Nhiều người dân vẫn biết việc đốt rơm gây hại cho môi trường nhưng nếu không đốt thì họ cũng chẳng biết làm gì cả.
Đốt rơm rạ trên đồng ruộng vì bất đắc dĩ
Theo ghi nhận của PV, trong nhiều ngày vừa qua, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch còn diễn ra trên nhiều cánh đồng thuộc các huyện Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy.
Một người dân trú tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy cho biết, năm nay gia đình ông cấy được 01 mẫu lúa và toàn bộ số rơm rạ sau khi thu hoạch ông đều phải đốt ngay tại đồng ruộng.
Chỉ một mình đang đương việc thu hoạch lúa vụ đông xuân 2020 – 2021 vì con đang phải điều trị tại bệnh viện, người đàn ông trú tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang chia sẻ, phần vì gia đình thiếu người thu hoạch mùa vụ, phần vì không có nhu cầu sử dụng và phải nhanh chóng tiến hành gieo cấy vụ hè thu nên toàn bộ rơm rạ đều phải đốt sau khi thu hoạch.
Qua trao đổi, nhiều người dân cho biết, chính quyền địa phương có khuyến cáo đến họ việc không được đốt rơm rạ sau khi thu hoạch mùa vụ, cùng với đó, họ cũng biết rằng việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hại cho đất đai, cho người đi đường… dù vậy, giờ này nếu không đốt thì họ cũng chẳng biết xử lý rơm như thế nào.
Thu gom rơm diễn ra manh múm, tự phát
Ông Nguyễn Văn Tam (60 tuổi trú tại phường An Tây, thành phố Huế) cho biết, gia đình ông có chăn nuôi bò nên tranh thủ thời gian này đi gom rơm khô về trữ cho chúng ăn khi gặp thời tiết mưa, lạnh, lụt lội.
Ông Châu Viết Hoàng (62 tuổi, trú tại phường An Tây, thành phố Huế) cũng đang tham gia gom rơm về chăn nuôi bò kể rằng, ngày trước đi gom rơm gặp nhiều khó khăn vì người dân giữ lại để sử dụng, những năm gần đây thì gom rơm rạ thoải mái hơn vì người trồng lúa không có nhu cầu sử dụng chúng nữa.
Nuôi 10 con bò, ông Nguyễn Văn Tùng (52 tuổi, trú tại phường An Đông, thành phố Huế) chỉ gom khoảng 2 sào rơm rạ khô là đủ để cho bò ăn rồi. “Bình thường bò không ăn rơm mô chú, nó đòi ăn cỏ thôi. Rơm là bọn nó chỉ ăn khi mô mưa lạnh và đói quá tê”, ông Tùng chia sẻ.
Anh Tống Quốc Huy (25 tuổi, trú tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang) cho biết, cách đây khoảng 2 năm gia đình anh đã đầu tư một chiếc máy cuộn rơm trị giá 235 triệu đồng để phục vụ việc gom rơm sau khi thu hoạch mùa màng.
Cũng theo chia sẻ của anh Huy, những ngày gần đây, anh cùng nhóm lao động của mình phải hoạt động hết công suất bởi vì nếu họ cuộn không kịp thì người dân sẽ đốt để tiến hành gieo cấy vụ sau.
Đến thời điểm này, anh Huy không biết rằng những nơi khác tình trạng cuộn gom rơm sau mùa vụ diễn ra như thế nào, riêng ở huyện Phú Vang rất nhiều rơm rạ đã bị đốt ngay trên đồng ruộng.
Nhóm anh Huy cho biết, về cơ bản họ chủ động tìm và di chuyển máy đến những cánh đồng có lượng rơm nhiều, sau đó gom lại và cuối ngày thì thuê xe chở về để bán cho những gia đình có nhu cầu.
Nhiều năm liền phải phát văn bản hạn chế đốt rơm
Để hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, ngày 17/4/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Chỉ thị Số: 11/CT-UBND Về việc tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
“Nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn chưa thực sự kiên quyết trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của nông dân chưa cao; nhận thức của nông dân chưa đầy đủ. Mặt khác, việc tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai cho nông dân ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật về xử lý rơm rạ chưa đầy đủ, liên tục,…”, Chỉ thị nên rõ.
Và, để tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch, nhằm bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Khoa học và Công nghệ… vào cuộc.
Đặc biệt, yêu cầu: “Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị theo phạm vi quyền hạn, trách nhiệm được giao; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp). Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện".
Mới đây nhất, ngày 6/5/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành văn bản số 3628/UBND-NN V/v hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Văn bản này được gửi hỏa tốc đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và yêu cầu: “Tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh”.
Qua văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị liên quan giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông do việc đốt rơm rạ gây ra.
“Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc để người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp)”, dẫn văn bản 3628/UBND-NN.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.