4 giờ 15 phút sáng, những chiếc xe chuyên dụng chở gần 40 cán bộ, chiến sỹ, trong tổng số hơn 100 chiến sỹ Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Điện Biên, xung phong tăng cường vào trồng rừng tại bản Tá Phì Chà, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.
Giữa lưng chừng trời, các chiến sỹ gánh cây, leo đồi, vượt suối, trồng cây..., tạo nên hình ảnh đẹp của người chiến sỹ công an nhân dân.
“Lấp đầy” rừng bị phá
Năm 2017, tỉnh Điện Biên có kế hoạch phòng, chống phá rừng và di cư tự do vào huyện Mường Nhé, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ công an tập trung vào bản Tá Phì Chà, xã Chung Chải để vận động, hỗ trợ 75 hộ dân với gần 400 khẩu tại đây di chuyển đến các điểm bản đã được bố trí theo Đề án 79 của Chính phủ. Tuy nhiên, khi các hộ dân ổn định nơi ở mới, một vấn đề nảy sinh là phải làm sao “lấp đầy” gần 250ha rừng đã bị người dân khai thác, sử dụng từ những năm 2011.
Tá Phì Chà nằm sâu trong rừng phòng hộ xung yếu thuộc các khoảnh 5, 6, 7, 8 - tiểu khu 110, giáp biên giới Việt - Lào. Để đến được trung tâm bản, phải đi xe máy ngược dốc đứng dài 5km, gặp những ngày trời mưa phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ men theo những lối mòn trơn trượt, nguy hiểm.
Trước năm 2011, người dân di cư tự phát vào Tá Phì Chà - bản “4 không”: không điện, không đường, không trường và không trạm y tế. 100% số hộ thuộc diện nghèo, để có lương thực, bà con phải phá rừng lấy đất canh tác. Do vậy, khu vực rừng đầu nguồn phòng hộ xung yếu ngày càng thưa thớt, một số nơi mất trắng. Đây lại là khu vực đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng trên địa bàn biên giới nên nhiệm vụ khôi phục rừng là hết sức quan trọng.
Việc khôi phục gần 250ha rừng bị tàn phá tại vị trí hiểm trở, xa xôi như Tá Phì Chà là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần có nguồn nhân lực lớn. Trước thực trạng này, Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng cảnh sát cơ động nhanh chóng lập kế hoạch, khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ trồng rừng tại huyện Mường Nhé. Báo cáo kết quả thực hiện từng tuần về Giám đốc Sở.
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo, Thượng tá Đặng Xuân Khương, Trưởng phòng Cảnh sát Cơ động khẩn trương lập kế hoạch, chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị cần thiết triển khai thực hiện. Rạng sáng một ngày cuối tháng 7/2018, chuyến xe đầu tiên của Phòng Cảnh sát cơ động xuất phát lên đường thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, trên 50 vạn cây giống, gồm lát, keo đã được tập kết tại Đại đội Cảnh sát cơ động đóng chân ở Mường Nhé.
Công an là lực lượng tiên phong
Qua một buổi chiều nghỉ ngơi, chuẩn bị những vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết, sáng hôm sau, đoàn tập kết tại điểm Trường mầm non Nậm Sim (xã Chung Chải) – điểm chọn làm nơi ăn, nghỉ cho cán bộ, chiến sỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi phân công một số đồng chí ở lại phục vụ nấu nướng, bố trí nơi ăn, nghỉ, khoảng 5 giờ sáng, những đoàn chiến sỹ đầu tiên xuất phát lên đường, trên vai mỗi người là gần 30kg cây giống xanh mơn mởn còn trong bầu đất. Vượt 2km đường bộ, bắt đầu gặp dốc nhưng các chiến sỹ vẫn đi phăm phăm, thi thoảng còn nghe thấy tiếng cười vang khuất sau dốc núi.
Qua con suối đầu tiên, sau 15 phút nghỉ lấy sức là quãng đường 3km dốc đứng, đường trơn trượt do cơn mưa lúc đầu sáng, một số chiến sĩ đã thấm mệt. Có người bị trượt chân, ngã nhưng gánh cây giống vẫn nắm chắc trong tay. Nhiều đoạn đường khó, các chiến sỹ phải dừng lại giúp nhau vượt qua để bảo đảm đến nơi tập kết cây giống đúng thời gian quy định.
Gần 7 giờ sáng, các chiến sỹ trẻ mới đến được điểm tập kết, dù vẫn đang ở lưng chừng Tá Phì Chà, nhưng cái nắng đã gay gắt, xung quanh chỉ có cỏ dại, không một bóng cây.
