Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 31 tháng 10 năm 2018 | 16:49

Vận nước đang lên và vai trò lãnh đạo của Đảng

Nhìn lại gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn, tạo chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực.

Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, kỳ họp Quốc hội đang sôi động và Hội nghị Trung ương 9 sắp tới đều diễn ra giữa nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, trong bối cảnh đất nước đạt được những thành tựu lớn với khí thế phát triển mới nhưng cũng đứng trước những biến chuyển chưa từng thấy của tình hình thế giới.

hoi-nghi-tw-4.jpg
Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. - Ảnh: VGP

Nhìn lại gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn, tạo chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực, nhất là về phát triển kinh tế xã hội; chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và hoàn thiện thể chế. 

Tại kỳ họp Quốc hội đang dần “nóng” lên với các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và các phiên chất vấn, Chính phủ có báo cáo giữa kỳ về kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Qua đó, bức tranh hiện tại và triển vọng của tình hình kinh tế xã hội đã được phác họa khá rõ nét với nhiều điểm sáng như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã chỉ ra. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2018 cao nhất trong gần một thập kỷ và GDP cả năm nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch đề ra. Mục tiêu tăng trưởng của cả 5 năm cũng trong tầm tay.

Nhiều kỷ lục khác cũng được xác lập, như dự trữ ngoại hối đạt trên 60 tỷ USD; xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, xuất siêu gần 5,4 tỷ USD và theo kết quả mới nhất, 10 tháng đã xuất siêu 6,4 tỷ USD; tỷ lệ nợ công/GDP giảm mạnh… Nhiều khả năng chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu trong năm 2018. Trước đó, năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh, có thể coi đây là những kỳ tích trong bối cảnh đầu nhiệm kỳ này, đất nước đứng trước những “bề bộn khó khăn” và tình hình thế giới đang biến động mạnh mẽ.

Báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, những kết quả này đã tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016 - 2020.

Về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách mới liên quan tới rất nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách đang đặt ra trong thực tiễn.

Về tổ chức bộ máy, Đảng đã ban hành các Nghị quyết, quy định về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Về thể chế kinh tế - xã hội, Đảng đã ban hành các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”…

Đặc biệt, về xây dựng Đảng, về vấn đề con người, Đảng đã ban hành các Nghị quyết, quy định về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…

Công tác này đang tiếp tục được đẩy mạnh và cách đây vài ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Một vấn đề hết sức hệ trọng khác, quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng, chống chạy chức, chạy quyền cũng đang được xây dựng và sẽ được ban hành trong thời gian tới…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8. - Ảnh: VGP

Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đã thấy rõ quyết tâm rất cao của Đảng trong công tác này, như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư: Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Thực tế cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Yêu cầu ngày càng cao với sự lãnh đạo của Đảng

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế, như nhiều ý kiến đã chỉ ra, nhưng nhìn về tổng thể, có thể thấy thế và lực của ta đã khác trước, “đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên”,  như các ý kiến phát biểu tại Quốc hội đã đánh giá.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả nói trên, nhưng có lẽ bao trùm lên tất cả là nhờ chúng ta được thừa hưởng những kết quả, thành tựu của nhiều năm trước, đặc biệt là năm 2016 với thành công rực rỡ của Đại hội XII của Đảng, kết quả, thành tích của năm 2016, 2017, với nhiều nghị quyết, quyết định, giải pháp đúng đắn, kịp thời, phù hợp. Cùng với đó là nhờ có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII.

Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. - Ảnh: VGP

Những kết quả nói trên đạt được trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế đã, đang và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, những diễn biến chính trị trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi tận gốc rễ, cách vận hành của đời sống, các xã hội và quốc gia.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đã nhiều lần nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay; nhưng đất nước cũng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được; chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.

Thực tiễn đang đòi hỏi  tinh thần dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Có thể nói, tình hình trong nước và quốc tế, đòi hỏi của nhân dân và thời đại đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Thời gian qua, Đảng ta đã chứng tỏ bản lĩnh mạnh mẽ trong thực hiện vai trò lãnh đạo đất nước và xã hội, với những quyết sách hợp lòng dân. Sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị được củng cố mạnh mẽ, mà việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước với 476/477 phiếu ủng hộ, sau khi được 100% các Ủy viên Trung ương thống nhất giới thiệu, là một minh chứng. Như phát biểu của đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư: “Uy tín của Đảng đang hội tụ ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Trong bối cảnh mới, Đảng vẫn đang tiếp tục tự đổi mới mạnh mẽ để xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Cùng với việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, Đảng đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao với các đảng viên và lãnh đạo các cấp, cả tâm và tầm, cả đức và tài. Uy tín của Đảng đang rất cao, niềm tin của nhân dân được củng cố, vận nước đang đi lên - đó là cơ sở để chúng ta tự tin bước vào chặng đường mới, nắm bắt được những cơ hội lịch sử đang mở ra phía trước.

 

 

 

 

Hà Chính
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top