Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 8 năm 2017 | 8:14

Trưng dụng người tài hay để chảy máu chất xám?

KTNT - Tuổi trẻ tài cao, đỗ đạt, công danh hiển hách từ sớm, tự cổ chí kim xưa nay không hiếm. Vấn đề là họ có làm được gì giúp nước, giúp dân, giúp đời hay không? Thay vì xoáy sâu vào những từ “quy trình” hay “thần tốc” thì cần có cái nhìn khách quan hơn để thu hút người tài.

Nếu không có cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng thì mãi mãi chúng ta không thể khai thác hết nguồn lực, trí tuệ của các trí thức trẻ.

Cách đây mấy hôm, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thông báo Kết luận một số vụ việc nổi cộm tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, câu chuyện “Phó Vụ trưởng trẻ tuổi Vũ Minh Hoàng” lại nóng lên thêm một lần nữa.  

Hiện nay, đang xuất hiện hai luồng ý kiến.

Luồng thứ nhất cho rằng, việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng có điều bất thường, không bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và không đủ điều kiện, tiêu chuẩn…

Nhưng luồng thứ hai lại hoàn toàn trái ngược, cái tồn tại, thiếu sót ở đây là do quy trình, thủ tục, chứ đối với Hoàng, thật đáng ngưỡng mộ quá đi chứ, với tài năng, trí tuệ, khát vọng của tuổi trẻ và mong muốn được khẳng định mình để cống hiến cho quê hương, đất nước thì đó đâu phải tội lỗi.

Trong khi rất nhiều du học sinh ở Mỹ và phương Tây tìm mọi cách ở lại bằng được “xứ người”, được coi là chuyện bình thường, việc một cán bộ 9X biết 5 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Nhật Bản, có 1 bằng đại học, 2 bằng thạc sĩ và chỉ gần vài ngày nữa tốt nghiệp tiến sĩ, sau khi du học trở về Việt Nam được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng, tại sao lại bất thường?

Trước hết, phải nói về một thực trạng, đó là thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ bổ nhiệm “thăng tiến”, “thần tốc”… nên việc hoài nghi không phải không có lý do. Thế nhưng không thể “vơ đũa cả nắm” rồi phủ nhận sạch trơn đi tất cả.

Hiện tượng một số người được bổ nhiệm theo “quy trình” làm ảnh hưởng tới không ít cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt, đặc biệt cán bộ trẻ hoang mang càng tìm cách rời bỏ đất nước, mặc dù thâm tâm họ rất muốn ở lại đất nước để cống hiến sức lực, tài năng của mình. Nguy hiểm hơn là làm nhân dân mất lòng tin vào những cán bộ có tâm, có tài thực sự.

Trong lịch sử nước Việt, Khoa Đinh Mùi (1247), triều Trần lấy người đỗ trạng nguyên là Nguyễn Thượng Hiền khi ông mới 13 tuổi và vài năm sau, ông lại được bổ giữ Chánh Ngự sử đài kiêm đông các Đạo học sĩ Bộ Công. Cùng thế hệ với Nguyễn Thượng Hiền còn có Lê Văn Hưu, 17 tuổi đỗ Bảng nhãn và Đặng Ma La, 14 tuổi đỗ Thám hoa.

Nhà Toán học hàng đầu Việt Nam, được thế giới kính trọng là GS Hoàng Tụy khi mới 28 tuổi đứng đầu nhóm viết bộ Tu thư (sách giáo khoa) và với các công trình toán học nổi tiếng như “Bài toán Tụy”, “lát cắt Tụy” hay Phương pháp “toàn cục tối ưu”… được thế giới ghi nhận và vinh danh, và biết bao nhiêu gương người trẻ tài hoa khác.

Trên thế giới, nhớ lại cố sự “ba lần thăm lều cỏ” trong Tam quốc chí khi Lưu Bị ở tuổi xấp xỉ ngũ tuần phải lặn lội 3 lần đến lều tranh cầu cạnh cho được Gia Cát Lượng ra giúp sức (lúc đó Lượng mới có 27 tuổi). Sau này, Gia Cát Lượng từ một người không chức tước bước vào vũ đài chính trị, đi tới đỉnh cao quyền lực, chấn hưng Hán thất, để lại tiếng thơm muôn đời, hẳn là một ví dụ điển hình nhất cho câu chuyện dùng người tài không phân biệt tuổi tác.

