Tối 10-3, tại Quảng trường 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột), UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các bộ, ban ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh trong khu vực long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2017 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển”.
Đến dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân; Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương; các đại sứ, phó đại sứ, tổng lãnh sự quán các nước Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Rumani; các đoàn nghệ thuật dân gian, nhà đầu tư, bạn bè, du khách trong, ngoài nước cùng hàng ngàn người dân địa phương...
Ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu khai mạc lễ hội
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, Phó Trưởng ban chỉ đạo lễ hội cho biết việc tổ chức lễ hội lần này nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là dịp để giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên. “Trong những ngày tham dự lễ hội, chúng tôi mong đại biểu và du khách có những kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất, con người Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Tây Nguyên; được tận hưởng những hương vị đậm đà của cà phê, thêm yêu thêm quý vùng đất bazan với kho tàng các sử thi huyền thoại, lễ hội độc đáo, điểm đến du lịch hấp dẫn và nhận ra nơi đây là vùng đất đầy tiềm năng hấp dẫn, mến khách và căng tràn sức sống”, ông Y Biêr Niê nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Trong không khí tưng bừng khai mạc lễ hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ tầm nhìn về một Tây Nguyên mới. Thủ tướng cho biết: Chúng ta hãy cùng nhau đưa Tây Nguyên trở thành một vùng cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời, Tây Nguyên phải là một biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của châu Á. Để hiện thực hóa điều này, Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong việc hồi sinh vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất đậm chất sử thi; phải luôn ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và niềm tự tin thiêng liêng của các cộng đồng Ê Đê, Gia Rai, Mơ Nông, Ba Na, Kinh... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải làm sao để hai chữ Tây Nguyên luôn hiện hữu trong trái tim, khối óc của những người yêu cà phê trên khắp thế giới. Hãy để chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” không chỉ dừng lại là khẩu hiệu của lễ hội mà cần trở thành kim chỉ nam cho chiến lược hành động, là công thức để thương hiệu cà phê Tây Nguyên lan tỏa khắp thế giới và đạt được vị thế tương xứng. Điều quan trọng là phải đảm bảo được đời sống, sinh kế bền vững cho nông dân trồng cà phê nói riêng, nông nghiệp nói chung; đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phải được hưởng lợi tương xứng với công sức lao động và thành quả phát triển của Tây Nguyên.
Sau lễ khai mạc, nhiều tiết mục văn nghệ độc đáo, hấp dẫn, đậm chất sử thi đã được trình diễn, thu hút sự hào hứng theo dõi của các đại biểu và du khách
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2017 và hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên diễn ra từ ngày 8 đến 13-3. Trong khuôn khổ lễ hội, liên hoan và hội nghị lần này diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như lễ hội đường phố; hội thi nhà nông đua tài; lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; thưởng thức cà phê miễn phí; phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng; hội thi “Tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên”; triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”…
Một số hình ảnh Báo Kinh tế nông thôn ghi nhận tại buổi lễ khai mạc lễ hội:
Minh Tuấn - Quốc Hùng
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.