Những ngày tháng 7 lịch sử này, trên khắp cả nước, đều tổ chức các hoạt động tri ân, báo đáp công ơn các anh hùng, thương binh, liệt sỹ.
Tại ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh), cũng diễn ra nhiều chương trình kỷ niệm ý nghĩa, hàng triệu trái tim cùng chung một tấm lòng. Đây cũng là dịp, sau 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, những cựu chiến binh, thanh niên xung phong trở lại thăm chiến trường xưa...
Trở lại Đồng Lộc sau 50 năm chiến đấu và chiến thắng, ký ức của bà Thái Thị Cương, nguyên Bí thư Chi Bộ, Tổng đội phó Tổng đội TNXP 55 không chỉ có duy nhất một nỗi niềm đau thương. Bà còn như được sống lại những năm tháng tuổi xuân phơi phới khi chạm tay vào những hiện vật nơi bảo tàng Đồng Lộc. Từng chiếc áo, đôi dép, hay chiếc lược, chiếc kẹp, cuốn sổ chép bài hát của chị Hường đến cây súng, quả bom đều khiến bà nhớ đến những buổi bên nhau hát hò, hát đối… Chiến tranh có thể cướp đi đôi tay hay đôi chân, có thể lấy đi tính mạng, có thể găm đạn, cứa bom vào cơ thể bất kỳ ai nhưng không thể tước đoạt đi niềm tin yêu phơi phới, không thể lấy đi sự hồn nhiên, trong trẻo của tuổi xuân.
Không biết bao nhiêu là đồng đội ở tuổi thất thập cổ lai hy vẫn chầm chậm trở về khói nhang cho đồng đội, bôn ba khắp mọi miền quê để tìm lại đồng đội còn sống. Như bà Lương Thị Tuệ, cựu TNXP từng làm nhiệm vụ phá bom, mở đường tại Ngã ba Đồng Lộc. Bà Tuệ bùi ngùi nói: “Nếu không có các hoạt động tri ân thì những người từng hy sinh xương máu, hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước nở hoa chiến thắng mãi mãi sống âm thầm, lặng lẽ trong sự quên lãng. Mỗi lần đến đây tôi thực sự xúc động, mình may mắn đã có gia đình, có con, được sống trong hòa bình; trong khi đồng đội ngã xuống khi đang ở độ tuổi xuân xanh”.
Dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Đồng Lộc này, bà Tuệ cùng với các cựu TNXP khảo sát và xin hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hơn 110 hội viên. Đó là động lực để bước chân bà lại tiếp tục rong ruổi trên mọi nẻo đường lần tìm ký ức.
Nơi 10 cô gái TNXP đã chiến đấu nay trở thành khu du tích lịch sử, với nhiều công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng như: Khu mộ 10 nữ TNXP, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc… Phần mộ của 10 cô gái TNXP nằm ở lưng chừng đồi, cây cối đâm chồi, nảy lộc, làm mát những trái tim của những chàng trai, cô gái TNXP đang nằm lại Ngã ba Đồng Lộc.
50 năm sau Chiến thắng Đồng Lộc, những cựu chiến binh Trung đoàn Pháo cao xạ 210 (Thái Nguyên) đã trở lại với chiến trường xưa tại Hà Tĩnh. Đặt chân lên mảnh đất từng thấm máu xương đồng đội, họ cũng đã không giấu được niềm xúc động.
Trong 147 ngày đêm chiến đấu bảo vệ huyết mạch giao thông tại Ngã ba Đồng Lộc với 1.760 trận đánh, tổn thất nhiều nhưng với khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, các chiến sỹ Trung đoàn luôn bám chắc mâm pháo. Đã có 122 chiến sỹ của trung đoàn ngã xuống, trong số đó có 5 đại đội trưởng đang chỉ huy chiến đấu; 259 đồng chí bị thương.
Cựu binh Trung đoàn Nguyễn Thành Cung không nén nổi những giọt nước mắt: “Mỗi lần trở lại mảnh đất này, chúng tôi như lại trở về quê hương. Tất cả dường như mới hôm qua khi mỗi sáng ra trận, chúng tôi lại ôm nhau, dặn dò”.
Những chiến sĩ Trung đoàn 210 với lứa tuổi đôi mươi ngày nào xông pha trận mạc giờ tóc đã điểm sương. Trở lại với đất lửa Đồng Lộc là dịp để họ cùng nhắc lại ký ức về chiến tranh, để được sống trong tình đồng chí, đồng đội.
Cựu TNXP cũng không tránh khỏi nỗi ngậm ngùi trước di ảnh của đồng đội.
Cựu chiến binh Nguyễn Thiết Chu, chủ nhiệm xe Trung đoàn 210 bộc bạch: “Vùng đất này, trước đây hoang vu, bom đạn cày xới chi chít. Trong những tháng ngày khốc liệt, cận kề cái chết, tình quân dân thật sự làm chúng tôi ấm lòng. Mỗi lúc trận địa im tiếng pháo, người dân lại thấp thỏm lo âu và khóc thương vì cứ nghĩ bộ đội đã hy sinh. Tranh thủ sau những đợt bom, họ lại lên trận địa tay bắt mặt mừng, động viên tiếp sức cho chúng tôi”.
Chị Trần Thị Hải, con gái của liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Đức Ca, xúc động chia sẻ: “Bố hy sinh khi tôi được 5 tuổi, ký ức về bố chủ yếu qua những lời mẹ kể. Hôm nay, khi về thăm lại chiến trường xưa nơi bố đã từng chiến đấu và ngã xuống, qua những hồi ức của đồng đội cũ, tôi càng tự hào hơn về người bố của mình. Tôi luôn tự hứa với mình sẽ cố gắng dạy bảo các con cháu sống xứng đáng với những hy sinh của cha ông”.
Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Trần Đình Ước cho biết: Từ đầu tháng 7 đến nay có hơn 200 nghìn lượt người đến khu di tích. Có ngày cao điểm lên đến 5.000 lượt người, năm nay có rất đông cựu TNXP và người thân trên cả nước về đây.
Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, Đồng Lộc mưa bom đạn dội năm nào đã thắm xanh màu đổi mới nhưng vẫn còn đó những lối về chậm rãi. Vẫn còn đó một dòng ký ức lặng lẽ chảy trong tâm tư những người từng cầm súng chiến đấu ở tuyến lửa Đồng Lộc, trong hàng triệu trái tim người dân Việt Nam. Để mỗi tháng 7 tới, thế hệ hậu sinh như chúng tôi lại có cơ hội thấm nhận nhiều hơn những giá trị nhân văn, nhân bản từ lịch sử…
Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2018), tỉnh Hà Tĩnh đã dành hơn 6 tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công, các đơn vị nuôi dưỡng thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ trong và ngoài tỉnh... Theo đó, tỉnh đã thực hiện trao 23.999 suất quà thắp hương cho liệt sỹ với tổng kinh phí gần 4,8 tỷ đồng; tặng 200 nghìn đồng/người cho 5.215 thân nhân liệt sỹ. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh còn đến thăm hỏi, tặng quà cho 39 người có công tiêu biểu của 13 huyện, thành phố, thị xã. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.