Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 7 năm 2018 | 13:47

Trồng nấm CNC: Chàng kỹ sư cơ khí thu hơn 10 tỷ đồng/năm

Là thợ cơ khí, lăn lộn với đủ nghề trong và ngoài nước, Nguyễn Quốc Việt không bao giờ nghĩ mình lại trở thành nhà nông khi gắn bó với trồng trọt.

Kỳ diệu nhất là thành quả anh gặt hái được khi trồng nấm hương theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Má Tra, xã Sa Pả (Sa Pa - Lào Cai), doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm.

1.JPG
Nguyễn Quốc Việt thu hoạch mẻ nấm hương đầu tiên của năm 2018.

 

Gian nan lập nghiệp

Đến tham quan khu sản xuất  khoảng 30.000 bầu nấm hương trên diện tích gần 2ha nhà lưới, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô cũng như cung cách sản xuất chuẩn khoa học kỹ thuật. Ít ai ngờ, người điều hành sản xuất lại là một kỹ sư cơ khí lần đầu tiên tiếp cận ngành nông nghiệp. Càng tiếp xúc với Việt, tôi càng ấn tượng bởi sự ham học hỏi và ý chí vươn lên không mệt mỏi.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất thuần nông tỉnh Vĩnh Phúc, Việt tâm niệm phải có nghề trong tay nên đăng ký theo học cơ khí tại Trường Trung cấp nghề (Hà Tây cũ). Ra trường, Việt tiếp tục theo học Cao đẳng Quản trị kinh doanh với mơ ước thoát ly làm kinh tế. Quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực, Việt đi xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc) 2 năm để có được khoản vốn về lập nghiệp.

Sau khi về nước, đầu tiên, Việt mở cửa hàng bán xe đạp điện, xe máy điện. Mặc dù, nhận thấy tiềm năng của sản phẩm tại thị trường Việt Nam nhưng khi đó, các sản phẩm này còn quá mới mẻ với người dân nên cửa hàng không có khách. Sản phẩm “ế”, không trụ nổi, Việt đành phải xoay sang hướng làm ăn khác.

Đến năm 2011, Việt mở xưởng cơ khí chuyên lắp đặt nhà xưởng, làm khung nhôm cửa kính... Công việc thuận lợi, những tưởng sẽ đưa cuộc sống của anh sang trang mới thì Việt lại mất hết. Do quá tin bạn, anh vay nợ lãi cao giúp bạn lúc hoạn nạn rồi bạn trốn biệt khiến anh lao đao trả nợ thay.

Mất nhà xưởng, Việt vẫn yêu nghề nên nay đây mai đó làm thuê. Được cái, Việt không nề hà việc gì từ lắp đặt cả một hệ thống nhà xưởng, hay xây dựng, làm điện dân dụng, khung nhôm, cửa kính, anh đều làm hết, bởi Việt thấy, dù có làm việc gì, ở lĩnh vực nào, cũng có sức cuốn hút, khiến anh toàn tâm toàn ý hăng say lao động.

Việt kể: “Trong một lần lên Lào Cai làm việc, tôi tình cờ gặp bà Hà Mộng Hương, người Đài Loan, đi gom mùn cưa ở các xưởng gỗ. Vốn thạo tiếng, tôi trò chuyện, được biết bà Hương đang làm mô hình hợp tác sản xuất nấm hương xuất khẩu với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới Sa Pa (Lào Cai). Có lẽ do ấn tượng với vốn kiến thức các ngành nghề của tôi nên năm 2016, khi triển khai mô hình trồng nấm hương theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bà đã mời tôi lên làm việc”.

Tiếp cận lĩnh vực mới, Việt được bà Hương và nhiều kỹ sư nông nghiệp chỉ dạy, được tham quan học hỏi nhiều mô hình trồng nấm của Trung Quốc, Việt thấy rất say mê. Mô hình chính là hướng đi nhằm phát triển cây trồng thế mạnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu quanh năm mát mẻ của địa phương. Thực tế, cây nấm hương mọc tự nhiên ở Sa Pa rất mập mạp, nức tiếng cả nước về độ ngọt thơm nhưng được thưởng thức hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc tìm kiếm của bà con dân tộc trên địa bàn.

Việt chia sẻ: “Đây là mô hình có vốn đầu tư khá lớn, khoảng 5-6 tỷ đồng cho cơ sở vật chất ban đầu, từ hệ thống nhà lưới, giá thể, bầu ươm... đến hệ thống tưới, chưa kể hàng năm còn phải đầu tư thêm hơn 3 tỷ đồng cho riêng bầu cây”.

Kỳ vọng mở ra vùng sản phẩm nấm sạch

Năm 2016, hơn 1ha nấm hương được chính thức đưa vào sản xuất với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của Đài Loan. Đây là hướng đi vô cùng mới của vùng Tây Bắc. Toàn bộ nhà lưới, trồng cây trên giá thể, tưới tự động, kỹ thuật chăm sóc… khiến người lao động bản địa hết sức lạ lẫm, phải mất một thời gian dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp và sự chỉ dẫn tỉ mỉ của Việt thì bà con mới  thuần thục các công đoạn sản xuất.

“Ban đầu hiệu quả kinh tế còn thấp, hơn 1ha nhưng cho thu hoạch chỉ 18-20.000 tấn/năm. Giai đoạn khó khăn nhất là lúc ươm giống, nếu không khử trùng chặt chẽ, nấm lửa, mốc xanh sẽ phát triển làm hỏng tế bào nấm vừa được ươm. Sang năm 2017, chúng tôi rút ra nhiều kinh nghiệm, khắc phục được những khó khăn nên cây nấm sinh trưởng và phát triển mạnh, chất lượng và sản lượng nấm hương tăng lên rất nhiều. Chỉ tính riêng năm 2017,  30 vạn giá thể cho thu hoạch khoảng 270.000 tấn nấm tươi. Với giá bán 50.000 đồng/kg nấm tươi thì mỗi năm chúng tôi thu về khoảng 13 tỷ đồng. Trừ  chi phí, lãi ròng  5 tỷ đồng, sau 2 năm có thể thu hồi vốn và có lãi”, Việt chia sẻ.

Từ hiệu quả mô hình, đến nay, Việt đã được bàn giao quản lý toàn bộ khu sản xuất, dự án chỉ thu về định mức theo kế hoạch hàng năm để xuất sản phẩm sang Đài Loan. Năm 2017, cở sở đã xuất 50 tấn nấm khô bán với giá 200.000 đồng/kg cho Đài Loan, thu về 10 tỷ đồng (chiếm 80% sản lượng).

Hiện, khu sản xuất đã được trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ, ngoài phục vụ cây trồng công nghệ cao, còn có máy móc phục vụ cho việc làm mùn gỗ tạo bầu cho cây; các thiết bị phục vụ sơ chế sản phẩm sang dạng nấm khô để bảo quản lâu hơn, phục vụ xuất khẩu.

Sau bao vất vả mưu sinh, Việt thấy nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là hướng đi phù hợp để anh phát huy được thế mạnh của bản thân, tạo nguồn lực kinh tế lâu dài cho gia đình, mà còn là hướng đi cho địa phương tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế. Mô hình trồng nấm hương xuất khẩu đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 40 lao động bản địa với mức lương 5 triệu đồng/tháng (thời vụ là 200.000đồng/ngày). Với dự định mở rộng quy mô sản xuất, Việt kỳ vọng mở ra vùng sản phẩm nấm sạch có truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xuất khẩu với sản lượng lớn gấp nhiều lần.

 

 

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top