Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016 | 5:0

Tưng bừng ngày hội non sông

Hôm nay, 22-5, hơn 69 triệu cử tri trong cả nước đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

16h: Theo thông tin từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia, báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, tính đến thời điểm 14h ngày 22/5, tổng số cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu có 51.593.536/68.089.084 cử tri (80,51%) đã tham gia bỏ phiếu, trong đó có 11.975 tổ bầu cử có 100% cử tri đã tham gia bỏ phiếu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc.

Đánh giá khái quát về tình hình bầu cử trên cả nước cập nhật đến 15h30 phút ngày 22/5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, toàn quốc có khoảng 80,51% cử tri đã đi bỏ phiếu; có khoảng 11.975 tổ bầu cử có 100% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Hiện, tất cả các điểm bỏ phiếu trong cả nước vẫn diễn ra bình thường, bà con vẫn tiếp tục đi bỏ phiếu, phấn đấu để đạt kết quả cao nhất.

Tính tới thời điểm này, dẫn đầu là tỉnh Tuyên Quang với kết quả 97,86%; Quảng Nam lúc 12h dẫn đầu toàn quốc như hiện tại đứng thứ 2 đạt 97,40%. Tỉnh Kon Tum đạt 97% (có 58 xã, phường, thị trấn đạt 100%); tỉnh Hòa Bình đạt 96,8%; Yên Bái 95,74%, Phú Thọ 95,33%; Quảng Ngãi 95,55%, Lâm Đồng đạt 94,83%... Riêng Bình Dương lúc 12 giờ thông báo là 47,46% bây giờ Bình Dương đã đạt 79,6%.

Cử tri phường Trung Liệt (Đống Đa-Hà Nội) đi bỏ phiếu.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đúng như dự đoán ban đầu, tỉnh Bình Dương có nhiều khu công nghiệp nên rất nhiều công nhân sau khi đi làm xong, buổi trưa họ đã tranh thủ đi bỏ phiếu, chính vì thế số phiếu hiện giờ đạt rất cao. Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho rằng, một số địa phương như Tuyên Quang, Quảng Nam... đạt tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các Ban bầu cử, các đoàn thể chính trị xã hội, công tác tuyên truyền rất tốt nên người dân rất tích cực đi bỏ phiếu. Đây là sự cố gắng rất lớn, bản thân người dân đã xác định rất rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của công dân nên cử tri đã tích cực đi bỏ phiếu rất sớm.

Đánh giá về dư luận trong nhân dân về tình hình thực hiện công tác bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, do sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đầy đủ, mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân nên ngay từ thời điểm khai mạc, cử tri đã hăng hái, tích cực tham gia bầu cử, thực hiện trách nhiệm quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhìn chung, không khí dư luận trong nhân dân đều tốt, cử tri phấn khởi, tin tưởng vào sự thành công chung của cuộc bầu cử. Điều đó đã được thể hiện ở hầu hết các địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu cao.

Cũng theo báo cáo của các địa phương, tình hình thời tiết tại các điểm bầu cử rất thuận lợi cho công tác bầu cử. Giao thông đi lại cơ bản thuận lợi. Một số địa bàn có mưa nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Thông tin liên lạc thông suốt, không gián đoạn trong thời gian diễn ra bầu cử. Ngoài ra, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử ở các địa phương được bảo đảm, cho đến thời điểm này chưa có vấn đề bất thường xảy ra. Sau 19h ngày 22/5 sẽ kết thúc phần bỏ phiếu, trừ những nơi nào nếu thấy cử tri vẫn còn thì phải kéo dài đến 21 giờ mới tiếp tục triển khai sang bước kiểm phiếu.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc mở hòm phiếu cũng thực hiện đúng theo luật định. Các ứng cử viên, người được ứng cử viên ủy quyền; cơ quan của ứng cử viên và báo chí được tiếp cận và chứng kiến việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu để đảm bảo tính công khai, công bằng của bầu cử. Trong quá trình kiểm phiếu, tất cả các tổ bầu cử đã được tập huấn theo đúng quy trình kiểm phiếu và đúng luật.

 

Đúng 7h sáng, tại gần 94.500 tổ bầu cử trên khắp cả nước, không khí đã rất rộn ràng, náo nhiệt; những bài hát về Đảng, về Bác Hồ vang lên khắp mọi nơi.

Theo quy định, thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 19h cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h và kết thúc muộn hơn nhưng không quá 21h cùng ngày.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu. Ảnh: Lê Anh Dũng

* Tại Hà Nội,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thứ 2 bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng sau cử tri cao tuổi nhất và tiếp đó lần lượt các cử tri khác.

Phát biểu ngay sau khi thực hiện quyền công dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: "Đại biểu, cử tri cũng như tôi mong muốn các đại biểu được bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp hết lòng vì nước vì dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ mà Hiến pháp và pháp luật quy định. Đó là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp. Nói chung thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người được dân tín nhiệm bầu ra thay mặt cho dân tham gia quản lý đất nước".

Cử tri phường Bồ Đề (quận Long Biên, TP. Hà Nội) đi bầu cử khá đông đủ.

Ngay sau các nghi lễ khai mạc của cuộc bầu cử, Trưởng ban Kinh tế Trung ương là cử tri đầu tiên của khu vực này đã bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình bỏ lá phiếu đầu tiên.

