Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 4 năm 2017 | 4:2

Tránh tình trạng chỗ nào cũng nói cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng không biết làm gì

Nhấn mạnh việc tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Thủ tướng đề nghị phải nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”.

Thủ tướng nhấn mạnh phải tận dụng cơ hội, phải có giải pháp hạn chế thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 sáng 3/4, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0 - Industry 4.0).

Các ý kiến chuyên gia đã nêu một số giải pháp về việc cần làm gì để Việt Nam không lỡ “con tàu CMCN 4.0”.

PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiện đại), xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng đô thị thông minh.

Đại diện Tập đoàn FPT cho rằng “cần quyết tâm và khát vọng” hay theo đại diện Tập đoàn Viettel thì cần “một cách tiếp cận độc đáo khác biệt và khả thi”.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, muốn tận dụng được CMCN 4.0 thì đầu tiên phải có hành động mang tính đột phá về công nghệ thông tin (CNTT). Vấn đề này đã được đề cập tại nhiều văn bản, chính sách nhưng “hành động còn ở mức độ”.

Cho rằng nên chọn một số việc cụ thể để triển khai, Phó Thủ tướng chỉ ra, trong lĩnh vực CNTT thì trước hết phải phát triển hạ tầng băng rộng với tinh thần như phủ 2G hồi trước là tới mọi ngõ ngách của đất nước. Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần đẩy mạnh dịch vụ công qua mạng, phát triển nguồn nhân lực CNTT hay tìm ra một số doanh nghiệp chủ lực, không kể Nhà nước, tư nhân, hay liên doanh để đặt các bài toán cụ thể về vấn đề này.

Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, có hình thức phù hợp như xây dựng nghị quyết hay chỉ thị về vấn đề này để có chỉ đạo chung trong triển khai.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về CMCN 4.0, “để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0”.

Từ nhận thức đó, có cách ứng xử, có định hướng, tư duy phát triển phù hợp. “Cần phải nói cho mọi người biết rằng CMCN 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các viện nghiên cứu, trước hết là hai Viện Hàn lâm (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các chuyên gia, nhà khoa học, mọi doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 để đổi mới sáng tạo, có nhiều tư duy mới, sáng tạo mới để đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cần có nhận thức toàn diện, chủ động, tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0, kịp thời đưa ra các cơ chế chính sách liên quan một cách đồng bộ, xuyên suốt và mang tính liên ngành trong chính sách tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những chính sách, thể chế cần thay đổi, bổ sung để tận dụng được cơ hội của CMCN 4.0.

Cho rằng nòng cốt của CMCN 4.0 là CNTT, Thủ tướng giao Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy ưu thế của CNTT, tạo thuận lợi cho phát triển CMCN 4.0.

Trước sự có mặt của lãnh đạo các tập đoàn Viettel, FPT tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị “các đồng chí đi đầu trong tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 để phát triển đất nước”.

Đối với các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ với tinh thần quyết liệt, chủ động như đánh giá hiện trạng, rà soát, lồng ghép các nội dung triển khai liên quan đến CMCN 4.0 trong chiến lược phát triển của bộ, ngành mình. “Tôi lấy ví dụ, về hạ tầng thông tin, tức là Bộ Thông tin và Truyền thông, phải làm gì để CNTT Việt Nam, lĩnh vực nòng cốt của CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ hơn, tạo tiền đề quan trọng cho các lĩnh vực khác bứt phá, vươn lên”, Thủ tướng nói.

 

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về đào tạo nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải làm gì để có đội ngũ chuyên gia giỏi, đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0. Bộ Y tế cần làm gì để phát triển công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, làm sao để chủ động về dược phẩm, trang thiết bị.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng phải nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”.

Trong quá trình thực hiện CMCN 4.0, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, đơn vị liên quan theo dõi tình hình triển khai, hằng năm xây dựng báo cáo kết quả thực hiện, kể cả việc đôn đốc, phát hiện thể chế, tham mưu, đề xuất để đưa CMCN 4.0 mạnh mẽ, quyết liệt vào Việt Nam.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top