Cũng như bao đồng bào dân tộc thiểu số khác ở Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào Êđê, Mnông ở xã Hòa Phong (Krông Bông - Đắk Lắk) theo chế độ mẫu hệ và có những phong tục tập quán tốt đẹp, góp phần làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú.
Tuy nhiên, một trong những luật tục tốt đẹp ấy đang mai một và bị “biến tướng”, đó là tục cưới xin.
Luật tục xưa
Theo ông Y Xá Êban (Ama Nhai), năm nay 61 tuổi, dân tộc Êđê, Buôn trưởng buôn Ngô B, ngày xưa, khi con trai, con gái yêu nhau, người con gái muốn “bắt chồng”, phải trải qua trình tự các bước gồm: thăm nhà, lễ hỏi chồng (Nao Nuh) và lễ đi cưới (Yâu Ung Mỗ).
Để lễ đi hỏi được diễn ra suôn sẻ, trước tiên, gia đình, họ tộc nhà gái cử 2 người phụ nữ, thường là dì lớn, dì nhỏ (Amí neh, Prong) dắt người con gái sang thăm nhà cha mẹ của người con trai để đặt vấn đề và gửi người con gái ở lại nhà trai. Sau ba ngày, nhà trai sẽ đưa người con gái trở về nhà cha mẹ, điều này có nghĩa là gia đình nhà trai đồng ý kết tình thông gia với gia đình nhà gái.
Tiếp đó, cha mẹ người con gái sẽ mời những người đàn ông trong họ tộc thường là bác, cậu (Miết, Ava) đến để bàn bạc chuẩn bị lễ vật cho lễ đi hỏi. Việc chuẩn bị lễ vật bắt buộc phải có: 01 con heo khoảng 80kg cho mẹ con trai, 01 con heo khoảng 50kg cho cha con trai; 8 cái vòng đồng; 1 cái chén đồng và 1 tấm đắp. Khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, bác và cậu của người con gái sẽ sang nhà cha mẹ con trai thống nhất ngày, giờ để nhà gái tiến hành đem lễ vật sang nhà trai.
Trong ngày nhà gái mang lễ vật sang nhà trai, khi trình bày lễ vật, đại diện nhà gái phải sắp xếp theo thứ tự: Trước hết là tấm đắp rồi đến 8 cái vòng và chén đồng. Nhận lễ xong, gia đình nhà trai sẽ mang một ché rượu để mời nhà gái, nếu bác, cậu trong gia đình nhà gái là người cầm cần rượu trước, tức là công việc suôn sẻ, nhà trai sẽ làm con heo lớn (tức là heo cho mẹ), rượu cần tiếp đãi mọi người. Trường hợp người con gái đến cầm cần rượu trước thì việc hôn sự của 2 người bất thành.
Tiếp theo, hai bên gia đình sẽ bàn bạc lễ cưới cũng như thời gian người con gái phải ở lại nhà con trai. Thông thường, trong lễ cưới, nhà gái phải đưa cho cha mẹ con trai áo, quần, tấm đắp và 1 con bò (tùy vào điều kiện của nhà gái, nếu giàu có thì có thể thêm 1 con trâu hoặc nhiều hơn). Về thời gian người con gái ở nhà con trai theo thỏa thuận, có thể từ 1 đến 3 năm. Điều đáng nói, nếu trước đây 2 gia đình có phát sinh mâu thuẫn thì tùy theo tính chất vụ việc mà nhà gái sẽ bị nhà trai phạt vạ.
Khi hết thời hạn người con gái ở bên nhà con trai, thì bác hoặc cậu bên nhà gái sẽ thông báo cho nhà trai biết và đem số lễ vật đã bàn bạc giữa 2 gia đình, để xin rước rể về bên nhà gái. Trường hợp vì hoàn cảnh, nhà gái gặp khó khăn về kinh tế, chưa đủ lễ vật bàn bạc trước đây thì sẽ được nhà trai thống nhất cho nợ, sau này khi hai vợ chồng làm ăn có của, sẽ mang số lễ vật còn thiếu cho cha mẹ con trai…
Luật tục cũng quy định rất nghiêm, nếu người con trai bỏ người con gái không lý do chính đáng, sẽ bị phạt gấp 3 lần số lễ vật mà nhà gái đã mang sang cho nhà trai.
Nhờ luật tục đó mà các cặp vợ chồng sống với nhau hạnh phúc, tình sui gia ngày càng thắm thiết.
Sính lễ biến thành “thách cưới”
Tuy nhiên, luật tục tốt đẹp về cưới xin như thế dần bị mai một và đang bị biến tướng theo hướng “thách cưới”, gây ra nhiều hệ lụy.
Bà Amí G. ở buôn Ngô A là mẹ đơn thân, chồng chết hơn một năm, nay con gái “bắt chồng”. Theo yêu cầu của nhà trai, bà phải đưa cho nhà trai 1 con bò và 30 triệu đồng tiền mặt. Để có đủ số tiền đưa cho nhà trai, bà phải vay mượn bên ngoài 18 triệu đồng, lãi suất 3%/tháng.
Tương tự, ông Ama Q. ở buôn Ngô B, theo yêu cầu phải đưa cho nhà trai 1 con bò và 30 triệu đồng, nhưng do còn thiếu 10 triệu đồng, nên con rể vẫn chưa chịu về nhà ông, mặc dù con gái ông đã có con gần 3 tuổi.
Cũng có trường hợp nhà trai đòi hỏi quá cao, khiến gia đình nhà gái gặp không ít khó khăn. Ông Ama Nh. ở buôn Cư Phiăng tâm sự: “Trước đây, bản thân thường xuyên đau ốm, con cái còn nhỏ nên tôi phải vay ngân hàng trên 100 triệu đồng, một phần để chữa trị bệnh, một phần nuôi con ăn học và sản xuất. Khi con gái “bắt chồng”, theo yêu cầu của gia đình ông Ama X. ở buôn Bhung (Cư Pui), tôi phải dùng 50 triệu đồng, khoản tiền mà gia đình dự định trả ngân hàng để mua sắm lễ vật mang sang nhà trai, nên đến nay vẫn chưa thể trả hết nợ cho ngân hàng”.
Hay trường hợp của ông Ama H. ở buôn Tliêr, yêu cầu gia đình nhà gái là ông Y L. phải đưa lễ vật lên đến 75 triệu đồng… Có thể nói, đây là khoản chi phí khá lớn so với điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Việc đòi hỏi có tính “thách cưới” khiến cho nhiều cô gái thuộc gia đình nghèo trở thành người mẹ đơn thân như trường hợp HK. Êban ở buôn Ngô A, sau 2 lần “bắt chồng”, sinh 3 con đều không có cha, đành phải làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các già làng, những người có uy tín trong cộng đồng, các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương cần có giải pháp phù hợp để tránh tình trạng “thách cưới” đang diễn ra ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa như hiện nay.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.