Thay mặt cho cử tri tại khu vực bỏ phiếu số 3, khu vực bầu cử phường Phương Mai, phát biểu trước đông đảo các cử tri và nhân dân, đồng chí bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi, tự hào khi thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Đồng chí nêu rõ, cùng với thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và đặc biệt là thành công rực rỡ của Đại hội XII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên, 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, là sự kiện chính trị quan trọng, đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình kêu gọi: “Đây là ngày trọng đại của dân tộc, ngày hội của non sông, ngày hội của toàn dân, bằng lá phiếu của mình, mỗi cử tri chúng ta hãy sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng, thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực thực hiện quyền hạn và trách nhiệm mà nhân dân giao phó để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp của Hà Nội; chấp hành đúng thể lệ bầu cử, nội quy bỏ phiếu. Làm được điều này, là mỗi cử tri chúng ta đã thể hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với đất nước, với địa phương, góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp Hà Nội, nhiệm kỳ 2016-2021”.

Khu vực bỏ phiếu số 10, phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm) có 1974 cử tri. Ngay từ đầu giờ sáng đã có rất đông cử tri đến điểm bỏ phiếu. Trong niềm vui chung của cử tri cả nước, chị Hà Thị Thứng quê ở Thanh Hóa, tạm trú tại phường Cổ Nhuế 1, tâm sự: “Năm nay là năm đầu tiên tôi đi bỏ phiếu tại Hà Nội, do vậy, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các ứng cử viên trước khi bổ phiếu. Tôi mong rằng những ứng cử viên tôi tin tưởng lựa chọn nếu trúng cử sẽ biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri và có những ý kiến xác đáng với Quốc hội và HĐND các cấp”.

Ngay từ đầu giờ sáng, nhiều cử tri Khu vực bỏ phiếu số 10, phường Cổ Nhuế 1 đã đến điểm bỏ phiếu.

Trong không khí tưng bừng của ngày hội non sông, các cử tri của tổ bầu cử số 4, phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng nô nức cầm những lá phiếu với nhiều kỳ vọng bầu chọn được những đại biểu ưu tú nhất, đại diện cho tiếng nói nhân dân.

Bắt đâu từ khoảng 7 giờ, cả khu phố đã náo nức đi bỏ phiếu, người người, nhà nhà cùng gọi nhau đi thực hiện quyền công dân của mình. Từ những người cao tuổi đến cử tri lần đầu được đi bầu cử đều có chung một mong muốn: Tìm được đại biểu xứng đáng, đại diện cho tiếng nói của mình.

Các cử tri đang lựa chọn đại biểu ưu tú của mình.

Cử tri Đinh Văn Long, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 7, phụ trách tổ bầu cử số 4 kỳ vọng: “Chúng tôi kỳ vọng những ứng cử viên được bầu có những chương trình hành động thiết thực, đi vào cuộc sống đồng thời phải quyết liệt hơn nữa trong mặt trận chống tham nhũng”.

"Bên cạnh đó, chúng ta nên kiểm soát những lời hứa của các ứng cử viên khi được bầu. Nếu ai không làm được nên tự nguyện từ chức để người khác thực hiện", ông Long bày tỏ.

Cử tri xếp hàng lần lượt bỏ những lá phiếu mang theo niềm hy vọng vào đại biểu mình bầu.  

Ở một khía cạnh khác, cử tri Lê Thị Lan Anh hy vọng: “Những người dân có thu nhập thấp như chúng tôi cần có một nơi ở ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho con cái ăn học nên tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đến chính sách hỗ trợ về nhà ở”.

Cử tri Lê Thị Lan Anh (áo vàng bên phải), mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp. Cử tri Đoàn Thị Thu Trang (ngoài cùng bên trái), mong muốn sinh viên ra trường có thêm cơ hội làm việc cả thành thị và nông thôn.

Là người lần đầu tiên đi bầu cử, cử tri Đoàn Thị Thu Trang (sinh viên năm 3, Học viện Tài chính) cảm thấy rất vinh dự, Trang bày tỏ: “Tôi rất vinh dự khi thực hiện quyền công dân của mình. Mong muốn những đại biểu được bầu lần này làm tốt những nguyện vọng của nhân dân. Đơn cử như sinh viên chúng tôi mong muốn có nhiều cơ hội làm việc khi tốt nghiệp”.

Cử tri Ðinh Xuân Thảo mong muốn các đại biểu phát huy hết năng lực, trách nhiệm, xứng đáng là đại biểu của nhân dân.

Cử tri Ðinh Xuân Thảo, nguyên đại biểu Quốc hội khoá 12, 13, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ vọng: “Tôi hy vọng những người được bầu lần này phát huy hết năng lực, trách nhiệm mà nhân dân giao phó”.

Mặc dù trời mưa, có lúc hơi nặng hạt, nhưng không khí bầu cử ở các cụm dân cư phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) vẫn rộn ràng ngay từ 7h sáng. Với mong mỏi, mỗi cử tri tùy theo công việc lớn, nhỏ của mình để có những đóng góp xứng đáng cho đất nước, nhân dân 

Người chúng tôi gặp đầu tiên là Kiến trúc sư Nguyễn Thị Hiền Anh, 29 tuổi. Chị cho biết: Đây là lần thứ 2 chị tham gia bầu cử, lần thứ nhất vào năm 2010. Nhưng lần này chị thấy vinh dự hơn, sôi động hơn vì đây là cuộc Tổng tuyển cử sâu rộng của đất nước trong 70 năm qua.  