Kinh nghiệm, sự khôn ngoan của người lớn tuổi rất đáng học hỏi, vậy nhưng, để gây dựng đất nước, Lưu Bị đã chọn một người trẻ tuổi, vì chỉ có người trẻ mới có trí lực dồi dào, sức sáng tạo mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, từ đó mới tạo ra những thành tựu đột phá, nổi bật đến hàng nghìn năm sau cũng không thể xóa nhòa.

Ngoài điển tích nêu trên, lịch sử nhân loại cũng ghi nhận nhiều nhân vật vĩ đại thành danh từ khi còn rất trẻ, đó là Alexander Đại đế lãnh đạo đế chế Macedonia (336 - 323 TCN) chinh phục gần như toàn bộ lãnh thổ thế giới vào thời điểm ấy khi ở độ tuổi 20.

Quay trở lại trường hợp cụ thể của Vũ Minh Hoàng, sinh ngày 27/8/1990, quê ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh, được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ theo Quyết định số 824/BCĐTNB, ký ngày 15/01/2016. Sau đó, Vũ Minh Hoàng được chuyển về làm Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ theo Quyết định số 493/QĐ-UBND ký ngày 26/7/2016.

Xét về mặt bằng cấp và học vị, Vũ Minh Hoàng được đào tạo bài bản tại những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Chỉ mới 26 tuổi, Hoàng có trong tay lưng vốn là những tấm bằng danh giá và biết tới 5 ngoại ngữ. Sang Anh học trung học từ năm 16 tuổi, sau đó học cử nhân Chính trị quan hệ quốc tế, thạc sĩ Phát triển quốc tế tại Đại học Kent, cơ sở Anh và Bỉ. Bằng thạc sĩ thứ 2 về Hành chính công, tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Thời điểm hiện tại, Vũ Minh Hoàng đang hoàn thiện thủ tục nhận bằng Tiến sĩ ngành Kinh tế, khoa Nông nghiệp và Cuộc sống tại Đại học Tokyo (Nhật Bản).

Đối với 2 công trình của Vũ Minh Hoàng, đó là luận án “Hợp tác kinh tế với Trung Quốc và ý nghĩa đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai”; và luận văn Thạc sĩ Hành chính công do Phó Giáo sư Cheng Ling hướng dẫn của Trường Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) Trung Quốc. Cần lưu ý rằng, Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) của Trung Quốc (xếp thứ 35 trên 100 trường đại học thế giới).

Theo “Timer Higher Education World Regulation Rankings, 2013” với đề tài “Công cuộc công nghiệp hóa nông thôn Việt Nam” - Đổi mới lĩnh vực phi nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, sinh viên Vũ Minh Hoàng đã khảo sát nghiên cứu nhiều thời gian với các địa điểm khác nhau ở Đồng bằng sông Cửu Long với những số liệu và lập luận thuyết phục người đọc. Một đề tài hữu ích cho sự phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Việt Nam nói riêng, cụ thể là lĩnh vực phi nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Để được làm luận án thạc sĩ, Vũ Minh Hoàng đã từng tốt nghiệp hạng giỏi cử nhân với chuyên ngành: Chính trị và Quan hệ quốc tế của Đại học Kent tại Đại hội đồng Trường Đại học tổ chức vào ngày 19/7/2011.  

Rõ ràng để tốt nghiệp Đại học Kent, Vũ Minh Hoàng phải thông thạo tiếng Anh và làm thạc sĩ ở Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), đương nhiên phải biết tiếng Trung và hiện nay, Hoàng chuẩn bị nhận bằng tiến sĩ tại Nhật Bản.

Có lẽ không ít người trong chúng ta luôn cổ súy cho cách dùng người “trọng thực tài chứ không trọng hư danh”, “trọng thực việc chứ không trọng bằng cấp” thì việc nhìn vào bằng cấp đồ sộ của Vũ Minh Hoàng không chỉ đi ngược lại những tiêu chí trên mà còn hình thành tư duy đánh giá phẩm chất cán bộ dựa vào “sơ yếu lý lịch”.

Vậy, năng lực của Hoàng qua học tập và công tác được nhận xét như thế nào?

