Sáng nay, 12/12, tại Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An), diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (1961-2021) và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Cả cuộc đời Người hy sinh cho cách mạng, cho dân tộc. Nhắc đến Người là nhắc đến một con người vĩ đại, giữa bộn bề công việc, trong sâu thẳm lòng mình, Bác vẫn luôn dành cho quê hương, dòng tộc những tình cảm đặc biệt.
Quê hương, hai tiếng thiêng liêng ấy thổn thức trong tim Bác ngay từ ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước: “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!”.
Như lời hẹn với quê hương, lần về thăm quê thứ hai, cũng dưới gốc đa như 4 năm về trước, Người đã có cuộc nói chuyện thân mật với nhân dân xã nhà và một số xã lân cận. Mở đầu, Người nói: “Năm kia, Bác về thăm làng. Lần này, Bác lại về thăm làng một lần nữa, thấy làng ta tiến bộ rất nhiều…”.
Bác mong mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng hợp tác xã vững mạnh, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Xa quê hương, dù bận rộn với trăm công ngàn việc nhưng trong trái tim Bác Hồ, Nghệ An - Kim Liên luôn dành vị trí đặc biệt. Bởi nơi đó, Người đã được sống chan hòa trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè và những người hàng xóm mộc mạc, dễ mến. Những kỉ niệm thuở thiếu thời là kí ức đẹp không phai mờ trong tâm trí Bác.
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (1961- 2021) và khánh thành nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) là lúc chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những công lao đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho quê hương, đất nước, hướng về truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Không khí tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng Nghệ An, cũng là vùng đất địa linh, nhân kiệt, sinh ra nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng của dân tộc, là nơi chôn nhau, cắt rốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, suốt cuộc đời làm cách mạng, Bác đã vì trọng nghĩa nước mà gác lại tình nhà. Xa quê từ năm 1906 cho đến khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác Hồ chỉ về thăm quê được hai lần, nhưng Người vẫn gửi trọn vẹn nỗi nhớ, niềm thương qua những bức thư, bài viết gửi về quê nhà, những lần trực tiếp trò chuyện thân tình với nhân dân, cán bộ, đảng viên tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt, về thăm quê lần thứ hai, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, đảng viên cần khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng, góp ý kiến về việc chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, để mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân ngày càng thêm mật thiết. Nghệ An cần tăng cường khôi phục và phát triển kinh tế; hết sức chăm lo đời sống nhân dân.
“Điều mong mỏi thiết tha của Bác là: “Đồng bào và cán bộ cần phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc. Làm được như thế là tỉnh ta góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”. Có thể nói những tình cảm ân tình, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương mãi in đậm trong tâm trí và là những di sản tinh thần vô giá, nguồn cổ vũ, động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Nghệ An nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp với “non xanh, nước biếc như tranh họa đồ”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cũng mãi mãi ghi nhớ những công lao to lớn của các bậc sinh thành, của gia đình và các dòng họ bên nội, bên ngoại của Người đã sinh ra, nuôi dưỡng, giáo dục người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Với tỉnh Nghệ An, Chủ tịch nước yêu cầu, càng vinh dự và tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nghệ An càng phải thấy rõ trách nhiệm cao cả của mình để hiện thực hóa những điều Người hằng mong ước đối với quê hương lúc sinh thời; có ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên quyết tâm làm nên một “kỳ tích sông Lam” mà cả nước đang mong đợi.
Cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghệ An được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng để phát triển trở thành trung tâm kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung bộ (Nghị quyết số 26). Đồng thời, mới đây, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 36 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đối với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
“Tôi đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương để đưa các Nghị quyết trên vào cuộc sống vì sự phát triển của Nghệ An - quê hương của Bác Hồ kính yêu”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Cùng với việc phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, thấm nhuần sâu sắc quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Đảng ta, cần quan tâm phát huy truyền thống, thế mạnh của văn hóa và con người xứ Nghệ. Đặc biệt, chú trọng bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Đây là những “địa chỉ đỏ” nhằm giữ gìn, phát huy những di sản Hồ Chí Minh trên chính quê hương của Người để giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nhất là các thế hệ con cháu hiện nay và mai sau”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.