Cầm lá phiếu trong tay, cử tri Hiền Anh không phải băn khoăn lựa chọn nhiều, vì chị và gia đình đã được phát các bản hồ sơ, lý lịch của ứng cử viên từ nhiều ngày nay và cân nhắc kỹ trước khi bỏ phiếu chọn người đủ đức, đủ tài, hết lòng vì nước, vì dân.

Chị cho biết, tôi thiên về lựa chọn những người trẻ tuổi, khả năng cống hiến cho đất nước cao và mong muốn họ gần gũi nhân dân, hiểu rõ công việc mình phải làm trong nhiệm kỳ ở nơi mình ứng cử nhiều hơn. Nếu không gần dân, xa rời thực tế thì rất khó giải quyết bất kỳ việc gì từ nhỏ đến lớn. Phải đi từ gốc đến ngọn và làm việc gì cũng phải cụ thể. Đừng coi đấy là việc nhỏ, chính những việc bức xúc hàng ngày - nó như hạt sạn trong giày, nếu không lấy ra thì chúng ta khó có thể đi tiếp. Lấy ví dụ, gần đây nổi lên việc một người nước ngoài, cùng với nhóm bạn của ông đi dọn rác ở phường Yên Hòa – Cầu Giấy (Hà Nội), đã tạo ra một hiệu ứng lớn trong cộng đồng người Việt Nam. Việc làm này tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa của nó thì hết sức lớn lao.

Bà Phạm Thị Hảo, ngõ 125, cho biết, tôi rất vui và đã chờ đón sự kiện này từ nhiều ngày nay. Tối hôm qua, tôi vẫn đọc lại lần cuối cùng các trang tiểu sử của cử tri để bầu ra những người thực sự xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân. Tuy nhiên, điều mà tôi mong mỏi ở cử tri là phải làm dứt điểm việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ; vườn hoa, khu vui chơi giải trí cho trẻ em và người già quanh khu vực Hồ Tây. Không để chó thả rông ra đường, phóng uế bừa bãi. Mặt khác, đây còn là nơi bị các hộ dân ven hồ lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán trái phép. Chỉ khi nào có lực lượng chức năng đến kiểm tra thì mới dẹp bỏ một cách chiếu lệ, lực lượng chức năng quay đi thì đâu lại vào đấy. Thiết nghĩ, cử tri nên cùng với chính quyền địa phương giải quyết tốt những vấn đề trên, vì Hồ Tây là nơi có cảnh quan đẹp, khách du lịch nước ngoài thường xuyên đi bộ qua đây.

Bà Hảo và ông Kết tại điểm bầu cử Cụm dân cư số 5.     

Đồng ý kiến với các cử tri trên, cử tri Phan Trung Kết, Ban Bầu cử Cụm dân cư số 5, cho biết: Ông đặt niềm tin vào các cử tri trúng cử đại biểu Quốc hội ở nhiệm kỳ này; nhất là việc họ phải hiến được nhiều kế hay. Giải quyết tốt các công việc trọng đại của đất nước, để Việt Nam không thua kém các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đưa nước nhà ra khỏi tốp các quốc gia nghèo, kém phát triển. Với cử tri Hà Nội, ông mong muốn Hà Nội phải thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng hơn nữa, xứng đáng là Thủ đô nghìn năm Văn hiến. Chỉ nói một việc nhỏ như: người dân Thủ đô vẫn thiếu nước sạch để ăn, uống, chưa nói đến nước sinh hoạt hàng ngày. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Phải có chế tài xử phạt đích đáng việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn trên địa bàn Thủ đô; việc các địa phương trong cả nước tuồn thực phẩm bẩn về Hà Nội, nếu không sớm ngăn chặn thì tôi e rằng: Thủ đô sẽ là nơi chứa rác thải của các địa phương.

Đối với cử tri quận Tây Hồ, làm sao để Hồ Tây đẹp, sạch, văn minh  ngang tầm quốc tế, là điều chúng ta phải làm ngay từ hôm nay. Trên thế giới, hiếm có đất nước nào có Thủ đô có hồ đẹp như Hà Nội, vì vậy, chúng ta phải giữ gìn. Hiện, cử tri rất bức xúc việc: tàu Tây Long nằm “cắm chân” ở Hồ Tây đã rất nhiều năm nay, chỉ để làm một việc: cho người dân bán hàng rong, quán cóc vỉa hè quanh khu vực Công viên Lý Tự Trọng gửi đồ qua đêm, gây mất mỹ quan và nhất là ô nhiễm môi trường khu vực công viên và mặt nước Hồ Tây.

Được biết, việc bảo quản, tu bổ cảnh quan khu vực Hồ Tây trước đây do T.p Hà Nội quản lý, nay đã giao về cho quận Tây Hồ. Vì vậy, quận nên sớm có kế hoạch bảo vệ, tu sửa, chỉnh trang, nhất là những khu vực công cộng do Nhà nước đầu tư.  

