Trở lại vùng đất Kinh Bắc nổi tiếng với làn điệu dân ca Quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chúng tôi đến với làng Xuân Ổ (phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh) để cảm nhận không khí xuân ở nơi đây và tìm lại những dấu tích chợ “Âm - Dương” xưa.
Ông Nguyễn Văn Biên chia sẻ với phóng viên về chợ Âm - Dương của làng Xuân Ổ.
Đầu xuân năm mới, không khí vui xuân hội hè nhộn nhịp khắp nơi trên vùng đất Kinh Bắc. Chúng tôi đến đình làng Xuân Ổ gặp ông Nguyễn Xuân Cầu, 76 tuổi, Thường trực Ban quản lý di tích làng Xuân Ổ. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phiên chợ đặc biệt của làng đã được lưu truyền trong dân gian, ông Cầu rất hứng khởi, nhưng trong ánh mắt vẫn gợi nét buồn xa xăm. Đưa chúng tôi ra bên ngoài đình làng, chỉ tay ra phía một khu đất rộng rãi giờ đã trở thành những vườn rau xanh tốt, những luống cần tây, hành tây chạy dài xanh ngút ngát, ông bảo: Theo lời của các cụ trước đây, bãi đất này xưa kia là nơi họp chợ “Âm – Dương” của làng chúng tôi, nơi đây vốn là bãi chiến trường của quân dân ta chống giặc phương Bắc. Vì có rất nhiều người đã hy sinh ở đây nên người dân tổ chức một phiên chợ họp vào lúc nhá nhem tối cho đến gần sáng, cạnh một ngôi miếu có tiếng là linh thiêng để người sống có cơ hội gặp được người chết là thân nhân của mình. Người dân ở đây tin rằng trong dòng người đến chợ có cả vong hồn của ông cha và cả người thân của mình để tìm gặp lại nhau, động viên, an ủi, xua tan nỗi niềm nhớ thương người đã mất.
Chợ họp không có lều quán, người đi chợ thường mang đến đây một giống gà đen được nuôi nấng và chăm sóc cẩn thận để bán làm vật tế Thành hoàng làng, ngoài ra còn bán thêm cau trầu, hàng mã, hương, nến, giấy dó…Giấy dó Đống Cao ngày nay là do làng Ó chúng tôi sản xuất. Trước đây, khi còn con sông Tiêu Tương, dòng sông như một dải lụa, ôm lấy xóm làng trù phú, bồi đắp phù sa màu mỡ và nuôi sống dân làng bằng những sản vật của mình, nước của con sông này giúp làng có thêm nghề làm giấy dó rất nổi tiếng. Sau đó, dòng Tiêu Tương bị phù sa bồi lấp nên nghề làm giấy ở đây không còn nữa.
Người đi đến chợ trong một màn đêm tĩnh mịch, tất cả mọi người bán mua đều không nói với nhau, chỉ có tiếng gió mùa đông bắc lạnh buốt thổi rì rầm và một vài tiếng nói khe khẽ của những người cùng đi chợ, do chợ được họp ngay bên cạnh ngôi miếu cổ linh thiêng, phía dưới lại có nghĩa trang nên khung cảnh của phiên chợ càng trở nên huyền bí. Vì phiên chợ này bán toàn là gà đen nên chợ còn có tên là chợ gà đen, tên làng Ó cũng từ đó mà ra (sau đổi thành Xuân Ổ như ngày nay). Gà đen được người dân bán ở đây là loại gà có lông đen, mỏ đen, chân đen, mắt đen để trong lồng hoặc ôm trên tay. Người bán không nói giá, người mua cũng không mặc cả chỉ dùng tay sờ xem gà béo hay gầy, nếu thuận mua người mua trả bao nhiêu cũng được và bỏ tiền vào chậu nước rồi sau đó lấy gà. Mua gà xong họ còn mua thêm vàng mã, nến hương, cau trầu để đốt cho người cõi âm.
Ông Nguyễn Xuân Biên, 73 tuổi, cho biết: “Làng Xuân Ổ chúng tôi nổi tiếng cũng nhờ vào phiên chợ “Âm – Dương” này, đây là một phiên chợ mang đậm nét văn hóa tâm linh của vùng quê Kinh Bắc. Người dân quê tôi dù đi đâu xa xôi nhưng vẫn nhớ về phiên chợ “Âm – Dương” mỗi khi Tết đến Xuân về. Đã lâu lắm rồi, từ khi miền Bắc bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, phiên chợ này không được tổ chức cho đến ngày hôm nay, tất cả chỉ còn lại trong ký ức của những người cao tuổi.
“Năm 2010, UNESCO và tỉnh Bắc Ninh có về phục dựng lại để quay một bộ phim về phiên chợ “Âm – Dương”, người dân chúng tôi mừng lắm, chúng tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ khôi phục và tổ chức lại phiên chợ này để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tâm linh của địa phương và dân tộc. Nhưng từ sau lần đó đến nay cũng vẫn chưa thực hiện được”, ông Biên cho biết thêm.
Gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chợ “Âm –Dương” không được tổ chức, làng Ó xưa đã đổi tên thành Xuân Ổ, thời gian đã cuốn theo biết bao nhiêu đổi thay ở làng quê nhỏ bé này, người làng Xuân Ổ không còn nhớ được những ngôi nhà tranh vách đất, những ngôi làng trù phú bên dòng sông Tiêu Tương được bao bọc bởi những lũy tre làng xanh ngắt. Nhưng những ký ức và dấu ấn của một phong tục tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức của những người dân từ già đến trẻ nơi đây. Họ mong lắm một mùa xuân không xa, chợ “Âm – Dương” sẽ được khôi phục để những người cõi trần lại được “gặp” người cõi âm như thuở nào.
Đầu xuân về đất Kinh Bắc để tìm lại phiên chợ “Âm – Dương”, tìm lại một chút hồn cốt văn hóa của người dân Việt, chúng tôi luôn đau đáu với câu hỏi: Bao giờ lễ hội làng Xuân Ổ với phiên chợ “Âm – Dương” truyền thống, mang đậm tính nhân văn được khôi phục? Câu hỏi này không chỉ của những người dân sở tại mà còn là câu hỏi của tất cả mọi người trên đất nước khi đã một lần nghe đến phiên chợ “Âm – Dương”.
Bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa của dân tộc, trong đó có khôi phục lại phiên chợ “Âm-Dương” ở làng Xuân Ổ là một việc cần làm để gìn giữ lại cho con cháu muôn đời sau. Hy vọng, ngành chức năng của tỉnh Bắc Ninh sớm quan tâm và có động thái tích cực nhằm khôi phục lại nét văn hóa này.
Phạm Ngọc Thủy
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.