Gạt đi những giọt mồ hôi nhễ nhại, Đại úy Nguyễn Văn Bình, Đại đội trưởng Đại đội Cảnh sát cơ động đóng tại huyện Mường Nhé, cho biết: “Sau khi nhận được mệnh lệnh, Đại đội đã trực tiếp lên khu vực trồng rừng để khảo sát. Xác định khu vực trồng gặp nhiều khó khăn như: địa hình đi lại không thuận lợi, thời tiết khắc nghiệt, lượng cây giống và diện tích trồng khá lớn…, lãnh đạo đơn vị động viên cán bộ, chiến sỹ cố gắng, không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất”.
Quả thật, cứ mỗi chặng đường, Đại úy Nguyễn Văn Bình lại động viên các chiến sỹ trẻ cố gắng, dù rằng chính đồng chí cũng đã thấm mệt với gánh cây giống nặng 30kg trên lưng. Rồi sau đó, chính đồng chí lại là người vượt lên trước để chỉ đạo cả đội tập kết cây giống tại những khu vực khác nhau, có khi cách nhau đến cả kilômét.
Khi những gánh cây cuối cùng được tập kết, từng tốp chiến sỹ cảnh sát cơ động lại tập trung đào hố trồng theo đúng kỹ thuật, dưới sự hỗ trợ của cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm Mường Nhé… Từng cây nhỏ xanh tươi được đặt ngay ngắn, cẩn thận xuống hố trồng từ những bàn tay thô ráp, lấm lem bùn đất của chiến sỹ cảnh sát cơ động tạo nên những hình ảnh đẹp giữa lưng chừng dốc núi Mường Nhé.
Hơn 11 giờ, mặt trời lên gần đỉnh đầu, cái nắng đã gay gắt đến bỏng da. Những cây giống còn lại được đặt cẩn thận vào các bóng râm hiếm hoi giữa núi để tránh nắng. Các anh lại trở ngược xuống con dốc về địa điểm tập kết dùng cơm trưa. Mỗi ngày, các chiến sỹ phụ trách mang thực phẩm xanh, sạch từ Đại đội vào đây nấu, phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ có bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh, giúp các anh lấy lại sức sau những giờ băng rừng, lội suối.
Buổi chiều, mỗi chiến sỹ lại gánh hai lượt, mỗi lượt 30kg cây giống lên các điểm tập kết. Với lịch trình sáng gánh một lượt, trồng đến trưa và chiều gánh hai lượt để bảo đảm cây không bị cháy nắng, trung bình mỗi chiến sỹ mỗi ngày phải gánh gần 1 tạ cây giống và đi bộ 30km đường rừng. Đó là con số ấn tượng thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mỗi chiến sỹ Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Điện Biên.
Tâm tư sau mỗi bước chân
Tổ công tác 420 xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) tiến hành rà soát bản đồ rừng phòng hộ tại bản Tá Phì Chà.
Thượng tá Đặng Xuân Khương, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Điện Biên, kể: “Ngay sau khi đơn vị quán triệt kế hoạch trồng rừng tại địa bàn huyện Mường Nhé, có trên 100 cán bộ chiến sỹ xung phong tham gia, trong đó phần lớn là những chiến sỹ nghĩa vụ tại đơn vị. Có đồng chí dù chỉ còn thời gian ngắn nữa là hết nghĩa vụ vẫn tình nguyện thực hiện nhiệm vụ dù biết là khó khăn, vất vả”.
Điển hình là chiến sỹ nghĩa vụ Nguyễn Văn Đạt, hơn hai năm qua, vừa thực hiện nhiệm vụ tại Đại đội Cảnh sát cơ động Mường Nhé, Đạt vừa thức đêm để học tập, ôn luyện thi THPT Quốc gia. Với sự cố gắng, chăm chỉ, Đạt đã có kết quả thi ba môn Toán, Lý, Hóa với tổng số 24,5 điểm. Dù chỉ ít ngày nữa Đạt sẽ làm hồ sơ cán bộ và chuẩn bị đi học chuyên nghiệp, nhưng đồng chí vẫn không ngần ngại xung phong cùng đồng đội lên với Tá Phì Chà thực hiện nhiệm vụ trồng rừng.
Tạm biệt Tá Phì Chà, tạm biệt những cán bộ, chiến sỹ cảnh sát cơ động giữa Mường Nhé nắng cháy, chúng tôi trở về khi những đám mây đen đang tiến đến. Rồi ngày mai, các anh lại gồng gánh những cây xanh đi trên con đường dốc đứng, trơn trượt vì mưa. Những hy sinh lặng thầm ấy không phải ai cũng thấu hiểu. Nhưng đối với chúng tôi, màu áo cảnh sát cơ động rồi sẽ lẫn vào màu xanh ngát của rừng Mường Nhé, vì mỗi gốc cây ấy đều có những giọt mồ hôi của các anh ngày hôm nay.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.