Cuối cùng, con sông Tô Lịch gắn bó với người Hà Nội thanh lịch dễ có đến hàng ngàn năm nay; nhưng giờ đây, nhắc đến con sông này là nỗi ám ảnh, nhức nhối, không những của người dân Thủ đô, mà của bất kỳ ai, dù là người trong nước, hay nước ngoài đến Hà Nội. Được biết, đã có kế hoạch cải tạo sông Tô Lịch, bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị, nhưng dự án trên vẫn đang nằm trên giấy. Cử tri Hà Nội kỳ vọng, vấn đề này sớm được thực thi, không nên để một con sông chết, đặc quánh, đen sì, nằm im lìm giữa lòng Thủ đô nghìn năm tuổi như vậy.                               

* Đúng 7 giờ sáng 22/5, các khu vực bỏ phiếu trong thành phố Hải Phòng đồng loạt tổ chức lễ khai mạc đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ tổ chức khai mạc và bầu cử trước 01 ngày theo kế hoạch (ngày 21/5).

Tại khu vực bỏ phiếu số 8, thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dự khai mạc ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ngay từ sáng sớm, các cử tri đã đến khá đầy đủ tại khu vực bỏ phiếu số 8, thị trấn Vĩnh Bảo. Đây là niềm vinh dự lớn lao của mọi người trước ngày hội lớn của toàn dân tộc. Tuyến đường dẫn đến các khu bỏ phiếu trên địa bàn huyện, cờ hoa, panô được trang hoàng khắp nơi. Tại các khu vực bỏ phiếu, tiểu sử các ứng cử viên cũng được Ban bầu cử đặt ở vị trí thuận tiện, dễ quan sát, tạo sự khách quan, công bằng giữa các ứng cử viên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân tiến hành bỏ phiếu

Không khí khai mạc cuộc bầu cử ở các địa phương diễn ra đúng luật, trang trọng, nghiêm túc. Ở nhiều địa điểm bỏ phiếu, cử tri tham dự khai mạc đông và tham gia bỏ phiếu sớm, nhanh so với tiến độ chung. Nhiều nơi có số cử tri tham dự khai mạc đông như tại tổ bầu cử tại thị trấn Tiên Lãng, Vĩnh Bảo…  

Các đồng chí lãnh đạo thành phố, các quận, huyện đã xuống tận các tổ bầu cử để cùng cử tri dự khai mạc và thực hiện bầu cử. Các thành viên Uỷ ban bầu cử, Ban Bầu cử các cấp và thành viên Tổ bầu cử phân công thành viên xuống từng địa bàn để vận động cử tri tham gia bầu cử. Một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã bố trí các xe đưa đón công nhân tham gia bỏ phiếu ở các điểm bỏ phiếu. Đối với các điểm dân cư xa khu vực bỏ phiếu hoặc nơi các địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, các địa phương đã tổ chức hòm phiếu phụ, hòm phiếu di động để phục vụ bà con tham gia bỏ phiếu hoặc bố trí phương tiện đưa cử tri đến khu vực bỏ phiếu (như lực lượng biên phòng đưa ngư dân, người làm việc trên biển về bỏ phiếu tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải).

Đến thời điểm này, hoạt động bầu cử ở các địa phương thuộc thành phố Hải Phòng diễn ra đúng luật, an toàn, trang trọng, tạo được không khí sôi nổi, bước đầu thể hiện được yêu cầu là ngày bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân.

*  Đầu giờ sáng 22/5, bất chấp cơn mưa khá nặng hạt, trên 970 ngàn cử tri ở 1.316 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại khu vực bỏ phiếu số 1 thuộc khóm 1, phường 2, TP Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng đã thực hiện nghĩa vụ công dân của mình cùng cử tri trên địa bàn  tham gia bỏ phiếu.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng thực hiện quyền công dân của mình.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay trong sáng 22/5, dù mưa khá nặng hạt nhưng bà con cử tri ở nhiều địa phương của tỉnh Sóc Trăng đã tranh thủ đi bỏ phiếu từ rất sớm. Tại phường 3, nhiều bà con dân tộc Khmer đã có mặt đi bầu cử đúng giờ, thực hiện tốt các qui định về bầu cử. Cử tri Sơn Thị Thới (SN 1963) nói: “Mưa to nhưng bà con chúng tôi cũng tranh thủ đến bỏ phiếu sớm để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng thời chúng tôi cũng vận động bà con trong khu vực tranh thủ đi bỏ phiếu cho đúng quy định. Cuộc bỏ phiếu này vui lắm, ai cũng háo hức chờ được đi bầu cử cả”.

Hòa Thượng Kim Rêne, Trụ trì chùa Dơi (phường 3-TP Sóc Trăng) vui vẻ nói: “Chưa tới 6 giờ là cử tri đã có mặt tại điểm bỏ phiếu rồi. Ai cũng háo hức chờ ngày đi bầu cử để chọn đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp. Nhà chùa cũng động viên các sư sãi và bà con phật tử đi bỏ phiếu đúng quy định, kịp thời gian”.

Cử tri trẻ Kiều Nguyễn Thanh Trang (21 tuổi), phường 2 (TP Sóc Trăng) cho biết: “Lần đầu tiên được cầm lá phiếu đi bầu cử em vui và hồi hộp lắm. Cả đêm ngủ không được, sáng ra, mới hơn 4 giờ 30 phút là đã dậy rồi. Đến đây thấy mọi người đã có mặt đông đủ, ai cũng vui, cũng háo hức”.

