Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (MTVN) 2015 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội MTVN tổ chức đang diễn ra tại Hà Nội; tập hợp đông đảo lực lượng sáng tác mỹ thuật cả nước, đặc biệt là giới trẻ với nhiều dấu ấn mới, song vẫn chưa tạo được bứt phá.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tác giả Đinh Gia Thắng - Huy chương vàng.
Nỗ lực đổi mới
Triển lãm năm nay có nhiều đổi mới về khâu tổ chức và tuyển chọn. Trước hết, ở các tiêu chí Hội đồng Nghệ thuật đặt ra cho tác phẩm: Phải có nội dung tư tưởng tốt, có tinh thần nhân văn, hướng thiện, mang hơi thở cuộc sống đương đại; có sự tìm tòi, sáng tạo trong ngôn ngữ, kỹ thuật thể hiện, có tính thẩm mỹ cao và tạo được ấn tượng thị giác mới. Con số 4.076 tác phẩm tham dự cho thấy sức sáng tạo dồi dào và sự quan tâm không nhỏ của giới mỹ thuật cả nước với triển lãm, dẫu thời gian qua, như nhiều ngành nghệ thuật khác, thị trường mỹ thuật cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Đáng chú ý, để nâng cao chất lượng và thẩm mỹ không gian trưng bày, Hội đồng Nghệ thuật chỉ chọn triển lãm 409 tác phẩm, bằng khoảng một nửa so với các kỳ trước. Một điểm mới quan trọng là năm nay, Ban Tổ chức mời tất cả các loại hình, từ vi-đê-ô art, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, body art, body painting... tham gia; tuy nhiên trên thực tế, nghệ thuật đương đại không có nhiều tác phẩm gửi đến. Về Hội đồng Nghệ thuật, có sự góp mặt của các họa sĩ trẻ tên tuổi như Nguyễn Nghĩa Phương, Đào Quốc Huy, Vũ Đình Tuấn, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương. Và lần đầu tiên có sự tham gia của giới lý luận phê bình trong thành phần Hội đồng Nghệ thuật là nhà phê bình Phan Cẩm Thượng.
Triển lãm MTVN 2015 phản ánh trung thực diện mạo của mỹ thuật nước nhà hiện nay. Năm năm qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới có nhiều thay đổi tác động, đời sống mỹ thuật cũng có nhiều chuyển biến. Những hồ hởi, háo hức thể nghiệm mang nặng tính hình thức qua đi; sự tĩnh tâm với độ lùi của thời gian để nhìn lại đã giúp các nghệ sĩ thực tế và sâu sắc hơn trong sáng tạo. Theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật, tranh đồ họa khẳng định được các giá trị và có những thành công đáng ghi nhận; hội họa dường như đang lúng túng trong việc tìm tòi hình thức biểu cảm mới; điêu khắc đã hướng đến nhiều hơn những giá trị thẩm mỹ phục vụ đời sống xã hội và nghệ thuật đương đại đang chững lại tìm hướng khai mở những sáng tạo mới. Các thể loại
vi-đê-ô art, sắp đặt... tuy có tham gia nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa thật sự có tiếng nói riêng; bản thân các nghệ sĩ vẫn còn mặc cảm, e dè, quan niệm đây là một sân chơi truyền thống.
Triển lãm có hơn 40 chất liệu tham gia, trong đó một số chất liệu truyền thống của hội họa, đồ họa vẫn chiếm tỷ lệ ưu thế như sơn dầu (30%); sơn mài (16%); tổng hợp, lụa và khắc gỗ; đặc biệt có chất liệu rất độc đáo là trúc chỉ (được vẽ trong quá trình seo giấy) rất đáng khích lệ. Họa sĩ Lê Anh Vân, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành hội họa, đồ họa, vi-đê-ô art đánh giá, các tác phẩm triển lãm khá đồng đều, ấn tượng tốt, nhưng trội lên, bứt phá hẳn thì chưa. Có thể thấy sự nhanh nhạy, bắt nhịp với hơi thở cuộc sống hiện đại của các nghệ sĩ qua những đề tài được phản ánh. Các nghệ sĩ có ý thức hơn trong thể hiện tư tưởng và trách nhiệm khi đề cập những vấn đề biên giới, biển đảo, đời sống lao động, nạn tham nhũng và những mặt trái trong xã hội; kể cả những đề tài về tín ngưỡng, tôn giáo như:Lên đồng(sơn mài của Trần Quốc Giang - Huy chương bạc),Đức tin(vi-đê-ô art của Võ Việt Dũng – Huy chương đồng); hay việc công nghệ làm con người trở nên thờ ơ với cuộc sống trongTuổi teen(lụa của Phạm Hồng Như – Huy chương đồng)… 38 tác phẩm xuất sắc được chọn trao giải, trong đó hai Huy chương vàng thuộc vềTượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùngcủa Đinh Gia Thắng (TP Đà Nẵng) vàA di đà phật– khắc gỗ của Nguyễn Khắc Hân (Bắc Ninh).
