Tuyên Quang là tỉnh có địa hình miền núi phức tạp, chia cắt bởi hệ thống sông, suối dày đặc và tác động từ chính con người dẫn tới nguy cơ sạt lở rất cao.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão, cơ quan chức năng của Tuyên Quang đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách cũng như lâu dài.
Ba mươi xã nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao
Những năm gần đây, cứ mỗi đợt mưa lớn là người dân thôn Tân Minh, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) lại nơm nớp lo sợ đất đá trên núi sạt trượt xuống. Ông Lý Văn Dùng, dân tộc Mông, cho biết, mùa mưa bão, đất đá sạt trượt bất cứ lúc nào nên hễ có mưa lớn thì bất kể đêm hay ngày, gia đình đều phải di tản.
Cũng tại thôn Tân Minh, gia đình ông Ngô Văn Vềnh luôn trong tình trạng sẵn sàng khăn gói để di trú khi mưa lớn xảy ra. Ông Vềnh lo lắng, nhà ngay dưới chân núi, năm nào đất đá cũng sạt trượt vào gần đến nhà, nên cứ mỗi khi có mưa to là cả nhà lại đi trú nhờ để đảm bảo an toàn tính mạng.
Theo ông Lê Thế Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, thôn Tân Minh hiện còn 13 hộ sinh sống dưới chân núi có nguy cơ sạt trượt đất đá bất cứ lúc nào nếu mưa lớn xảy ra. Hạn chế thiệt hại, xã đề xuất với huyện hỗ trợ thực hiện di chuyển những hộ nằm trong vùng xung yếu cấp bách đến nơi an toàn. Hiện, đã có 2 hộ được hỗ trợ di chuyển. Với các hộ còn lại, xã vận động bà con chủ động thực hiện các biện pháp gia cố nhà ở, bảo vệ tài sản; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết qua các bản tin cảnh báo để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Nguy cơ sạt trượt đất đá khi có mưa lớn cũng có thể xảy ra tại 2 thôn Khuổi Pài, Tông Bốc, xã Kim Bình (Chiêm Hóa). Ông Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kim Bình, cho biết, xã đã thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm đối với các điểm, khu vực có nguy cơ sạt trượt, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp để phòng, tránh, bảo vệ tính mạng và tài sản.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn có 90 xã nằm trong vùng nguy hiểm, trong đó 30 xã nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, gồm: 7 xã ở Sơn Dương, 7 xã ở Chiêm Hóa , 5 xã ở Hàm Yên, 4 xã ở Lâm Bình, 4 xã ở Na Hang, 3 xã ở Yên Sơn, với khoảng 2.000 hộ đang sống trong vùng xung yếu, điểm nguy hiểm.
Triển khai nhiều giải pháp
Được biết, ngoài tác động từ các loại hình thiên tai thì chính những việc làm của con người cũng đang làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất đá. Tại nhiều địa phương, không hiếm gặp tình trạng các hộ dân ngang nhiên san gạt đồi, núi dựng nhà không những phá vỡ hiện trạng đất, tạo ra các hàm ếch, những taluy rất nguy hiểm. Nhiều tai nạn đã xảy ra.
Năm 2017, gia đình bà Nguyễn Thị Tươi ở thôn Hưng Long, xã Thành Long (Hàm Yên) đã san gạt đồi để làm nhà ngay sát taluy. Một thời gian không lâu, ngôi nhà kiên cố của bà Tươi bị hàng trăm khối đất trên đỉnh đồi phía sau nhà sạt xuống vùi lấp, rất may không thiệt hại về người.
Những năm qua, Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm hạn chế đến mức thấp nhấp thiệt hại do thiên tai gây ra. Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện nằm trong danh sách nguy cơ sạt lở đất, đá cấp độ 1, sẵn sàng triển khai phương án phòng chống thiên tai; đồng thời có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ở, làm việc, đi lại, đánh bắt cá, vớt củi ở nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngầm tràn, sông suối. Chủ động sơ tán các hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra. Tổ chức lực lượng túc trực 24/24 giờ để theo dõi, cảnh báo, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Khi mưa lớn, tại các đập tràn, điểm dễ xảy ra sạt lở, phải cử người canh gác, cắm biển báo cảnh báo hoặc rào chắn đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương nắm bắt, xác định cụ thể các khu vực có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn, tổ chức tiêu thoát nước và khẩn trương khắc phục để ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Ban Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát lập danh sách các hồ chứa nước, đập đang tích đầy nước, bị hư hỏng do các đợt mưa, lũ trước, các hồ chứa vừa, nhỏ và hồ chứa xung yếu, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó khi sự cố công trình xảy ra.
Theo ông Trương Trọng Thành, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ 232, Công ty đã yêu cầu các đội rà soát, kiểm tra tất cả các tuyến đường thuộc công ty quản lý; cắm biển cảnh báo những điểm có nguy cơ sạt lở. Công ty cũng bố trí nhân lực, máy móc sẵn sàng làm nhiệm vụ khi đất, đá sạt lở đảm bảo giao thông thông suốt.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, cho rằng, ngoài các giải pháp để hạn chế hiệt hại do thiên tai gây ra, các địa phương cần kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng san, gạt núi tự phát để lấy mặt bằng xây dựng các công trình dân sinh đang làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.