Trước đó, công an và lực lượng quân sự ở các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sớm một ngày, để cán bộ, chiến sĩ tập trung lực lượng tham gia đảm bảo ANTT trong ngày bầu cử 22/5.

Cử tri khu phố 11, phường Tân Phong (Biên Hòa, Đồng Nai) đi bầu cử.

*Tại Đồng Nai, theo quan sát của phóng viên tại hai tổ Bầu cử 11 và 12 khu phố 11, phường Tân Phong (Biên Hòa), dù chưa đến giờ mở thùng bỏ phiếu nhưng cử tri đã tập trung khá đông để thực hiện quyền công dân của mình bằng những lá phiếu trong tay.

Khu phố 11 có nhiều công nhân nhập cư nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động  nên hầu hết cử tri đều nhận được phiếu cử tri để thực hiện quyền của mình.

Không khí rộn ràng trong ngày bầu cử tại TDP 4, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi

* Theo thống kê của Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có hơn 944 nghìn cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Qua đó, cử tri sẽ bầu 7 đại biểu Quốc hội khóa XIV, 55 đại biểu HĐND tỉnh, 468 đại biểu HĐND cấp huyện và 4780 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021. Trên 944.000 cử tri sẽ đi bầu tại 1.341 khu vực bỏ phiếu. Địa phương có số cử tri đông nhất là thành phố Quảng Ngãi, với trên 187.000 cử tri, địa phương có số cử tri thấp nhất là 2 huyện Minh Long và Tây Trà, với trên 11.000 cử tri ở mỗi địa phương.

Trước đó, trong sáng 20/5, hơn 300 cử tri là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thuộc cơ quan quân sự huyện Lý Sơn, Trạm ra đa 18, Trạm ra đa 550, Tiểu đoàn 1- Lữ đoàn 270 công binh, Cảnh sát biển vùng 2 và Trạm đèn biển Lý Sơn, thuộc khu vực bầu cử số 8 xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức bầu cử sớm.

Cán bộ chiến sĩ công an bỏ phiếu tại UBND phường 5, quận 3.

* Sáng 22/5, tại tất cả các điểm bỏ phiếu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã hòa chung vào khí thế sôi nổi của cả nước tiến hành bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo đó, gần 6 triệu cử tri TP. Hồ Chí Minh cùng cử tri cả nước nô nức tham gia vào ngày hội 5 năm mới có một lần để sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã.

Lực lượng vũ trang tham gia bỏ phiếu

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 thành phố có số cử tri, số tổ bầu cử lớn nhất cả nước, cũng là những địa phương được phân bổ số lượng đại biểu nhiều nhất (mỗi thành phố sẽ có 30 đại biểu Quốc hội). Riêng TP. Hồ Chí Minh có 3.211 tổ bầu cử với hơn 5,2 triệu cử tri; sẽ bầu ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XIV từ 50 ứng cử viên (có 14 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu); đồng thời có 175 ứng cử viên để bầu ra 105 đại biểu HĐND TP.

Sau thời gian dài thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lại HĐND ở các khu vực này trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đó, danh sách ứng cử HĐND cấp quận, huyện là 1.568 người để bầu ra 943 đại biểu HĐND cấp huyện; 15.599 ứng cử viên để bầu ra 9.355 đại biểu HĐND cấp xã.

Trong khi đó, tại các điểm bầu cử của Lực lượng vũ trang Quân khu 7, việc chuẩn bị hòm phiếu, phông chữ, bảng tiểu sử các ứng cử viên, danh sách cử tri, bàn ghế và pa nô, băng-rôn, khẩu hiệu tại các đơn vị được trang trí rực rỡ tạo không khí trang nghiêm, ấn tượng. Tông màu vàng đỏ nổi bật hình quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nổi bật trên mỗi thùng phiếu.

Trong đợt bầu cử này, trên địa bàn Quân khu 7 hiện có trên 30 nghìn cử tri tham gia bầu cử tại 54 tổ bầu cử do các đơn vị trong Lực lượng vũ trang Quân khu tổ chức và trên 10 nghìn cử tri Lực lượng vũ trang Quân khu tham gia bầu cử chung với địa phương.

Được biết trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng vũ trang Quân khu đã chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục, quán triệt các văn bản, chỉ thị của cấp trên cũng như Luật bầu cử Quốc hội cho tất cả cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền sâu rộng về vị trí, ý nghĩa, vai trò của Quốc hội và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 theo kế hoạch của Ban bầu cử các địa phương và của Quân khu.  

Trước đó, Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2016. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; trong nước, lợi dụng bầu cử, các thế lực thù địch tập trung chống phá rất quyết liệt có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kết quả bầu cử, do vậy Lực lượng vũ trang Quân khu phải luôn nâng cao cảnh giác, tăng cường trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động, tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời triển khai chặt chẽ kế hoạch bảo đảm an toàn trước, trong và sau bầu cử. Tổ chức các điểm bầu cử trong Lực lượng vũ trang Quân khu đúng quy định, chặt chẽ, dân chủ, tiến hành bầu cử đúng nguyên tắc, thủ tục và an toàn tuyệt đối; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo kết quả bầu cử theo đúng qui định của trên.

Một điểm bỏ phiếu phường Đakao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Với truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta, với ý chí và lòng yêu nước thiết tha, với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vào thời điểm quan trọng này, cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú, có đức, có tài vào cơ quan quyền lực cao nhất của Trung ương và địa phương; bầu đúng, bầu đủ theo luật định, để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp và thực sự là một ngày trọng đại - ngày hội lớn của dân tộc ta. 

