Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 4 năm 2016 | 3:19

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng: Cần khẩn trương, hiệu quả, thiết thực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, điều quan trọng là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống bằng việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, khắc phục tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vấn đề này khi phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Một lần nữa khẳng định Đại hội lần thứ XII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, ngay sau Đại hội, Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo để nhân dân đón xuân mới Bính Thân phấn khởi, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã có chỉ đạo chấn chỉnh lại kỷ cương, kỷ luật lao động sau Tết và các hoạt động lễ hội đầu năm.

Các ngành, các cấp đã triển khai ngay nhiều công việc, nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán gay gắt ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, Bộ Chính trị đã khẩn trương xây dựng chương trình làm việc toàn khóa để trình Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, phân công ngay công tác một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị nhân sự các cơ quan Nhà nước, nhân sự các đoàn thể chính trị-xã hội.

Từ sau Đại hội đến nay, cán bộ, đảng viên rất phấn khởi, đánh giá cao thành công của Đại hội; tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đồng tình ủng hộ chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng là sự tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân ta; dự thảo các văn kiện trình Đại hội được chủ động chuẩn bị ngay từ giữa nhiệm kỳ khóa XI, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao, được sự tham gia góp ý của nhiều cấp, nhiều ngành với cách làm bài bản, khoa học, dân chủ.

Nội dung văn kiện Đại hội được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, có sự kế thừa, bổ sung phát triển nội dung văn kiện Đại hội XI, của các Hội nghị Trung ương trong nhiệm kỳ và đường lối quan điểm của Đảng trong các nhiệm kỳ trước đây.

Các văn kiện tiếp tục khẳng định, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta. Văn kiện Đại hội có nhiều điểm đổi mới, thể hiện trình độ phát triển, tư duy lý luận của Đảng ta trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, xây dựng đảng và hệ thống chính trị.

Điểm nổi bật trong nội dung văn kiện Đại hội XII của Đảng là thể hiện được những quan điểm xuyên suốt, những vấn đề cơ bản, căn cốt nhất của cách mạng Việt Nam, những nguyên tắc trong hoạt động của Đảng, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, những vấn đề mới, cấp bách nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống; có thể nói văn kiện vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, là sản phẩm trí tuệ chung của toàn Đảng, toàn dân ta.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần quán triệt sâu sắc việc học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có tầm quan trọng đặc biệt nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành.

Công tác học tập, quán triệt Nghị quyết phải góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, chấn chỉnh và uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch…

Với tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu trong quá trình tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cần bám sát mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đã nêu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Trung ương.

Cụ thể, cần tập trung nghiên cứu, nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới trong văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng.

So sánh với những nội dung của Đại hội XI và các Đại hội Đảng trước đây để nhận thức rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy lý luận của Đảng trên các phương diện lớn và các lĩnh vực cụ thể cũng như trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Đảng.

Nắm vững mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu phát triển đất nước trong 5 năm tới; hiểu đúng những nội dung chủ yếu của các lĩnh vực cụ thể đã được trình bày trong các văn kiện, nhất là phương hướng, nhiệm vụ để chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch; rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực.

Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định, cần nghiên cứu kỹ từng nhiệm vụ, liên hệ với những yêu cầu, điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị mình để lựa chọn, xác định và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đó trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo chức trách và nhiệm vụ được giao, các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ngay Chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Trung ương trong việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kết hợp với việc thực hiện các nghị quyết Đại hội đảng bộ ở tại địa phương, đơn vị mình.

Việc chỉ đạo học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai cần kết hợp với việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực, khắc phục bệnh hình thức, học qua loa, học cho xong… Đổi mới phương thức quản lý, đánh giá chất lượng việc học tập, đánh giá thực chất mức độ nhận thức của học viên đối với những nội dung cơ bản, những điểm mới của Nghị quyết và năng lực vận dụng Nghị quyết của cán bộ, đảng viên, địa phương, cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Trong thảo luận và viết thu hoạch, cần đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang nổi lên ở địa phương, đơn vị, cơ quan mình.

Các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị cần căn cứ vào nội dung của Nghị quyết để xây dựng dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, triển khai Nghị quyết Đại hội; khẩn trương cập nhật, bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy lý luận chính trị sát với từng đối tượng cụ thể.

Công tác tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cần tiến hành sâu rộng, thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài đều được phổ biến, tuyên truyền, hiểu biết về Nghị quyết Đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao, Hội nghị sẽ đạt được kết quả tốt, làm cơ sở để việc học tập, triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng ở các địa phương, cơ quan, đơn vị thành công.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top