Ông Vũ Q. H (cha của Hoàng) xác nhận việc Hoàng tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa và Đại học Kent là hoàn toàn chính xác và bằng năng lực thật sự của bản thân. Bên cạnh đó, ông H. cũng thẳng thắn khẳng định Hoàng thông thạo 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Ban Nha là đúng sự thật.

Bởi theo ông H., từ nhỏ Hoàng đã được gia đình cho học tiếng Pháp và tiếng Trung. Tuy nói là quê ở tận Bắc Ninh nhưng Hoàng vốn sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh và được gia đình tạo điều kiện theo học tại các trường danh giá của thành phố. Môi trường sống, điều kiện học tập tốt nhất cùng với năng khiếu về ngoại ngữ sẵn có nên Hoàng có điều kiện tiếp cận nhanh với nhiều ngôn ngữ của một số nước trên thế giới.

Nhận xét về cậu học trò, Phó Giáo sư CHEN Ling - Trường Chính sách công và Quản lý (SPPM), Đại học Thanh Hoa phải thốt lên rằng: “Hoàng là một thủ lĩnh sinh viên nổi bật và có khả năng làm việc nhóm rất tốt. Cậu ấy luôn là một trong những thủ lĩnh của Câu lạc bộ tranh luận SPPM-IR Thanh Hoa. Các kỹ năng hợp tác nổi bật và nỗ lực tuyệt vời của cậu ấy đã giúp cho mọi hoạt động của Câu lạc bộ tranh luận thành công tốt đẹp. Bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc khi chấp nhận một sinh viên xuất sắc như vậy”.

Tại chương trình nghiên cứu sinh ngành khoa Nông nghiệp và Cuộc sống tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) mà Hoàng đang theo học, Phó Giáo sư Hiroyuki Kawashima đã nhận thấy tài năng khác biệt của Vũ Minh Hoàng. “Tính đến bây giờ, tại Đại học Tokyo, tôi đã hướng dẫn cho khoảng 100 học viên, nhưng tôi thấy rằng, tài năng vô cùng xuất sắc của Vũ Minh Hoàng sẽ đứng top đầu. Tôi tin rằng, em ấy sẽ là nhân tài thích hợp nhất với tư cách là cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tôi mong muốn các quan chức Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét để sau khi Hoàng về nước sẽ được bổ nhiệm vào cương vị có thể phát huy được năng lực của minh” - Phó Giáo sư Hiroyuki Kawashima nhận xét cậu học trò.

Ông Nguyễn Văn Thơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc rất tâm đắc khi nói về Hoàng. “Trong thời gian học tại Trung Quốc, Hoàng là học sinh giỏi, xuất sắc, năng động, hăng hái trong sinh hoạt, tích cực tham gia các phong trào sinh viên. Quan điểm cách mạng vững chắc, động cơ đúng đắn, đạo đức tốt, không lung lai” - ông Thơ nói.

Hoàng nằm trong diện xuất sắc, lại biết nhiều ngoại ngữ nên thời gian đầu Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có mời Hoàng về làm phiên dịch cho bên xúc tiến đầu tư của cơ quan.

Sau một thời gian làm việc, thấy cậu này làm rất hiệu quả nên lãnh đạo Ban bàn bạc và thống nhất mời về tham gia phụ trách công tác xúc tiến đầu tư cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ  và Hoàng vui vẻ nhận lời.

Sau đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có xin ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, ghi nhận đây là trường hợp xuất sắc nên cần được tuyển dụng bằng hình thức tuyển dụng không qua thi tuyển và đã được Ban Tổ chức Trung ương đồng ý.

Sau một năm Hoàng tập sự, việc xúc tiến đầu tư của Tây Nam bộ đã mang lại nhiều thuận lợi. Hoàng làm việc tốt ở nước ngoài, mời nhiều đoàn xúc tiến đầu tư về Tây Nam bộ để tìm hiểu và xúc tiến đầu tư nên lãnh đạo Ban thấy sự cần thiết bổ nhiệm cậu ấy làm Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế là phù hợp; đó cũng nhằm tạo thuận tiện trong việc gặp gỡ các đối tác nước ngoài, cũng như xúc tiến cơ hội đầu tư.

Việc bổ nhiệm Hoàng, thời điểm đó lãnh đạo Ban cũng có tham khảo và đối chiếu theo Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/10/2014, của Bộ Chính trị; Công văn số 577-CV/BVCTNB ngày 18/12/2015, của Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ - Ban Tổ chức Trung ương.

