Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 3 năm 2018 | 15:12

Tuyên bố chung Việt Nam - New Zealand

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: chính trị, quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục và đào tạo...

Nhận lời mời của Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức New Zealand từ 12-14/3/2018.

 

toan van tuyen bo chung viet nam new zealand hinh 1
Thủ tướng New Zeanland đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

 

Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được tổ chức tại Tòa nhà Chính phủ tại Thành phố Auckland ngày 13/3/2018. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm và dự chiêu đãi do Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chủ trì. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội New Zealand Trevor Mallard. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam- New Zealand và tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn của New Zealand. Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Đại học Waikato và Viện Nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng.

Hợp tác chính trị

Hai bên ghi nhận việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao gần đây, bao gồm  chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam của Toàn quyền New Zealand Trung tướng Jerry Mateparae tháng 8/2013; chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tháng 3/2015; chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand John Key tháng 11/2015; và chuyến thăm Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao APEC của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tháng 11/2017. Hai nhà Lãnh đạo đồng ý tăng cường trao đổi thường xuyên hơn nữa các chuyến thăm cấp cao; duy trì các cơ chế hợp tác song phương, bao gồm Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại, Đối thoại Quốc phòng Song phương và Tham khảo Chính trị, nhằm trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, cấu trúc khu vực, lãnh sự, hợp tác về các vấn đề quyền con người và các vấn đề khác.

Ghi nhận đà phát triển tích cực của quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập Đối tác Toàn diện năm 2009, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện và giao các bộ, ngành liên quan của hai bên triển khai tích cực và hiệu quả Chương trình Hành động 2017-2020, nhanh chóng hoàn tất trao đổi và tham vấn trong năm 2019 về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược trong tương lai gần theo thỏa thuận giữa hai bên.

Quốc phòng và an ninh

Hai bên ghi nhận những bước tiến tích cực gần đây trong hợp tác quốc phòng song phương như ký Chương trình Hành động Việt Nam- New Zealand về Hợp tác Quốc phòng 2018-2021 và Thỏa thuận Triển khai Đào tạo và Hợp tác Gìn giữ Hòa bình, cũng như trao đổi đoàn quốc phòng cấp cao. Hai nhà Lãnh đạo cũng hoan nghênh việc mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, bao gồm công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu quốc phòng, an ninh mạng, chống khủng bố, phòng chống buôn bán ma túy, rửa tiền, di cư bất hợp pháp. Hai bên nhất trí trao đổi về các hành lang pháp lý hiện có cũng như các hành lang pháp lý tiềm năng khác cho hợp tác trong các lĩnh vực này.

Thương mại và đầu tư

Hai Thủ tướng ghi nhận kim ngạch thương mại song phương hiện ở mức cao kỷ lục với thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều đạt 1,24 tỷ USD năm 2017, tăng 32% so với 2016 và gấp ba lần so với năm 2009. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 1,7 tỷ USD vào năm 2020; hoan nghênh việc ký Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế và Thương mại nhân dịp này; yêu cầu sớm tổ chức Kỳ lọp lần thứ 6 Ủy ban Hỗn hợp về Thương mại và Đầu tư. 

Hai bên cam kết triển khai các biện pháp song phương và đơn phương nhằm giảm rào cản thương mại hai chiều, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản. Theo đó, ghi nhận việc cử Tham tán Nông nghiệp tại Đại sứ quán New Zealand vào cuối năm nay cũng như việc công bố Kế hoạch Nhập khẩu Quả Chôm chôm đạt Tiêu chuẩn An toàn Sức khỏe và Thỏa thuận Hợp tác về An toàn Thực phẩm và Quản lý Chất lượng nhân chuyến thăm là những bước đi quan trọng và tín hiệu tích cực của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận hợp tác giữa các cơ quan hải quan và chương trình làm việc chung về hải quan sẽ giúp thuận lợi hóa thương mại hơn nữa giữa hai nước.

Hai Thủ tướng ghi nhận đầu tư hai chiều vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; nhất trí kêu gọi tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng xanh và tái tạo và cơ sở hạ tầng.

Hợp tác phát triển

Hai Thủ tướng hoan nghênh hiệu quả tích cực của viện trợ phát triển New Zealand dành cho Việt Nam, nhấn mạnh các dự án trọng điểm về thương mại hóa quả thanh long, sản xuất rau sạch, bảo đảm an toàn đập, cung cấp học bổng và đào tạo tiếng Anh. New Zealand sẽ tiếp tục đầu tư 29 triệu đô-la New Zealand trong giai đoạn 3 năm, kết thúc vào tháng 07/2018. Hai nhà Lãnh đạo cam kết tiếp tục hợp tác thực chất trong những năm tới, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ của New Zealand để tạo những thay đổi thực chất trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên như nông nghiệp, quản lý rủi ro thiên tai, kiến thức và kỹ năng, và năng lượng tái tạo; đồng thời xây dựng các liên kết mạnh mẽ và bền vững giữa các cơ quan chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các Tổ chức phi chính phủ của hai nước. Hai Thủ tướng đồng ý tăng cường cơ chế tham vấn thường niên về hợp tác phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và đối tác New Zealand chủ trì.