Tại điểm bỏ phiếu ở UBND phường 7 (quận 3, TP.  Hồ Chí Minh) sáng nay, trong tiết trời mát mẻ, đông đảo người dân đã có mặt để bỏ phiếu. Cử tri xếp hàng ngay ngắn, trật tự theo sự sắp xếp của ban tổ chức. Nhiều người đến sớm tranh thủ xem lại danh sách các ứng cử viên; có cử tri dẫn theo con nhỏ đi bỏ phiếu để giáo dục lòng yêu nước và khuyến khích con sớm có tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc .

Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu ( ngụ ở quận 3) chia sẻ: "Đã nhiều lần đi bầu cử nhưng lần nào tôi cũng có cảm xúc rất khó tả.  Trước khi đưa ra lá phiếu bầu, tôi luôn xem kĩ danh sách ứng cử viên, ai có tâm, có tài, vì dân vì nước, có trách nhiệm với công việc để thực hiện đúng với nguyện vọng của người dân thì theo tôi đó là người xứng đáng.”

Ông Lê Văn Hữu ( 65 tuổi, ngụ ở đường Trần Quốc Thảo) cũng đưa ra kì vọng: “Mong các đại biểu do cử tri bầu ra sẽ sáng tạo hơn các nhiệm kì trước, biết nhận sai và sửa sai, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, tạo mọi điều kiện cho bà con làm ăn, sinh sống được ấm no hơn.”

* Tại TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), vào 6 giờ 30 phút sáng nay, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn có mặt tại tổ dân phố 3, phường Trần Phú để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Bí thư Lê Đình Sơn bày tỏ vui mừng vì hầu hết các cử tri ở đây đã tích cực đi bầu cử sớm với tinh thần trách nhiệm cao; đồng thời tin tưởng các cử tri bằng lá phiếu của mình, sẽ chọn lựa được đại biểu xứng đáng, thực sự là người đại biểu của nhân dân tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân nơi cư trú

Thị xã Kỳ Anh có 48 đại biểu ứng cử đại biểu HĐND thị xã, bầu 30 đại biểu; 500 đại biểu ứng cử HĐND xã, phường, bầu 299 đại biểu tại 88 khu vực bỏ phiếu. Hôm nay, thị xã Kỳ Anh có trên 51.000 cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử trên toàn thị xã.

Khu vực bỏ phiếu số 1 tại thôn Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh)

Tại huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), nơi có nhiều người dân đi làm ăn, buôn bán ở nước bạn Lào, chính quyền đã tuyên truyền, vận động để người dân trở về quê nhà thực hiện quyền, nghĩa vụ bầu cử.

Cư tri đọc kĩ các thông tin trước khi quyết định bỏ phiếu

Ông Nguyễn Sỹ Luận - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1 - cho biết, xã đã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về ngày bầu cử, quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri khi tham gia bầu cử, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, lồng ghép trong các cuộc họp thôn. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, cả xã có 6 tổ bầu cử tại 7 địa điểm với hơn 3900 cử tri. Trong đó, có một địa điểm tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

Đúng 6 giờ 45 phút, 100% cử tri là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng thuộc cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã có mặt tại hội trường đơn vị (tổ bầu cử số 7, phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh) để chuẩn bị cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc bỏ phiếu

Sau lễ khai mạc lúc 7 giờ, bộ phận bầu cử đã thông qua nội quy phòng bỏ phiếu, kiểm tra và niêm phong thùng phiếu. Tiếp đó, các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bỏ những lá phiếu đầu tiên rồi lần lượt những cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng còn lại tiếp tục bỏ phiếu.

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, các cử tri thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hoàn thành việc bỏ phiếu đúng quy trình, an toàn và trật tự; thực hiện xong quyền lợi của công dân.

* Mặc dù ngày hôm nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa lớn trên diện rộng, thế nhưng tại các điểm bầu cử từ thành phố đến các thôn, buôn, không khí vẫn diễn ra rất sôi nổi. Tại tổ bầu cử số 1, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), trong trang phục truyền thống,  hơn 1.100 cử tri người đồng bào Ê Đê ở 2 buôn K’Nia 1 và K’nia 4 từ khắp các ngả đường nô nức tiến về khu vực bỏ phiếu ngay từ sớm để tranh thủ tìm hiểu tiểu sử của các ứng viên với kỳ vọng mình sẽ chọn ra những vị đại biểu đủ đức đủ tài để xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp. Anh Y Hưng Ayun (26 tuổi), trú tại buôn K’Nia 1, xã Ea Bar chia sẻ: “Tôi rất hứng khởi và hồi hộp bởi đây là lần đầu tiên tôi được cầm trên tay lá phiếu để đi bầu ra những người ưu tú tiêu biểu xứng đáng với niềm tin mà cả buôn gửi gắm để phát triển xã nhà”.

Già làng Aê H’Nhap (chỉ tay) cùng các bạn trẻ tìm hiểu tiểu sử các đại biểu

“Trên cương vị là già làng, trưởng buôn, chúng tôi mong những người trúng cử sẽ đề ra những giải pháp xây dựng kinh tế buôn làng càng đi lên, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là quan tâm hơn đối với đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Aê H’ Nhap, già làng buôn K’ Nia 4, xã Ea Bar (Buôn Đôn), cho biết.

