Sau 53 năm kể từ ngày xã Nga Tân thành lập, không thể thống kê hết bao người chết vì bệnh ung thư, và cũng chưa có cơ quan chức năng nào đến khảo sát vì sao ung thư?
Gia cảnh ông Nguyễn Văn Kiệm (đã mất) để lại vợ bị bệnh tim và con trai tật nguyền.
Chỉ biết, một năm ở xã này không dưới 5 người “ra đi” vì ung thư các loại. Người dân nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến ung thư là do môi trường ô nhiễm, hoặc nguồn nước ăn lấy từ lòng đất, song những “giải mã” ấy chỉ là phỏng đoán...
Uống nước lỗ cua nhiễm phân đạm
Nga Tân là một trong 6 xã đồng cói của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) và cũng là xã nghèo nhất từ xưa tới nay. Nằm ở vùng trũng giáp biển, Nga Tân được coi như “đáy túi” của “dòng chất thải” từ 27 xã trong huyện đổ về.
Cho đến bây giờ, sau 53 năm kể từ ngày xã thành lập, người dân không biết bao người chết vì ung thư? Cũng chưa biết nguyên nhân dẫn đến cái chết trẻ của nhiều người vì đâu? Song việc họ uống nước lỗ cua, nước ngánh nhiễm phân đạm ngoài đồng cói, nước xả bẩn từ thượng nguồn đổ về thì ai cũng biết.
Ông Mai Văn Dũng, bà Mai Thị Vân - cặp vợ chồng 20 năm qua mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt cáy ngoài đồng cói, bãi vẹt không nhớ bao lần ngửa mũ, ngả nón vục nước mà cua uống giữa trưa nắng; bao lần ngâm mình dưới nước ngánh nhiễm phân u-rê (phân đạm bón cho cói); song mỗi lần bị tiêu chảy, cảm lạnh và ngứa khắp người thì không bao giờ quên. “Không phải riêng tôi mà cả xóm này nhà ai cũng vậy. Mặc dù có mang theo nước đựng trong ống luồng, can nhựa, nhưng không đủ. Giữa trời nắng nóng, khát là cứ ra mà cua vục mũ uống. Có khi vừa kéo cói ngâm mình dưới nước, vừa mở miệng hớp nước vào bụng. Lúc đó chẳng ai biết ung thư là gì, và chẳng ai hiểu chính nước mà cua, nước ngánh đó rất độc hại, toàn phân đạm bón cho cói ngấm ra. Bây giờ thì không ai uống vậy nữa, nhưng những người đã chết vì ung thư và cả những người đang mắc bệnh ung thư ở xóm tôi, không ai không uống nước mà cua và ngâm mình cả buổi dưới nước kéo cói về bãi. Hôm nay vừa vãi phân đạm cho cói, ngày mai đã uống nước mà cua rồi”, ông Dũng kể lại.
Theo ông Mai Văn Dũng, tất cả các hộ gia đình làm nghề trồng cói ở lứa tuổi 5 hay 6 X của thế kỷ XX không lạ gì chuyện uống nước mà cua ngoài đồng cói. “Việc bị nhiễm độc từ nước mà cua là tất yếu. Bởi mới hôm nay bón phân đạm cho cói, vài ngày sau đã uống nước mà cua, uống nước ngánh, trong khi đó, thời gian phân hủy của phân đạm khoảng 15-17 ngày, thời gian phân hủy của thuốc trừ sâu 5-7 ngày”, ông Dũng nói.
Phóng uế “tống” thẳng ra sông
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hàng loạt người dân bị ung thư, ngứa lở khắp người và những căn bệnh truyền nhiễm khác ở xã Nga Tân, chúng tôi ngược gần 10km đến xã Nga Thành - một trong những xã ở thượng nguồn đồng bái, chuyên thâm canh ngô, khoai, lạc, lúa ngoài ruộng nổi. Gia đình đầu tiên chúng tôi “xin khảo sát” về vệ sinh môi trường là bà Mai Thị Xô ở xóm Hồ Đông.
Bà Xô kể, một ngày bà đi bắt cua đồng giữa trưa nắng dọc theo sông trước nhà, khi ngửng mặt lên, bỗng thấy một lỗ ống nhựa to như đùi chân, tuôn ra từ trong đó là phân thải còn chưa qua xử lý. Về nhà bà hỏi mấy người hàng xóm thì mới vỡ lẽ, phân thải họ tống ra sông trực tiếp từ nhà cầu của các gia đình. “Từ đó tôi không ăn cua đồng nữa. Có đi bắt về thì cũng đem bán chứ không ăn”, bà Xô chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ gia đình dọc theo đường sát sông, đều có nhà cầu nhưng cho ống đưa phân chưa qua xử lý tống thẳng ra sông. Khi làm nhà cầu, thay vì xây bể tự hủy, thì họ lại dùng cây luồng thục xuyên trong lòng đất, qua con đường, rồi luồn ống nhựa kết nối với nhà cầu, cứ vậy phân chưa qua xử lý tống thẳng ra sông. Khi nước đầy, dòng sông chưa bốc mùi, khi nước rút, lộ ra những ống nhựa dẫn phân từ nhà vệ sinh từ các hộ gia đình chảy ra bốc mùi khó chịu.
