KTNT trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Myanmar nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Htin Kyaw cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.
1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Htin Kyaw cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Liên bang Myanmar đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26-28/10/2016.
2. Trong chuyến thăm, Tổng thống Htin Kyaw và đoàn đã đặt hoa tại Tượng đài các anh hùng liệt sĩ, dự lễ đón, hội đàm và Quốc yến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; thăm Nhà sàn Bác Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám; Bảo tàng Lịch sử Quân đội; tiếp một số doanh nghiệp Việt Nam và gặp cộng đồng người Myanmar tại Hà Nội.
3. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2015 cũng như những thành tựu Chính phủ mới của Myanmar đã đạt được trong công cuộc hoà giải dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại, trong đó có việc tổ chức thành công Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA-37) và Hội nghị Pang-Loong thế kỷ 21; đồng thời tin tưởng rằng Chính phủ mới sẽ đưa Myanmar phát triển bền vững và ổn định.
4. Tổng thống Htin Kyaw chúc mừng những thành tựu quan trọng Việt Nam đạt được sau 30 năm đổi mới, nhất là trong bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại với vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Tổng thống đánh giá cao chuyến thăm chính thức Myanmar và tham dự AIPA 37 của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và tin rằng kênh hợp tác Quốc hội sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
5. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Ong San gây dựng, cũng như tiếp tục phát huy các thành quả đạt được sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên hài lòng về những tiến triển trong quan hệ hợp tác hai nước, đặc biệt trong 12 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, cây công nghiệp, thuỷ sản, tài chính-ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất thiết bị điện, chế tạo và lắp ráp ô tô, xây dựng và hợp tác thương mại-đầu tư.
6. Ghi nhận những chuyển biến về kinh tế và chiến lược tại khu vực những năm gần đây, cũng như chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì an ninh, ổn định và tăng trưởng kinh tế ở khu vực, Lãnh đạo hai nước cam kết tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Myanmar.
7. Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Myanmar nhất trí đẩy mạnh các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân; đồng thời duy trì các cơ chế hợp tác song phương hiện có, theo đó sẽ tổ chức Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam-Myanmar tại Việt Nam, kỳ họp Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ 7 tại Myanmar trong năm 2017 và các cơ chế hợp tác chuyên ngành khác.
8. Hai bên cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại-đầu tư song phương trên cơ sở cùng có lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Tổng thống Htin Kyaw ghi nhận hoạt động của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam và Myanmar (AVIM); đồng thời khẳng định tạo điều kiện, nhất là đối với các lĩnh vực mang tính cầu nối, mở đường khác như ngân hàng, hàng không, viễn thông, khoáng sản. Hai bên nhất trí tổ chức Kỳ họp lần thứ 9 Tiểu ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam-Myanmar tại Việt Nam trong năm 2016, sớm ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Hải quan, Tài chính, sửa đổi/ bổ sung Hiệp định Khuyến khích Bảo hộ Đầu tư và Biên bản Ghi nhớ xúc tiến đầu tư giữa hai nước cho phù hợp tình hình mới.
9. Hai nhà Lãnh đạo chia sẻ quan điểm, lợi ích chung về hoà bình, an ninh khu vực và khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có và xem xét việc sớm thiết lập cơ chế “Đối thoại chính sách quốc phòng” và cơ chế “Nhóm làm việc chung” giữa hai Bộ Quốc phòng cũng như tổ chức kỳ họp Đối thoại An ninh lần thứ 5 tại Việt Nam trong thời gian tới, tích cực đàm phán việc ký kết Biên bản ghi nhớ về hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hình sự giữa hai nước. Hai bên cũng ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; khuyến khích các cơ quan thực thi pháp luật hai nước tích cực phối hợp đấu tranh với các cá nhân, tổ chức lợi dụng địa bàn nước này chống phá nước kia; tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn và quyền lợi của công dân nước này tại nước kia.
10. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Htin Kyaw hoan nghênh sự kết nối ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp giữa hai nước trên các lĩnh vực như nông nghiệp, viễn thông, giao thông vận tải, tư pháp, văn hoá, giáo dục, du lịch. Hai bên cam kết tăng cường những liên kết này thông qua thúc đẩy hợp tác, ký kết các thoả thuận nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
11. Hai nhà Lãnh đạo khuyến khích tăng cường giao lưu nhân dân, kết nối giữa các địa phương hai nước, nhất là giữa Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Thủ đô Naypyidaw và Thành phố Ianggun. Tổng thống Htin Kyawnhất trí sớm thành lập Hội Hữu nghị Myanmar-Việt Nam để cùng Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar tăng cường thúc đẩy quan hệ hai nước.
12. Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn khu vực và quốc tế khác như CLMV, ACMECS, EWEC, GMS và Liên Hợp Quốc; hợp tác sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, nhất là trong khuôn khổ Uỷ hội sông Mê Công quốc tế (MRC) và các tổ chức liên quan. Tổng thống Myanmar chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công ACMECS 7, CLMV 8 và WEF-MeKong tại Hà Nội (24-26/10/2016) và Myanmar ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc Myanmar trở thành thành viên đầy đủ của MRC.
13. Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Myanmar khẳng định cam kết duy trì hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, thúc đẩy những nỗ lực Xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua việc triển khai hiệu quả và đầy đủ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết hoà bình các tranh chấp trong khu vực; cũng như các nỗ lực hợp tác duy trì đoàn kết và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực.
14. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
15. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng hợp tác nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
16. Tổng thống Htin Kyaw bày tỏ cảm kích trước sự đón tiếp nồng hậu và thân tình mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành cho cá nhân Tổng thống Htin Kyaw, phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Myanmar và trân trọng mời Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân sớm thăm Myanmar trong thời gian tới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã vui vẻ nhận lời./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.