chuẩn bị kháng chiến một khi quân Pháp trở lại...”.
Từ ngày 13 - 15/8/1945, tại khu rừng Nà Nưa, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Vì điều kiện sức khỏe, Người không dự đầy đủ các phiên họp, nhưng vẫn chỉ đạo Hội nghị và góp nhiều ý kiến phân tích tình hình một cách rõ ràng và khoa học.
Người nhận định: “Trước mắt là phải nỗ lực phát động một cao trào khởi nghĩa, mở rộng khu giải phóng ra khắp nơi trong nước, ở những nơi dù lực lượng còn nhỏ cũng lập khu giải phóng trước khi Đồng minh vào. Tích cực nắm thời cơ, nếu không thì thời cơ không chờ mình…”.
Hội nghị phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan để cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi và nhận định: “Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ... Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi... Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”.
Hội nghị quyết định phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa để giành chính quyền trước khi quân Anh và Tưởng vào Đông Dương để tước vũ khí quân đội Nhật và trước khi quân Pháp đưa lực lượng trở lại xâm lược nước ta.
Hội nghị nhấn mạnh, phải tập trung vào những nơi cần thiết để tiến công: “Đánh chiếm ngay những chỗ chắc thắng không kể thành phố hay thôn quê”. Phải thống nhất Đảng về chính trị và tổ chức, chống hữu khuynh và tả khuynh để lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền, khẳng định chỉ có thực lực của ta mới giành được thắng lợi quyết định cho ta.
Ngoài ra, Hội nghị còn quyết định nhiều vấn đề lớn như: Chủ trương đối ngoại với quân Đồng minh, với Pháp, Nhật trên nguyên tắc thêm bạn, bớt thù. Triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa hai tập đoàn đế quốc Pháp - Anh và Mỹ - Tưởng về vấn đề Đông Dương. Tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù một lúc, chuẩn bị ứng phó với việc Anh - Mỹ - Tưởng nhân nhượng cho Pháp trở lại Đông Dương, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Liên Xô, nhân dân Pháp, nhân dân Trung Quốc và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Theo Quyết định của Hội nghị, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, gồm 5 đồng chí, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo. Thành lập Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam. Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Trong những ngày diễn ra Hội nghị, phát xít Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, đúng như Người nhận định. Người đề nghị Hội nghị toàn quốc của Đảng nên mau chóng kết thúc để các đại biểu khẩn trương trở về các địa phương, kịp thời phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.
Chiều 16/8/1945, dưới bóng đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa, chỉ huy đơn vị giải phóng quân tiến sang Thái Nguyên tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội.
Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa
Trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, Đại hội đã quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, Lệnh Tổng khởi nghĩa được thông qua. Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Đại hội thống nhất quy định quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam. Để tạo điều kiện hành động kịp thời, Đại hội quyết định giao toàn quyền chỉ huy khởi nghĩa cho Uỷ ban khởi nghĩa.
Sáng 17/8/1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Người bước tới trước đình Tân Trào, rồi lên đứng giữa các vị đại biểu trong Uỷ ban dân tộc giải phóng đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!”.
Đại hội bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục, các đại biểu khẩn trương trở về địa phương lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền theo ba nguyên tắc: tập trung, thống nhất, kịp thời.
Ngày 18/8/945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi quốc dân, đồng bào. Trong bức thư này, cũng là lần cuối Người ký tên Nguyễn Ái Quốc, có đoạn:
“Hiện nay quân đội Nhật đã tan rã, phong trào cứu quốc lan tràn khắp nước...
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
... Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng hơn 10 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Bằng dự đoán chính xác thời cơ, có kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ, chớp lấy thời cơ thuận lợi, khẩn trương, kiên quyết khởi nghĩa để giành chính quyền và đánh đổ bọn bù nhìn tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương tước vũ khí Nhật đã thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta.
74 năm đã qua kể từ ngày cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, đất nước đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta ngày càng vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập, vị thế của Việt Nam trên thế giới từng bước được khẳng định.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.