Được coi là “rái đêm” của xóm Hồ Đông, anh Hồ Văn Can thường xuyên “đụng” phải phân người mỗi lần đi đánh lưới cá trên sông. “Nhiều bữa thấy phân người nổi lềnh bềnh trên sông, nhưng nghề mưu sinh thì phải chịu thôi. Ở những chỗ đó, cá rô phi rất nhiều. Giờ bán cũng ít người mua, họ mua về cho lợn ăn là chủ yếu. Cháu nghĩ rằng, ung thư cũng từ đó mà ra. Đứng trên bờ nhìn sông đẹp thế thôi, chứ lội xuống mới biết, bẩn vô cùng”, anh Can chia sẻ.
Cần lắm một cuộc khảo sát, xét nghiệm
Ông Mai Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Nga Tân, cho biết, từ trước tới nay xã chưa có một cuộc khảo sát, kết luận nào về nguyên nhân gây ra hàng loạt người chết vì ung thư. Nhưng có một điều ai cũng hiểu, ai cũng biết là xã đang bị ô nhiễm môi trường từ chất thải thượng nguồn. “Nga Tân là xã mép nước như một vùng trũng sau cùng của 27 xã trong huyện. Nước thải của các xã đồng bái phía thượng nguồn trước khi đổ ra biển, đều chảy qua xã Nga Tân. Nga Tân như cái bể lọc nước trước khi đổ ra biển”, ông Tuấn, nói.
Hàng chục người xã Nga Tân bị ung thư chưa được điều tra, kết luận chính xác, song nhiều người dân ở đây đều cho rằng, sự tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của xã Nga Tân có tính khoa học là chất thải chăn nuôi, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp từ các xã khác từ thượng nguồn đổ ra sông Hưng Long. Sông Hưng Long bắt nguồn từ Bỉm Sơn, đi qua xã Ba Đình, qua Bệnh viện đa khoa huyện Nga Sơn, qua Nga Thanh, và trước khi đổ ra biển, nước “án ngữ” ở đầu xã Nga Tân.
“Nga Tân chịu ảnh hưởng ô nhiễm nhiều từ các xã khác đổ về. Tất cả các chất thải trước khi đổ ra biển, đều chảy qua xã Nga Tân. Người dân Nga Tân bao đời nay đều ăn, uống, tắm, giặt từ nguồn nước giếng đào trong đất. Xã mới có nước máy khoảng 2 năm trở lại đây. Hiện tại, nhiều nhà vẫn dùng nước giếng khoan bơm. Khi nhiều người ung thư, chúng tôi cũng nghi ngờ từ nước giếng khoan, nhưng cũng chỉ phỏng đoán. Không loại trừ ung thư xuất phát từ đây”, ông Nguyễn Duy Uyên ở xóm 7 nhận định.
Và cũng theo ông Uyên, mong mỏi nhất của người dân xã Nga Tân bây giờ là phải làm rõ “trắng đen” nguyên nhân ung thư từ đâu? Nếu từ thói quen “xấu” như uống rượu, hút thuốc, uống nước mà cua, nước ngánh thì có biện pháp tuyên truyền để người dân bỏ. Còn nếu nguyên nhân ung thư từ nước, hoặc môi trường sống thì người dân cũng cần biết, do vậy, rất cần một cuộc khảo sát, xét nghiệm của cơ quan chức năng.
Đang cố chống chọi với căn bệnh ung thư ác tính gan mật, anh Trịnh Văn Lâm ở xóm 7 cũng mong mỏi rằng, cần có một cuộc khảo sát, xét nghiệm thực tế về độc hại từ môi trường nước. “Một xóm có nhiều người ung thư, thì điều đầu tiên phải nghĩ ngay đến là môi trường sống và sự tác động quanh vùng. Phải có khảo sát và kết luận bằng văn bản hẳn hoi, chứ chỉ nói mồm thì không giải quyết được gì. Tôi chết thì đã đành, nhưng còn đời con, đời cháu tôi nữa. Chúng nó không đáng phải chịu như vậy”, anh Lâm ngậm ngùi chia sẻ.
“Người dân Nga Tân chúng tôi khẩn cầu có một cuộc khảo sát xét nghiệm mẫu nước trong lòng đất để tìm nguyên nhân ung thư. Không chỉ những người đang mang căn bệnh ung thư xác định sẽ chết trong thời gian không xa, mà cả thế hệ trẻ cũng mong mỏi có một cuộc khảo sát đánh giá khách quan về độ ô nhiễm môi trường và có câu trả lời chính xác cho người dân biết: Hàng trăm người mắc bệnh ung thư nguyên nhân từ đâu? Do môi trường hay do cách sống, sinh hoạt? Việc làm đó chỉ có cơ quan chức năng mới làm được”, ông Nguyễn Duy Uyên, xóm 7, xã Nga Tân mong mỏi. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.