Có hơn 500 tác phẩm điêu khắc, sắp đặt gửi tham dự với đủ hình thức thể hiện và chất liệu từ truyền thống đến hiện đại, do không gian hạn chế nên số lượng trưng bày không nhiều. Được cho là chưa hơn những tác phẩm điêu khắc của Triển lãm 10 năm Điêu khắc (2013), song nhìn chung đã có sự tìm tòi đa dạng, phong phú về nội dung, chất liệu, ngôn ngữ, phong cách với nhiều khuynh hướng sáng tạo, như: Hiện thực, trừu tượng, ấn tượng, tối giản, sắp đặt…; thể hiện tâm tư tình cảm, ý tưởng nghệ thuật của tác giả đến nhiều mặt đời sống xã hội, mang đậm tính nhân văn; số tác phẩm có ngôn ngữ hiện đại nhiều hơn hiện thực, phản ánh đúng những diễn biến đa dạng của điêu khắc hiện đại Việt Nam. Với tác phẩm sắp đặt Chuyện quê, tác giả Kù Kao Khải rất tinh tế trong xử lý tác phẩm, tạo được hình ảnh người nông dân thuần phác, mộc mạc. Tác phẩmKhúc bi trángcủa Phan Gia Hương với hình tượng chân dung ba bà mẹ thuộc ba miền bắc, trung, nam cùng những kỷ vật, cánh thư của chiến sĩ và hàng gió lao xao khiến người xem xúc động mạnh mẽ. Tác phẩmThời hoa lửacủa Lê Lạng Lương là cách nhìn chiến tranh qua lăng kính khác, không phải súng đạn, bi thương mà tầm suy nghĩ bay bổng hơn, để người xem cùng đồng điệu…
Một điều đáng quý cần ghi nhận ở triển lãm lần này là sự góp mặt của thế hệ cao niên, những tác giả lớn tuổi vẫn chiếm một vị thế về sáng tác có chiều sâu. Đặc biệt, họa sĩ Phan Kế An đã 92 tuổi vẫn gửi tranh đến triển lãm. Hay các họa sĩ Trần Huy Oánh, Đinh Trọng Khang, Lê Thị Kim Bạch, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đều trên 80 tuổi vẫn có tác phẩm tham dự và đoạt giải.
Một thế hệ trẻ tiếp nối
Theo thống kê, tại triển lãm lần này, các tác giả 45 tuổi trở xuống chiếm quá nửa, cho thấy lực lượng sáng tác trẻ đang chiếm ưu thế. Thực tế, 5 năm trở lại đây, thế hệ 7X và 8X luôn giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động mỹ thuật; thể hiện một khả năng làm việc ngày càng chuyên nghiệp. Nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội MTVN, thành viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, Nghệ thuật sắp đặt của Triển lãm nhận xét: Năm nay, số lượng tác giả điêu khắc trẻ khá đông và có những tác phẩm độc đáo. Nếu trước đây các đề tài của họ hầu như chỉ mang tính sao chép thì đến triển lãm này đã thấy nhiều ngôn ngữ nghệ thuật mới. Tác phẩm của họ khiến người xem phải suy ngẫm về xã hội hiện tại và những biến động trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn tốt của lớp trẻ, vẫn còn nhiều sáng tác nóng vội, cách thể hiện đi tắt, sử dụng tư liệu ảnh hơi quá và sao chép ít nhiều những cái đã có. Và theo nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, còn vắng mặt nhiều người trẻ “đình đám”. Phải làm thế nào để lôi kéo họ đến triển lãm nước nhà, chứ không chỉ chạy theo các dự án bên ngoài và trưng bày ở những nhà văn hóa nước ngoài. Nghệ sĩ trẻ hiện nay có trình độ, tay nghề và ngoại ngữ tốt, nhưng sự thành tài lại cần đến chủ nghĩa nhân văn và bản sắc văn hóa.
Dẫu còn những hạn chế như không gian trưng bày của Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam không phù hợp, giá trị giải thưởng còn thấp…, song nhìn chung Triển lãm MTVN 2015 được đánh giá triển vọng tốt, qua hơn 4.000 tác phẩm tham dự đã cho thấy một nền tảng nghệ thuật vững chắc, có tính học thuật. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng ban Tổ chức nhận định: “Việc các nhân tố trẻ chưa thật sự được định hình làm cho những năm gần đây nền mỹ thuật nước ta có vẻ như đang tĩnh lại. Tĩnh, nhưng vẫn chuyển động, phát triển, tuy chậm hơn; bản thân người nghệ sĩ có độ lùi cần thiết để nhìn lại và tĩnh tâm sáng tác, tạo nên những tác phẩm giá trị”.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.