Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 6 năm 2017 | 9:10

Tuyên bố chung Việt Nam - Belarus

Kinh tế nông thôn trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về phát triển toàn diện và sâu rộng quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Belarus.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Alexander Lukashenko duyệt đội danh dự. Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Belarus A.G. Lukashenko, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đã thăm chính thức Cộng hòa Belarus từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 6 năm 2017.

Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Belarus A.G. Lukashenko, hội kiến Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội Cộng hòa Belarus V.P. Andreichenko, Thủ tướng Cộng hòa Belarus A.V. Kobyakov.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Chiến thắng, thăm Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Nhà máy ô tô Minsk, cơ sở quốc phòng Tetraedro, gặp gỡ các thành viên Hội Hữu nghị Belarus - Việt Nam và các cựu chiến binh Belarus đã từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến về thực trạng và triển vọng củng cố và phát triển hợp tác Việt Nam - Belarus, thảo luận các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.

Kết thúc chuyến thăm, hai Nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố chung thể hiện quan điểm tương đồng về các vấn đề quan hệ song phương và quốc tế, khẳng định đường lối nhất quán củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Belarus.

1. Hai Bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển liên tục, năng động và mang tính xây dựng của quan hệ hợp tác Việt Nam - Belarus, trao đổi đoàn tích cực ở cấp cao và cấp cao nhất trong những năm gần đây. Chính điều này đem lại tính bền vững cho quan hệ giữa hai quốc gia, tạo điều kiện làm sâu sắc thêm mối quan hệ này trên tất cả các lĩnh vực.

2. Hai Bên khẳng định mong muốn chung tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại; ghi nhận tiềm năng hợp tác to lớn, có tính đến việc Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu cùng các nước thành viên đã có hiệu lực từ ngày 05/10/2016, và nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định.

Hai Bên nhất trí phát triển và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất phương tiện vận tải, nông nghiệp, hóa dầu, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin và ngân hàng, điện tử, khai khoáng, chế biến hải sản, sản phẩm công-nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác.

Hai Bên hoan nghênh việc thành lập Liên doanh giữa Việt Nam và Belarus lắp ráp xe tải của Belarus trên lãnh thổ Việt Nam “MAZ Asia”  và bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Liên doanh.

Việc triển khai các dự án hợp tác sẽ tạo điều kiện nội địa hóa việc chế tạo sản phẩm kỹ thuật phức tạp của Belarus tại Việt Nam mà một trong những mục tiêu là xuất khẩu tiếp sang các quốc gia thành viên ASEAN, cũng như bảo đảm tạo thêm việc làm mới và nâng cao trình độ cho công nhân Việt Nam, đáp ứng lợi ích của cả hai Bên.

Hai Bên ghi nhận những cơ hội lớn và nguyện vọng tham gia tích cực hơn vào các chương trình quốc gia, các dự án hạ tầng, năng lượng và các dự án khác đang được triển khai tại Việt Nam và Belarus, trong đó có các dự án thiết kế và xây dựng tàu điện ngầm, đường ngầm, Thư viện quốc gia, khai khoáng ở Việt Nam, triển khai các dự án trong lĩnh vực công-nông nghiệp, thông tin liên lạc, công nghiệp và du lịch ở Belarus.

3. Hai Bên ghi nhận sự hợp tác hiệu quả, tin cậy trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia của mỗi nước cũng như ổn định trong khu vực và trên thế giới, thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự giai đoạn 2016-2020.

4. Hai Bên ghi nhận tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và khẳng định tính cấp bách và sự cần thiết của việc thực hiện Chương trình hợp tác giữa Belarus và Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục và văn hóa giai đoạn 2016 - 2018.

5. Phía Việt Nam đánh giá cao quyết định của phía Belarus đơn giản hóa chế độ thị thực đối với công dân Việt Nam có thị thực Schengen hoặc thị thực của thành viên EU từ ngày 12/2/2017. Phía Belarus cảm ơn phía Việt Nam về quyết định miễn thị thực cho công dân Belarus nhập cảnh ngắn hạn kể từ ngày 01/7/2015 cũng như việc đưa Belarus vào danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử và cho rằng những quyết định này tác động tích cực đến chiều hướng phát triển du lịch, tiếp xúc giữa doanh nghiệp và giao lưu lưu nhân dân giữa hai nước.

6. Hai Bên ghi nhận hoạt động tích cực của các Bộ, ngành hữu quan hai nước nhằm hoàn thiện cơ sở điều ước - pháp lý cho hợp tác song phương; hoan nghênh việc ký kết các thỏa thuận và văn bản về hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau trong chuyến thăm Cộng hòa Belarus của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

7.  Hai Bên nhất trí tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Belarus thông qua việc soạn thảo các thỏa thuận hợp tác mới, trao đổi đoàn cũng như ký các chương trình (kế hoạch) hợp tác được cụ thể hóa nhằm triển khai những thỏa thuận đã ký kết trước đó.

8. Phía Việt Nam hoan nghênh việc tổ chức “Những ngày văn hóa Belarus tại Việt Nam” tháng 5/2017. Phía Belarus vui mừng đón nhận kế hoạch của phía Việt Nam tổ chức “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Belarus” trong năm 2018.

9. Phía Việt Nam đánh giá cao và bày tỏ mong muốn phía Belarus tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và lao động ổn định, hợp pháp tại Belarus, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Belarus.

10. Hai Bên khẳng định sự tương đồng quan điểm đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu then chốt; bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế, trước hết là Liên Hợp Quốc và Phong trào Không liên kết, cùng nỗ lực vì mục tiêu thúc đẩy xây dựng trật tự chính trị và kinh tế quốc tế công bằng và bình đẳng.

11. Hai Bên nhất trí phối hợp chặt chẽ và khẳng định cam kết cùng thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận toàn cầu như Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

12. Hai Bên khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như nguyên tắc hợp tác cùng có lợi vì hòa bình, ổn định và phát triển, tuân thủ các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

13. Hai Bên ủng hộ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có tranh chấp tại Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan và hoan nghênh các nỗ lực nhằm soạn thảo và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

14. Hai Bên tuyên bố ủng hộ chính sách hội nhập quốc tế tích cực của Việt Nam và Belarus. Phía Việt Nam khẳng định sẵn sàng ủng hộ mong muốn của Belarus củng cố hợp tác nhiều mặt với các nước Đông Nam Á. Phía Belarus bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển hợp tác cùng có lợi với các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập.

15. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao chủ trương của Belarus phát triển quan hệ với các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống A.G. Lukashenko hoan nghênh vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực, đặc biệt là việc đảm nhận cương vị nước Chủ nhà APEC 2017 và chúc Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.

16. Hai Bên sẽ soạn thảo và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực tiễn cần thiết trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Tuyên bố chung này.

17.  Hai Bên nhất trí rằng chuyến thăm chính thức đến Cộng hòa Belarus của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa  Việt Nam Trần Đại Quang đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và là bước quan trọng tiến tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Belarus.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ cảm ơn về sự đón tiếp rất trọng thị, nồng hậu dành cho Chủ tịch và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và mời Tổng thống A.G. Lukashenko thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Tổng thống A.G. Lukashenko đã vui vẻ nhận lời. Thời gian cụ thể của chuyến thăm sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao.

Hai Bên nhất trí sẽ sớm triển khai thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm.

Tuyên bố chung ký ngày 27/6/2017 tại thành phố Minsk, làm thành hai bản tiếng Việt và tiếng Nga, có giá trị như nhau./.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top