Các cử tri đang xem thông tin của các ứng cử viên để mình chọn ra những người ưu tú nhất

Ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho hay: “Nhờ tuyên tuyền tốt cuộc bầu cử hôm nay diễn ra rất suôn sẻ, 100% người dân đi bỏ phiếu trong niềm hứng khởi. Tính đến thời điểm 10 giờ sáng nay có đến 86,7% cử tri ở 83 tổ bầu cử tại huyện Buôn Đôn đi bỏ phiếu. Để công tác bầu cử được diễn ra tốt đẹp gần  một tháng trước, huyện đã phối hợp với chính quyền xã cùng già làng, trưởng buôn, những người có uy tín đi vận động người dân cũng như tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về mục đích cũng như ý nghĩa của ngày hội lớn này”.

Tổ bầu cử cùng nhân dân đang kiểm tra thùng phiếu trước khi bỏ phiếu

Với sự tăng cường phối hợp nhịp nhàng giữa tất cả các lực lượng, thực hiện đồng bộ tất cả mọi biện pháp, nên tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Đắk Lắk tiếp tục được đảm bảo ổn định…

Ông Y Lơ Arun đang thực hiện quyền công dân của mình

Y Hưng phấn khởi nhận phiếu bầu

Ông Y Lơ Arun (58 tuổi, cử tri sống tại buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) phấn khởi chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui vì được cùng bà con trong buôn đi bầu cử. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, bà con ở buôn A Kô Dhông cũng luôn góp sức cùng chính quyền đảm bảo an ninh trật tự. Tôi mong muốn các đại biểu trúng cử sẽ tiếp tục quan tâm đến bà con ở các buôn làng Tây Nguyên nói chung và buôn A Kô Dhông nói riêng”.

Già làng Aê H’Nhap hướng dẫn Y Hưng gạch phiếu bầu

Còn em H’Zuni (21 tuổi, cử tri sống tại buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) là cử tri lần đầu được đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, vui mừng cho biết: “Hôm nay, lần đầu tiên em được đi bầu cử nên tâm trạng rất hồi hộp. Em mong muốn những lá phiếu của mình sẽ chọn ra được người tài đức, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của nhân dân và xây dựng buôn làng Tây Nguyên của em ngày càng được thêm giàu đẹp”.

* Cùng với cử tri cả nước nói chung, hơn 666.490 cử tri của Phú Yên nói riêng tham gia bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại 862 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh.

Các cư tri Phú Yên ý thức được đầy đủ về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, tâm huyết với đất nước, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp.

Các cử tri bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu

Cử tri bỏ phiếu bầu 6 ĐBQH khóa XIV (trong tổng số 10 người ứng cử); bầu 50 đại biểu HĐND tỉnh (trong tổng số 84 người ứng cử); bầu 298 đại biểu HĐND cấp huyện (trong tổng số 499 người ứng cử); bầu 3.001 đại biểu HĐND cấp xã (trong tổng số 5.016 người ứng cử).

* Sáng ngày 22/5, đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia do Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Hà Nam về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Điểm đầu tiên mà Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực HĐBC Quốc gia kiểm tra là điểm bầu cử thuộc xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, sau đó đồng chí đã đến kiểm tra tại điểm bầu cử thuộc phường Minh Khai (TP. Phủ Lý) và làm việc với UBBC tỉnh Hà Nam.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBBC tỉnh Hà Nam báo cáo với đoàn công tác...

Theo báo cáo của UBBC tỉnh Hà Nam, sau 3 lần hiệp thương, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam đã chốt danh sách 8 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó có 6 đại biểu của tỉnh và 2 đại biểu Trung ương; 84 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; 343 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 5.069 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử Quốc gia tặng hoa và phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra.

Qua công tác kiểm tra, thấy UBBC các huyện, thành phố đã thực hiện tốt kết quả sau 3 lần hội nghị hiệp thương; UBND các xã, phường, thị trấn đã tiến hành lập danh sách cử tri, niêm yết tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, nhà họp thôn, tổ dân phố và khu vực bỏ phiếu theo quy định, đồng thời thông báo để nhân dân biết và kiểm tra. Cho đến thời điểm hiện tại, tình hình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của UBBC Quốc gia đã đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 của tỉnh Hà Nam được thực hiện nghiêm túc đúng theo hướng dẫn của luật.

Phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra, đồng chí Tòng Thị Phóng bày tỏ vui mừng về sự đổi mới của tỉnh và đánh giá cao quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua và đã chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, đúng quy trình công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, đồng thời chỉ đạo, UBBC tỉnh Hà Nam cần phải bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối cho các điểm bầu cử, các hòm phiếu tại các điểm bầu cử và chúc UBBC tỉnh Hà Nam hoàn thành tốt công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Cử tri nô nức đi bầu cử.

Cử tri xem tiểu sử của các ứng cử viên.

Lựa chọn người xứng đáng.

Đoàn cử tri xếp hàng nghiêm túc vào bỏ phiếu tại điểm bầu cử thuộc phường Minh Khai.

