Thành quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong môi trường truyền thông đa dạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội, tin giả đang trở thành vấn nạn, tạo ra không ít thách thức cho xã hội và cơ quan quản lý...
Nhức nhối tin giả
Theo nhận định của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), vấn nạn tin giả hiện nay đang gây nhức nhối, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.
Một trong những sản phẩm truyền thông xuất hiện nhiều trên mạng là các tổ chức, cá nhân tự tạo clip, cắt ghép thông tin không có thật, dùng công nghệ để phát tán. Thông tin giả lan truyền với tốc độ nhanh, phát tán rộng rãi hơn rất nhiều so với thông tin thật.
Với dụng ý bóp méo sự thật, tin giả đang ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị - xã hội, thậm chí nó còn đe dọa tới an ninh quốc gia. Tinh vi hơn, các đối tượng còn lập những website, tài khoản mạng xã hội đưa những thông tin chính thống, phát tán trong thời gian đầu nhằm thu hút số lượng người xem; sau đó sẽ lồng ghép các thông tin giả để người xem không phân biệt thật giả, đúng sai.
Gần đây là nạn tin giả thông tin không đúng sự thật về dịch Covid - 19. Người tung tin thất thiệt có nhiều mục đích, trong đó có việc thỏa mãn tính háo danh nhưng lại được sức mạnh truyền thông phi chính thức ủng hộ. Nên mỗi lần đăng status là có hàng chục ngàn lượt thích, chia sẻ gây hoang mang dư luận.
Tại Hà Nội, ngay sau khi công bố ca đầu tiên nhiễm dịch Covid-19 (bệnh nhân 17) vào tối 6/3/2020, trong đêm và sáng ngày 7/3, tại các siêu thị, các chợ dân sinh đông nghịt người đi mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa tích trữ. Bởi ngay trong đêm ngày 6/3/2020, nhiều đối tượng xấu đã loang tin, đưa tin không đúng sự thật về bệnh nhân số 17 (những nơi bệnh nhân này đến, tiếp xúc), khiến người dân hoang mang.
Hậu quả, sáng ngày 7/3, chỉ sau 2 giờ mở cửa, lượng hàng hóa bán ra ở nhiều siêu thị tăng gấp 5 lần ngày thường. Nhưng ngày 8/3/2020, tại nhiều chợ đầu mối, lượng hàng bán ra “ế ẩm” do ít người mua. Liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt về bệnh nhân số 17, đến ngày 11/3/2020, Công an thành phố Hà Nội đã lập biên bản xử lý 23 trường hợp thông tin thất thiệt nói trên.
Mới đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện tin đồn “phong tỏa thành phố”, “quá tải nơi cách ly tập trung”. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải lên tiếng khẳng định thông tin trên là tin đồn thất thiệt.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, tin đồn hiện nay không chỉ xuất hiện công khai trên mạng xã hội mà còn xuất hiện ở trong các nhóm kín, rất khó kiểm soát. Có 20 tài khoản Facebook tung tin đồn thất thiệt “phong tỏa thành phố”. Sở đã chuyển cho Công an xử lý nghiêm để răn đe.
Thống kê từ các cơ quan chức năng, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.
Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch covid - 2019, nhiều người lợi dụng mạng xã hội tung tin giả, sai sự thật về dịch. Hơn 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch Covid-19 đã bị triệu tập, xử lý, yêu cầu cam kết và gỡ bỏ thông tin sai.
Cần biện pháp mạnh
Trước mối đe dọa của nạn tin giả, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, trong đó quy định cấm các “thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Như vậy, Luật An ninh mạng ra đời là quyết định kịp thời và cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội và cũng là bảo vệ chính người dùng mạng, đồng thời xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Sau 1 năm thực hiện, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý hơn 200 vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan và chuyển các cơ quan điều tra các cấp khởi tố 10 vụ án hình sự với số lượng bị can lên gần 170 đối tượng và phối hợp với các đơn vị tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hơn 50 vụ việc.
Ngày 3/2/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/4/2020, tiếp tục nâng mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 đến 20 triệu đồng.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng văn phòng Luật sư Giang Hồng Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội), theo điểm a, khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP (ngày 13/11/2013), người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Trách nhiệm của báo chí
Có thể nói, cuộc chiến chống tin giả sẽ còn vô cùng cam go, khốc liệt bởi hàng ngày, hàng giờ, tin giả vẫn tìm mọi cách để len lỏi, gieo rắc, phát tán trong cộng đồng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Do đó, trong “cuộc đua” về thông tin, nhất là với thông tin trên mạng xã hội, hơn ai hết, báo chí đang nắm giữ nhiều lợi thế. Báo chí đưa tin đúng chưa đủ mà nhà báo cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả cũng như thông tin bị bóp méo, vốn thường được nhiều người đọc và chia sẻ trên mạng hơn là sự thật. Cung cấp thông tin chính thống nhanh, trung thực, chính xác để hạn chế cơ hội của các đối tượng xấu kích động, trục lợi.
Cùng với đó, người làm báo luôn phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết, có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng và hình thành dư luận xã hội. Bởi chỉ một dòng status (trạng thái) của nhà báo cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân hay tổ chức, từ đó thông tin lan truyền, khó kiểm soát trên mạng xã hội, tạo “kẽ hở” cho các thế lực thù địch tấn công ngược, gây hoang mang dư luận.
Cần người đọc thông thái
Bên cạnh đó, người dùng mạng xã hội cũng cần phải có kỹ năng và có trách nhiệm cao với mỗi hoạt động của mình, trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, tránh bị cả tin, lôi kéo và mắc bẫy các đối tượng xấu.
Theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - chuyên gia truyền thông Lê Quốc Minh, người dùng mạng phải cẩn trọng, cân nhắc, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ với người khác những thông tin lan tràn trên mạng, đặc biệt là về những vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, kinh tế đất nước và trật tự xã hội.
Cũng theo ông Minh, trước hết, các cơ quan báo chí phải thận trọng để không mắc bẫy tin giả. Trong cuộc đua tốc độ, không ít cơ quan báo chí đã vội vàng đăng tải thông tin khi chưa thẩm định kỹ nên nội dung không công bằng và cân bằng, thậm chí đăng tải cả những thông tin sai, thông tin giả mạo. Do vậy, đăng tải thông tin trung thực một cách nhanh chóng cũng là một trong những cách phòng ngừa tin giả.
Sự vào cuộc của nhà báo, cơ quan báo chí, ý thức của người sử dụng mạng xã hội là chưa đủ. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần minh bạch thông tin, thông tin nhanh, kịp thời, chính xác để người dân không bị thiếu thông tin, không nghe, không bị hoang mang bởi tin giả, tin xấu.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp ngăn chặn kịp thời các nguồn tin giả, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả, tin xấu gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí là an ninh quốc gia.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.