Mặc dù mới trải qua 5 năm xây dựng và phát triển (thành lập tháng 11/2011) nhưng Trường Tiểu học thị trấn Chờ số 2 (Yên Phong - Bắc Ninh) đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và được công nhận là tập thể lao động xuất sắc. Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với cô Đỗ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, xung quanh nội dung này.
Quang cảnh nhà trường trong Lễ khai giảng năm học mới.
Thưa cô, cô có thể cho biết sơ lược quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường?
Trường Tiểu học thị trấn Chờ số 2 được tách từ Trường Tiểu học thị trấn Chờ tháng 11/2011. Từ năm học 2011-2012 đến năm học 2015-2016, nhà trường liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến và lao động xuất sắc. Trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2011. Ban đầu, nhà trường gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, tất cả chỉ có 17 phòng học, trong đó có 1 phòng học bộ môn, 16 phòng học văn hóa, chưa có đủ các phòng chức năng, học sinh phải học ở khu lẻ tại các thôn.
Trong những năm qua, chất lượng dạy và học của nhà trường luôn trong tốp đầu các trường tiểu học toàn huyện. Kết quả giao lưu học sinh giỏi những năm học gần đây đều xếp thứ 2, thứ 3 trên 17 đơn vị trường tiểu học của toàn huyện, nhiều học sinh đoạt giải nhất, nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, huyện.
Chất lượng đại trà của trường được đánh giá có nhiều khởi sắc, chất lượng thực chất được duy trì một cách vững chắc, số lượng học sinh được nắm vững các kiến thức kỹ năng đọc, viết, tính toán theo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học chiếm tỷ lệ cao.
Chỉ tính riêng năm học 2015-2016, nhà trường có 658 học sinh (18 lớp) thì 100% được đánh giá đạt năng lực và phẩm chất; 438 (66,5%) học sinh được khen thưởng toàn diện. Kết quả các cuộc thi mặc dù có giảm hơn năm học trước nhưng vẫn đạt được kết quả khả quan với 13 giải huyện, 4 giải tỉnh về thi viết chữ đẹp và nhiều giải ở các cuộc thi, hội thi khác.
Về đội ngũ giáo viên, năm học vừa qua, nhà trường có 32 cán bộ giáo viên thì có 31 người đạt trình độ trên chuẩn; 25 giáo viên giỏi cấp trường, không có giáo viên xếp loại chuyên môn yếu; 4 giáo viên giỏi cấp huyện và 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh (giáo viên giỏi xếp thứ 3 toàn huyện, tăng 6 bậc so với năm học trước). Tiêu biểu như các cô giáo Nghiêm Thị Doan, Kiều Thị Hạnh, Nguyễn Thị Hải, Nghiêm Thị Yến, Đặng Thị Thức, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Thuận, Ngô Thị Ngân Hà, Lê Thị Chung.
Với những kết quả đạt được, khi kết thúc năm học, nhà trường đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và được công nhận là tập thể Lao động xuất sắc và là trường đạt chuẩn “Phong trào vở sạch - chữ đẹp” cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Để đạt được những kết quả như vậy, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã nỗ lực như thế nào, thưa cô?
Có được kết quả như trên, ngoài sự cố gắng của tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, sự vươn lên trong học tập của học sinh còn có sự chỉ đạo sát sao của Phòng GD&ĐT huyện Yên Phong, của Đảng ủy, UBND thị trấn Chờ, cùng sự giúp đỡ, ủng hộ của các bậc phụ huynh; đặc biệt là của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và xí nghiệp quản lý vận hành khu công nghiệp huyện Yên Phong trong công tác hỗ trợ tiền của, tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho các cháu có môi trường học tập đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập trong giai đoạn hiện nay.
Để duy trì và nâng cao chất lượng của trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, cô có thể chia sẻ một số mục tiêu cụ thể trong năm học này?
Năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học thị trấn Chờ số 2 có 19 lớp với 695 học sinh. Để hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhà trường xây dựng các mục tiêu nhiệm vụ cơ bản, gắn phong trào thi đua “Hai tốt” với các cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Ngoài ra, nhà trường còn đảm bảo học 2 buổi/ngày đối với toàn bộ các lớp. Nâng cao chất lượng phổ cập đúng độ tuổi mức độ 2. Đẩy mạnh việc học Ngoại ngữ, dạy tin học với 100% học sinh; 100% học sinh lớp 1 và lớp 2 học tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài.
Đồng thời tập trung thực hiện tốt việc dạy chương trình công nghệ Tiếng Việt 1 đối với 4 lớp Một (146 học sinh) và chương trình VNEN đối với 4 lớp Ba, 4 lớp Bốn (280 học sinh).
Kết thúc năm học này, nhà trường đặt mục tiêu quyết tâm giữ vững danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; Chi bộ trong sạch, vững mạnh; Đoàn đội vững mạnh; Công đoàn vững mạnh xuất sắc; 100% học sinh được đánh giá đạt về năng lực, phẩm chất và kiến thức kỹ năng các môn học.
Xin cảm ơn cô!
Đỗ hùng (thực hiện)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.