P2P Lending (Peer-to-peer Lending - cho vay ngang hàng) là mô hình cho vay ứng dụng nền tảng CN số mà người đi vay và người cho vay sẽ được liên kết trực tiếp với nhau để tiến hành giao dịch cho vay tiền, mà không cần phải thông qua tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, cần cẩn trọng với những rủi ro và hệ luỵ từ mô hình này.
Đa dạng hóa các khoản đầu tư
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending).
Tại Việt Nam, hình thức cho vay tiền ngang hàng sẽ giúp mọi người đa dạng hóa các khoản đầu tư với lãi suất cao hơn so với ngân hàng. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều công ty hoạt động cho vay ngang hàng lớn như Lending Club, Prosper (Mỹ), Zopa, Dianrong, Lufax, Funding Circle (Anh), Ppdai (Trung Quốc),…
Tuy nhiên, mỗi công ty đều có cách đánh giá xếp hạng tín dụng người vay khác nhau. Thế nên các khoản vay ngang hàng vừa có thể có tính đảm bảo lại vừa có thể không đảm bảo.
Với sự phát triển của công nghệ 4.0 thì hoạt động vay vốn ngang hàng trở nên đơn giản hơn khi tất cả các công việc trên được thực hiện một cách tự động. Hình thức cho vay ngang hàng có những đặc điểm như nhà đầu tư có thể chọn ra đối tượng người vay tiềm năng nếu như có nền tảng P2P, mức lợi nhuận, hình thức vay tiền phù hợp cho những khoản vay nhỏ và ngắn hạn, giúp tầng lớp thu nhập thấp có mức vốn đầu tư nhỏ…..
Với sự bùng nổ của các công ty tài chính công nghệ, mô hình cho vay ngang hàng bắt đầu hình thành và phát triển từ khoảng năm 2014 với hơn 40 công ty đang vận hành. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hệ thống pháp lý dành cho hình thức vay tiền onilne chưa được hoàn thiện và rõ ràng, từ đó kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp.
Trên thực tế, các hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam tồn tại nhiều điểm hạn chế như: quảng cáo không minh bạch và rõ ràng về mức lợi nhuận, cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc thiếu chính xác về những rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải hoặc đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế nhằm lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia…
Hơn nữa, trong điều kiện pháp lý không được đảm bảo như hiện nay thì nếu như xảy ra tranh chấp trong việc không đòi được những khoản đã cho vay, nhà đầu tư sẽ mất trắng mà khó truy tố trách nhiệm từ các công ty cung ứng dịch vụ cho vay tiền ngang hàng…
Nhiều rủi ro
Bên cạnh một số ưu điểm, dịch vụ vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, rủi ro về mặt pháp lý khi nhà cung cấp dịch vụ bị cấm hoạt động hoặc hạn chế hoạt động vì hiện khá nhiều quốc gia chưa công nhận tính pháp lý của mô hình cho vay này.
Khả năng mất vốn hoặc chậm trả, vì không được bảo hiểm an toàn như các kênh ngân hàng uy tín nên các khoản cho vay của nhà đầu tư có thể bị mất hoặc chậm trả nếu như người đi vay rơi vào tình trạng không thể trả tiền vay.
Rủi ro về thanh khoản khi các khoản vay ngang hàng chỉ có thể được hoàn trả khi đến hạn, cả bên cho vay và bên đi vay đều không thể hủy ngang hợp đồng. Mặt khác, những rủi ro khi vận hành hệ thống cho vay ngang hàng, sự phát triển công nghệ, khi phần mềm bị sập hoặc ngừng hoạt động thì mức độ rủi ro sẽ rất cao. Nếu như thị trường không hoạt động trong khuôn khổ pháp lý thì nhà đầu tư còn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị mất trắng vốn.
Cùng vấn đề này, mô hình P2P Lending còn gặp rủi ro về mặt đạo đức khi nhà cung cấp dịch vụ đóng vai trò trung gian, hoạt động như một tổ chức huy động vốn cộng đồng rồi cho vay. Do đó, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống nhà đầu tư mập mờ với vai trò của mình. Sử dụng những thông tin thổi phồng để thu hút khách hàng hay thông đồng với người đi vay lập hồ sơ giả, sử dụng tiền của nhà đầu tư không đúng mục đích vay ban đầu… Mọi khả năng này đều có thể xảy ra nếu nhà cung cấp và người đi vay không thực hiện đúng nguyên tắc đạo đức, đặc biệt trong điều kiện hành lang pháp lý chưa rõ ràng và hiểu biết của nhà đầu tư còn hạn chế.
“Núp bóng” tín dụng đen
Nhìn ở khía cạnh khác, khoảng một năm trở lại đây, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khác cùng vào cuộc chấn chỉnh tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, mà bản chất một phần của câu chuyện này là nhiều người cần vốn đột xuất cho nhu cầu chính đáng nhưng không tiếp cận được kênh chính thức. Trên thực tế, một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp như hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng..., đây được xem là xu hướng tất yếu từ sự phát triển của công nghệ sẽ thúc đẩy những kênh cho vay ngang hàng, cho vay qua app bùng nổ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà chúng ta khó có thể kiểm soát được.
Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, bản chất mô hình cho vay ngang hàng là tốt. Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh, do đó, dễ bị lạm dụng, biến tướng “núp bóng” tín dụng đen. Điều này khiến cho các công ty P2P Lending hoạt động đúng nghĩa bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhiều app cho vay online núp bóng P2P Lending không hề kết nối trực tiếp tới các nhà đầu tư với người vay, mà sử dụng tiền của mình để cho vay với lãi suất cắt cổ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Cùng vấn đề này, ông Phạm Hoàng Long, Giám đốc Chi nhánh MSB tại TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, thời gian qua, tại một số địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, đã xuất hiện hình thức cho vay qua ứng dụng điện tử, công nghệ (qua các app trực tuyến). Đáng nói, với điều kiện vay dễ dàng, người vay tiền qua các ứng dụng cho vay ngang hàng sẽ nhận được tiền nhanh chóng. Nhưng trái lại, họ sẽ phải mất chi phí vay khá cao và chịu lãi lớn. Mặt khác, trong quá trình thực hiện hợp đồng vay và trả lãi suất, nếu người vay không trả được lãi, mức phạt lãi rất lớn, gây rủi ro lớn cho người đi vay.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận sự phát triển nhanh chóng của hoạt động P2P Lending đang đặt thách thức lớn trong quản lý, giám sát nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính.
Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng nghị định thí điểm về kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ, trong đó có đề cập một hoạt động thử nghiệm về P2P Lending.
Cảnh báo về rủi ro, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng điều chỉnh đối với lĩnh vực này và khuyến nghị người dân tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý, bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong cho vay ngang hàng.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.