Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 12 năm 2021 | 8:14

Triển khai điều trị F0 tại nhà trên toàn TP. Hải Phòng

UBND TP. Hải Phòng vừa đưa ra phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Hải Phòng triển khai điều trị F0 tại nhà.
Hải Phòng triển khai điều trị F0 tại nhà.
UBND TP. Hải Phòng đưa ra phương án nhằm giảm quá tải hệ thống y tế; tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm Covid-19 được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với dịch vụ y tế, chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như vật chất cho người bệnh; đảm bảo người nhiễm Covid-19 (F0) được cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.
 
Phạm vi áp dụng phương án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 4-10/12/2021, thí điểm điều trị F0 đối với 10 trạm y tế lưu động tại 4 xã của huyện Tiên Lãng (Tiên Thắng, Tiên Minh, Toàn Thắng, Vinh Quang) và 5 trạm y tế lưu động thuộc 2 phường Thượng Lý và Sở Dầu thuộc quận Hồng Bàng.
 
Giai đoạn 2, từ ngày 10/12/2021, triển khai thành lập Trạm y tế lưu động ở tất các quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố. Trước mắt mỗi xã, phường, thị trấn có 1 Trạm y tế lưu động. Kinh phí dự kiến là 10 tỷ 500 triệu đồng cho 211 trạm (tại các xã, phường, thị trấn giai đoạn 2).
 
Phương án cũng nêu rõ đối tượng quản lý tại nhà, các điều kiện đảm bảo quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà; quy trình thực hiện; công tác xét nghiệm; trách nhiệm quản lý và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà.
 
Trong đó, tiêu chí người nhiễm Covid-19 quản lý tại nhà là người Covid-19 được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở -20 lần/phút, SpO2>97% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cách mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào. Tuổi từ 1-50 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không đang mang thai.
 
Cùng với đó, người nhiễm Covid-19 phải có khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…; biết cách đo thân nhiệt, có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc của Bác sỹ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu, có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính… Trường hợp người nhiễm Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng được các tiêu chí trên.
 
Trung tâm y tế quận, huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn từ các nguồn khác nhau, chuyển thông tin F0 cho UBND và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trong vòng 2-4 tiếng kể từ khi nhận được thông tin F0.
 
 
 
 
 
Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top