Bên cạnh đó Ban còn có lấy ý kiến tập thể, trao đổi miệng với một số Đảng ủy viên, lãnh đạo Ban... Và cuối cùng được tập thể thống nhất cao; đồng thời căn cứ vào năng lực, trình độ thật sự của Hoàng. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng khẳng định, việc tuyển dụng Hoàng là nhằm để đáp ứng nhu cầu chung của công việc, thu hút nhân tài chứ chẳng tư túi hay một ai đó gửi gắm.

Trước đó, trả lời một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (người ký Quyết định 824 bổ nhiệm chức danh Phó Vụ trưởng đối với Vũ Minh Hoàng) cũng khẳng định rằng việc điều động, bổ nhiệm ông Hoàng là đúng quy định.

Theo ông Việt, Hoàng có hai bằng thạc sĩ, tốt nghiệp loại xuất sắc, một bằng Đại học loại giỏi của trường danh tiếng trên thế giới, có mối quan hệ tốt với một số doanh nghiệp lớn của nhiều nước. Chưa hết, Hoàng còn có khả năng mời gọi đầu tư về với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Do vậy, để giữ chân Hoàng tiếp tục làm việc sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Nhật Bản, Ban đã đi đến thống nhất bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng giữ chức vụ Phó Vụ trưởng - Vụ Kinh tế để thuận lợi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản...


Cụm từ “đúng quy trình” như con dao hai lưỡi trong công tác thu hút tài năng trẻ vào công cuộc xây dựng đất nước.

Theo thống kê, Việt Nam xếp ở nhóm thấp nhất về năng suất lao động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 16 lần, Hàn Quốc 10 lần và Malaysia là 5 lần… Số lao động phần lớn không có kỹ năng, thiếu nhiều công nhân tay nghề cao và kỹ năng quản lý. Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 82/109 quốc gia được khảo sát, trong đó mức độ đáp ứng lao động với kinh doanh xếp thứ 63/109, chảy máu chất xám 66/109, còn mức độ quản lý và kỹ năng nghề lại ở mức rất thấp 95/109. Và chỉ tính riêng trong năm 2015, gần 4.000 người Việt Nam xin thôi quốc tịch. Đây chính là dấu hiệu đáng lo ngại nhất của hiện tượng “chảy máu chất xám”.

Trong khi, cuộc chiến giành giật tài năng giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt. Giữ và hút tài năng đòi hỏi chính sách, chiến lược và biện pháp cụ thể. Các quốc gia cần tạo môi trường thuận lợi để giữ tài năng ở lại và mặt khác thu hút tài năng, sao cho cán cân tài năng giữa phần chảy đi và lượng hút đến có lợi nhất cho đất nước.

Trên thực tế, ở nước ta, nhiều người tài chưa được trọng dụng, nhất là những người trẻ tuổi. Trong rất nhiều nguyên nhân, nguyên nhân quan trọng nhất là sự chưa hợp lý trong cơ chế, chính sách điều kiện làm việc bởi chúng ta chưa có một cơ chế đãi ngộ xứng đáng, dẫn đến tình trạng người tài không tôn trọng đúng mức, không tạo điều kiện cho người tài phát huy hết khả năng và thực tài của bản thân. Đất nước muốn phát triển thì phải trọng dụng, bổ nhiệm những con người bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo…, do đó, vấn đề cấp bách của Nhà nước là cần có các phương án, chính sách thiết thực hơn nữa trong việc ưu đãi, động viên, khích lệ những người học tập ở nước ngoài trở về. Nếu không nhân tài sẽ không muốn về nước phục vụ.

Nhiều ý kiến cá nhân cho rằng, những người trẻ tuổi mà có tài năng thật sự thì nên có chế độ, chính sách đãi ngộ riêng dành cho họ chứ không thể bắt họ xếp hàng theo kiểu “tuần tự nhi tiến” được. Năng lực đích thực của một con người cần phải thử thách bằng thời gian và hiệu quả công việc. Chúng ta cần xem xét toàn bộ quá trình để đưa ra quyết định cuối cùng, thay vì cố tìm ra một vài sai sót mà hủy hoại toàn bộ sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của cả tập thể hay các cá nhân trong đó.

Khởi Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top