Nhân dịp này, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern công bố 02 dự án mới gồm chương trình hợp tác 3 năm (trị giá 1,5 triệu đô-la New Zealand) hỗ trợ nông dân Việt Nam và các cơ sở chế biến thực phẩm hiện đại hóa sản xuất, sản xuất thực phẩm an toàn và nâng cao thu nhập; và dự án thí điểm về năng lượng tái tạo (trị giá 0,5 triệu đô-la New Zealand) hỗ trợ Cục Điều tiết Điện Việt Nam xây dựng thị trường điện bán buôn, giúp tăng cường hiệu quả và sử dụng năng lượng tái tạo.

Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh Bản ghi nhớ giữa Viện Nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng và Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam (Generalexim) về hợp tác phát triển quả bơ ở tỉnh Đắc Nông và một dự án hợp tác mới giữa Viện Nghiên cứu Đất của New Zealand và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về giảm thiệt hại trước và sau thu hoạch lúa gạo do chuột gây ra một cách an toàn.

Giáo dục và đào tạo

Hai Thủ tướng ghi nhận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và New Zealand đang phát triển mạnh và là một trong những trụ cột của quan hệ song phương hiện nay cũng như Đối tác Chiến lược trong tương lai. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc ký mới Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2018-2020; đặt mục tiêu tăng số lượng sinh viên Việt Nam tại New Zealand lên 30% vào năm 2020 thông qua khuyến khích trao đổi sinh viên và chương trình chung giữa các trường đại học và các hợp tác khác ở hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh phía New Zealand thường xuyên thúc đẩy và triển khai Chương trình Lao động Kỳ nghỉ; bày tỏ Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận các công dân New Zealand theo Chương trình này.

Kết nối và giao lưu nhân dân

Hai Thủ tướng ghi nhận lượng khách du lịch giữa hai nước tăng nhanh, lượng khách Việt Nam thăm New Zealand tăng hơn 32% và lượng khách New Zealand thăm Việt Nam tăng hơn 19% trong năm ngoái nhờ việc thiết lập đường bay thẳng giữa thành phố Auckland và thành phố Hồ Chí Minh của hãng Hàng không New Zealand từ 2016. Hai nhà Lãnh đạo đề nghị mở rộng kết nối hàng không và thúc đẩy hơn nữa du lịch giữa hai nước. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hoan nghênh Việt Nam đưa New Zealand vào danh sách các nước được cấp thị thực điện tử, xem đây là bước tiến tích cực nhằm đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho du khách New Zealand, tiếp theo việc New Zealand áp dụng thị thực điện tử cho công dân Việt Nam từ năm 2016.

Hai bên ghi nhận các thành tựu của cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại New Zealand; đánh giá cao các đóng góp của họ cho sự phát triển của Việt Nam và New Zealand cũng như việc tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước.

Hợp tác khu vực và quốc tế

Hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và khu vực như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) nhằm tăng cường thịnh vượng khu vực, giải quyết các thách thức an ninh khu vực và tăng cường hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm.

Thủ tướng Jacinda Ardern tái khẳng định New Zealand ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; cho biết sẵn sàng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm New Zealand có được từ thành công của nước này trong nhiệm kỳ 2015-2016.

New Zealand và Việt Nam ghi nhận tầm quan trọng đặc biệt của việc làm sâu sắc hội nhập kinh tế khu vực và ủng hộ tự do hóa thương mại ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhằm bảo đảm thịnh vượng của mỗi nước. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) ngày 08/3/2018 tại Chi-le; tái khẳng định cam kết nhanh chóng phê chuẩn và thực hiện Hiệp định trong thời gian tới. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định quan tâm đến việc đạt được một kết quả tiên tiến, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác nhằm thúc đẩy cải cách trợ giá nhiên liệu hóa thạch.

Thủ tướng Jacinda Ardern chúc mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc Việt Nam chủ trì thành công APEC trong năm 2017; hoan nghênh Việt Nam đề xuất chia sẻ kinh nghiệm, giúp New Zealand chuẩn bị đăng cai APEC vào năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh hợp tác ngày càng gia tăng giữa ASEAN và New Zealand, nhất là trong các lĩnh vực có thể giúp ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng. Thủ tướng Jacinda Ardern tái khẳng New Zealand ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Trong năm quan trọng 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, ASEAN và New Zealand kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến của New Zealand nhằm tăng cường ý nghĩa của các mốc quan trọng này.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông thông qua thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết hòa bình các tranh chấp và duy trì tự do hàng hải và hàng không, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Hai nhà Lãnh đạo khuyến khích thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Chính phủ và nhân dân New Zealand. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Jacinda Ardern thăm chính thức Việt Nam vào thời gian phù hợp cho cả hai bên; đồng thời chuyển lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Toàn quyền New Zealand, bà Patsy Reddy thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào thời gian thuận tiện./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top