Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành y tế Cần Thơ cần tiên phong, gương mẫu đi đầu trong phòng chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất, bất ngờ, các nhiệm vụ quan trọng.
Tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải sẵn sàng mọi phương án để bảo đảm an toàn cho ngày bầu cử - Ngày hội non sông.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện của Cần Thơ. Ảnh: VGP/Nhật Bắ |
Chiều 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với ngành y tế Cần Thơ về công tác phòng chống COVID-19, chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn nhất cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ngày 23/5 trong tình hình dịch bệnh phức tạp; lắng nghe các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, giải quyết trong thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Thủ tướng nêu rõ, đặc điểm của cuộc bầu cử lần này là diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu và các nước trong khu vực, gây sức ép rất lớn tới Việt Nam. Trên bình diện cả nước, chúng ta cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, các ca mắc mới đều trong khu cách ly, phong tỏa, chưa phát hiện nguồn lây mới. Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Nguyễn Phước Tồn, thành phố đã ghi nhận 34 trường hợp mắc COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; điều trị khỏi 28 trường hợp và 6 trường hợp đang điều trị; chưa phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện thành phố đang cách ly tập trung 112 người, cách ly tại nhà và nơi lưu trú 1.043 người.
Thành phố đã tiến hành 27.094 mẫu xét nghiệm PCR; có 4 cơ sở xét nghiệm đủ khả năng khẳng định chắc chắn các ca nhiễm COVID-19; năng lực xét nghiệm tối đa là 1.200 mẫu đơn mỗi ngày. Thành phố có 4 cơ sở điều trị COVID-19 và vừa phối hợp xây dựng thêm 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 800 và 100 giường.
Thành phố đã tiêm chủng đợt 1 cho 7.759 đối tượng ưu tiên và vừa nhận 13.000 liều vaccine trong đợt 2. Triển khai 2.833 tổ COVID-19 cộng đồng.
Lãnh đạo Sở Y tế nhắc tới một số khó khăn trong công tác phòng chống dịch như với vị trí trung tâm, đầu mối giao thông của Thành phố, nhất là Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, lượng du khách rất lớn. Thành phố có nhiều khu công nghiệp và các trường đại học, cao đẳng với số lượng công nhân và sinh viên rất đông, lịch trình đi lại phức tạp.
Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc mua sắm hóa chất, vật tư y tế gặp vướng mắc về cơ chế, nhất là khi mua số lượng lớn. Lãnh đạo các bệnh viện cũng cho biết “chưa thực sự an tâm” về năng lực xét nghiệm của Thành phố; còn thiếu khoảng 350 người làm việc cho các bệnh viện dã chiến; lượng máu cho cấp cứu và điều trị chưa đủ…
Không say sưa với thắng lợi, tiên phong, gương mẫu đi đầu
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện của Cần Thơ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân Cần Thơ đã nỗ lực triển khai các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, Cần Thơ vẫn an toàn trong đợt bùng phát dịch hiện nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhắc nhở, trong tình hình vẫn được kiểm soát an toàn, không được say sưa với thắng lợi, tuyệt đố không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để có thể vấp phải sai lầm, khuyết điểm, với vị trí của Cần Thơ là trung tâm ĐBSCL, là đầu mối kết nối giao thông của vùng, có sân bay quốc tế Cần Thơ và rất gần với Campuchia.
Trong trường hợp có ca mắc COVID-19, phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, không hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất kiểm soát. Đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị Thành phố Cần Thơ, nhất là của ngành y tế.
Tình hình dịch bệnh được dự báo còn rất phức tạp, khó lường, Thủ tướng nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả về tư tưởng, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và huy động nguồn lực. Trên cơ sở quán triệt, bám sát các chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, căn cứ vào tình hình cụ thể, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mỗi cơ quan cần xem xét, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện thật hiệu quả mục tiêu kép, chăm lo sức khỏe nhân dân, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế Cần Thơ về nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, khả năng xét nghiệm, các vướng mắc trong triển khai các bệnh viện dã chiến, lượng máu còn thiếu… Cùng với đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương và một số cá nhân chưa nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu, ngành y tế Cần Thơ phải phát triển xứng tầm với vai trò, vị trí hết sức quan trọng của Thành phố với vùng ĐBSCL; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách quyết liệt, khẩn trương, kịp thời và hiệu quả hơn nữa. Tiên phong, gương mẫu đi đầu cả trong phòng chống dịch, cả trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, các nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ, các nhiệm vụ quan trọng như chuẩn bị và tổ chức bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe
Trong thời gian tới, ngành y tế, Sở Y tế Cần Thơ phải làm tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của cả thống chính trị, sự tham gia của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể.
Thủ tướng thực hiện công tác khử khuẩn tay bằng cồn trước khi vào cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phải khắc phục những khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sự chủ động, năng động, sáng tạo như truyền thống của cha ông ta trong những lúc khó khăn, biến động.
Phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương, các trường đại học, các cơ sở khám chữa bệnh… trong vùng một cách hiệu quả nhất, trong điều kiện bình thường cũng như lúc có dịch. Thủ tướng lưu ý, tại một số địa phương khác đã xuất hiện dịch tại các khu công nghiệp, vì vậy phải phát huy vai trò của các doanh nghiệp để truy vết, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình.
Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy tấn công là chính; phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định. Tấn công là thực hiện tốt yêu cầu 5K+vaccine; xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng; thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine; đẩy mạnh chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm theo phương châm 4 tại chỗ; huy động sức mạnh, sự vào cuộc, đóng góp của toàn dân… Khen thưởng kịp thời, kỷ luật nghiêm minh.
Thủ tướng lưu ý ngành y tế trong bối cảnh dịch bệnh, phải nhanh chóng nghiên cứu và có giải pháp phù hợp để vận động và triển khai hiến máu tình nguyện, bảo đảm nguồn máu cho cấp cứu và điều trị.
Phát huy những thành tựu, thành quả đã đạt được, rút ra những bài học, kinh nghiệm qua các đợt dịch, nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận về phòng chống dịch.
Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin- tuyên truyền về dịch bệnh, phân tích, nhận định, đánh giá, so sánh một cách khoa học, thuyết phục về tình hình, kết quả, các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, công khai, phù hợp tình hình dịch bệnh từng thời điểm, thời kỳ để người dân biết, hiểu rõ; giải thích, kêu gọi, truyền cảm hứng giúp nhân dân tự giác, ủng hộ và tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định vì sức khỏe của chính mình, của cộng đồng và vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Đối với các vướng mắc được nêu ra tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo và Bộ Tài chính đã có hướng dẫn mới về cơ chế mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, có thể hướng dẫn mới cũng chưa bao phủ được hết các tình huống trong thực tiễn, Thủ tướng đề nghị trong quá trình thực hiện nếu tiếp tục có vướng mắc thì tiếp tục phản ánh để tháo gỡ. Trong chỉ đạo, điều hành nói chung và trong công tác phòng chống dịch nói riêng, Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến tâm huyết, xác đáng, theo tinh thần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Thủ tướng yêu cầu ngành y tế Cần Thơ huy động tối đa nguồn nhân lực trên địa bàn để phục vụ cho các bệnh viện dã chiến, đồng thời nhanh chóng bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, người lao động ngành y tế.
Ngành y tế và Thành phố Cần Thơ chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử ngày 23/5 bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, trong đó có an toàn dịch bệnh, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, đúng luật, lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, xứng đáng nhất là đại biểu của nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng ngành y tế Cần Thơ quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt hơn nữa lời căn dặn “thầy thuốc như mẹ hiền” của Người, năng động, sáng tạo, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.