Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 27-30/11 của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda và Phu nhân, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Ba Lan. Báo điện tử Kinh tế nông thôn trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.
Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-30/11. Ảnh: TTXVN
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Andrzej Duda đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chào xã giao Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ba Lan; khai trương Văn phòng Đại diện Tổng Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan; thăm TPHCM.
Tháp tùng Tổng thống Cộng hòa Ba Lan có đại diện Chính phủ Ba Lan bao gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Jarosław Gowin; Bộ trưởng Bộ Môi trường Jan Szysko; các nghị sĩ; các Quốc vụ khanh và Phó Quốc vụ khanh Văn phòng Tổng thống; Bộ Ngoại giao; Bộ Phát triển Kinh tế và Tài chính; Bộ Nông nghiệp, cùng với đoàn 65 doanh nghiệp đại diện cho các công ty từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Tại hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Andrzej Duda đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội và những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, trao đổi về các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ song phương và thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với các nước Trung Đông Âu, trong đó Ba Lan là một ưu tiên; chúc mừng nhân dân Ba Lan đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước và hội nhập châu Âu. Tổng thống Andrzej Duda đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Hai bên hài lòng ghi nhận những bước phát triển tích cực của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với bề dày lịch sử 67 năm giữa Việt Nam và Ba Lan; hoan nghênh việc duy trì và tăng cường đối thoại chính trị ở cấp cao cũng như trao đổi đoàn thường xuyên giữa Quốc hội, các bộ, ngành và địa phương hai nước, thể hiện quyết tâm chính trị, tạo động lực mở rộng hơn nữa hợp tác song phương trên các lĩnh vực cùng quan tâm.
Hai bên đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ đã đạt được trong hợp tác thương mại-đầu tư song phương, khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực để tăng kim ngạch hai chiều, đưa cán cân thương mại phát triển cân bằng, hài hòa, tôn trọng các quy tắc thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cần thiết để khai thác tiềm năng thị trường và cơ hội đầu tư. Hai bên nhất trí thành lập cơ chế phối hợp về hợp tác kinh tế nhằm khai thác triệt để tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại và đầu tư như đã thỏa thuận trong Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế và Tài chính Cộng hòa Ba Lan về hợp tác kinh tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Ba Lan chính thức khai trương Văn phòng Đại diện Tổng Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TPHCM nhân dịp này, tạo cơ hội giao thương và hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Hai bên hoan nghênh việc ký Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Ba Lan về hợp tác tài chính, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dự án hợp tác sử dụng vốn vay ODA trị giá 250 triệu euro của Chính phủ Ba Lan dành cho Việt Nam. Hai bên cam kết sẽ phối hợp tích cực và hiệu quả để triển khai các dự án sử dụng khoản vay ưu đãi của Ba Lan.
Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác truyền thống trong lĩnh vực giáo dục. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Cộng hòa Ba Lan ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục đại học, trong đó có việc nâng số học bổng hai bên cung cấp cho nhau lên 20 suất mỗi năm. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm đàm phán ký Hiệp định về công nhận tương đương các văn bằng giáo dục.
Hai bên bày tỏ hài lòng về việc ký Ý định thư thành lập khóa học tiếng Ba Lan giữa trường Đại học Hà Nội và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Ba Lan. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn quảng bá việc dạy tiếng Ba Lan tại Việt Nam để nâng cao sự kết nối giữa nhân dân Việt Nam và Ba Lan.
Hai bên nhất trí chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Cộng hòa Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng như Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cộng hòa Ba Lan về hợp tác nông nghiệp.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương về khoa học-công nghệ và thông tin-truyền thông trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0; việc ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Ba Lan - PAP là bước đi cụ thể nhằm đưa quan hệ hai nước bắt kịp xu thế này.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực văn hóa và du lịch; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn, trùng tu di tích và phát huy giá trị di sản, nhất là các di sản được UNESCO công nhận.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, nhất là về công nghiệp quốc phòng, công tác đào tạo huấn luyện quân nhân, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cũng như khắc phục hậu quả chiến tranh.
Hai lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, buôn ma túy trái phép và các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác để đối phó lại những mối đe dọa này.
Tổng thống Andrzej Duda khẳng định Cộng hòa Ba Lan sẽ ủng hộ, thúc đẩy việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Cộng hòa Ba Lan tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước thành viên của tổ chức này.
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và có lợi ích, hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) và ASEAN-EU. Ba Lan cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Ba Lan vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong cuộc bầu cử tháng 6/2017 và khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hai bên cam kết thúc đẩy việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn và bày tỏ mong muốn Nhà nước Ba Lan sẽ hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan ổn định cư trú, thuận lợi kinh doanh, hội nhập vào xã hội sở tại và duy trì tiếng Việt, giữ gìn bản sắc, văn hóa Việt Nam. Tổng thống Andrzej Duda đánh giá cao vai trò cầu nối giữa hai nước của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và bày tỏ hy vọng cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan tiếp tục phát triển, ổn định, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan.
Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Andrzej Duda; coi đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ba Lan.
Tổng thống Andrzej Duda chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng nhiệt mà Việt Nam dành cho Tổng thống và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Ba Lan; trân trọng mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Ba Lan vào thời gian thích hợp. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã vui vẻ nhận lời. Thời gian cụ thể của chuyến thăm sẽ được hai bên thu xếp qua đường ngoại giao.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.