* Tại Nghệ An có 5 đơn vị bầu cử Đại biểu Quốc hội , 26 đơn vị bầu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 243 đơn vị bầu hội đồng nhân dân cấp huyện và 3.688 đơn vị bầu cử hội đồng nhân dân cấp xã, phường với gần 4.000 tổ bầu cử.

Trước đó, ngày 20 - 5 đã có 146 điểm bỏ phiếu tại các huyện miền núi như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong.

Như vậy trong ngày hôm nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tại 3.787 điểm bỏ phiếu. Cử tri Nghệ An sẽ bầu 13 đại biểu Quốc hội trong tổng số 23 ứng cử viên đại biểu Quốc hội; 91 đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh trong tổng số 153 ứng cử viên; bầu 792 đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện trong tổng số 1.319 ứng cử viên và bầu 12.695 đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã trong tổng số 21.316 ứng cử viên.

Tại tổ bầu cử số 1 – xã Nghi Phú – Thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, 100% cử tri đã đi bỏ phiếu. Có mặt rất sớm tại điểm bầu cử em Phạm Thị Lâm, 26 tuổi, ở xóm 8, xã Nghi Phú, chia sẻ, em đã rất chờ đợi đến ngày 22/5 để được tự tay mình lựa chọn những người đủ đức, đủ tài để bầu và bỏ vào thùng phiếu, em rất tự hào về quê hương, dân tộc của mình.

Tại phường Trường Thi, thành phố Vinh, tổ bầu cử số 4 có 753 cử tri. Sau khai mạc, đồng chí Nguyễn Bá, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ tĩnh đã bỏ lá phiếu đầu tiên; tiếp đến là đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư  Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An  đã bỏ phiếu ở tổ bầu cử này.

Đến với ngày bầu cử, hầu hết cử tri đều cho rằng, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh đều có trình độ, năng lực cao, có đủ đức, đủ tài, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng cuả nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

*Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, không khí bầu cử rộn ràng khắp nơi, từ thành phố Huế, các dòng sông, cây cầu cũng được trang trí băng rôn, khẩu hiệu cho ngày hội toàn dân.

Tại 1.008 khu vực trên toàn tỉnh, người dân đến rất sớm để bỏ lá phiếu của mình. Tại  các điểm bỏ phiếu Phú Nhuận, An Cựu, Vĩnh Ninh, thành phố Huế, hàng ngàn cử tri đã đến bỏ phiếu khá sớm, các điểm bỏ phiếu ở đây đều đồng loạt khai mạc lúc 6 giờ 30 phút. Lễ Khai mạc diễn ra trang nghiêm, trang trọng, đúng luật, các thùng phiếu đều được niêm phong trước sự chứng kiến của cử tri.

Tại Trường Đại học Y dược Huế, nhiều cử tri là giáo viên, sinh viên cũng đã rất phấn khởi, dự khai mạc và hoàn thành phần bỏ phiếu của mình trong sự hân hoan vui mừng.

Sinh viên Dương Bảo Trung, học năm thứ 4 bác sỹ đa khoa đại học Y - Dược Huế chia sẻ:  “Đây là lần đầu tiên em đi bỏ phiếu, em rất xúc động và đã hoàn thành phần bỏ phiếu của mình, đây thật sự như một giấc mơ bởi chính tay mình được lựa chọn những người đủ đức, đủ tài là Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”.

Khác với Dương Bảo Trung, sinh viên năm thứ 4 bác sỹ đa khoa Đại học Y – Dược Huế Cao Thanh Trường, người Nghệ An, xúc động nói: “Lần đầu tiên cầm lá phiếu trên tay, lần đầu tiên đi bỏ phiếu thật sự thấy rất ấm áp, đoàn kết và hơn bao giờ hết quyền công dân được tôn vinh, em thật sự xúc động...”.

Cử tri Bộ Tham mưu, Quân đoàn 4 nô nức đi bầu cử tại tổ bầu cử số 42, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương

*Tại Quân đoàn 4 (Bình Dương), ngay từ sáng sớm 22-5, không khí đã rất sôi động, khẩn trương, hàng vạn cử tri là cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công ngân viên quốc phòng đã nô nức tập trung đông đủ tại các điểm bầu cử. Đúng 06h30 phút, 13/13 khu vực, tổ bầu cử làm lễ chào cờ, hướng dẫn nội quy, quy định, kiểm tra, niêm phong thùng phiếu. Đúng 07h00 các tổ bầu cử tiến hành bỏ phiếu.

Với ý thức và trách nhiệm công dân cao, tính đến 14h30, 100% cử tri Quân đoàn 4 đã trực tiếp tham gia bầu cử. Công tác kiểm tra, giám sát việc bầu cử được Bộ Tư lệnh Quân đoàn quan tâm chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các đơn vị cơ sở khá tốt nên quá trình bầu cử diễn ra nhanh, gọn, thông suốt, an toàn, tiết kiệm. Bên cạn đó, các đơn vị đã cắt cử luân phiên lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, canh gác, duy trì chê độ trực nghiêm túc, bảo bảm sẵn sàng chiến đấu và xử lý tốt các có tình huống. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn các đơn vị đóng quân và đơn vị trong bầu cử ổn định, an toàn.

Trước đó, công tác chuẩn bị bầu cử đã được cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ. Cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nắm vững vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND các cấp, nội dung cơ của luật định Chủ động phối hợp với địa phương, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Xây dựng và luyện tập phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử.

Nhóm PV

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top