Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 4 năm 2017 | 3:44

Về nơi có 60% nông dân sản xuất giỏi

Trên mảnh đất còn khô cằn, khắc nghiệt của xã Bình Trung (Thăng Bình - Quảng Nam), người nông dân đã biết tập hợp, lập các câu lạc bộ để tìm hướng phát triển sản xuất. Từ đây, những “ngôi sao” đã xuất hiện, Bình Trung trở thành nơi có nhiều nông dân sản xuất giỏi nhất nhì huyện Thăng Bình.

Ông Phùng Văn Thưởng, tỷ phú của làng với thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm.

Một “ngôi sao” nông dân sinh ra từ làng trở thành tỷ phú là ông Phùng Văn Thưởng, 49 tuổi, ở thôn Vĩnh Xuân. Từ hai bàn tay trắng, hiện ông vừa nuôi trồng, phân phối, vừa là đầu mối thu mua sản phẩm của nông dân ở khắp các xã trên địa bàn huyện, đưa con giống đi khắp Bắc-Nam, mỗi năm thu về trên 1,2 tỷ đồng. Ông có hơn 10 năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp xã, 5 năm liền đạt danh hiệu cấp huyện, 3 năm liền đạt danh hiệu cấp tỉnh.

Ông Thưởng kể: “Cuộc đời tôi gắn chặt với đất, mỗi năm 2 vụ lúa. Học hết 12, tôi theo nhiều người đi buôn bán con giống vịt, gà,…ở khắp trong Nam, ngoài Bắc. Đến năm 2010, nhận thấy thị trường con giống khan hiếm, từ 100 con vịt đẻ đầu tiên, tôi cho ấp hết số trứng nở, vừa phân phối vừa nhân rộng đàn vịt”.

Từ hiệu quả ban đầu, đến nay, ông có tổng 15.000m2 đất sản xuất, trong đó hơn 10.000m2 ao thả cá được đắp bờ chắc chắn, chủ yếu nuôi cá tra, trê, thu nhập đạt gần 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn nuôi hơn 150 heo thịt, 1.000 con gà thịt, 1.000 con vịt đẻ, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 con giống. Hệ thống chuồng trại được cải tạo ngăn nắp, hợp vệ sinh, có bể chứa biogas. Ngoài ra, ông còn là đại lý cung cấp các giống lúa, thức ăn chăn nuôi, phân bón,…

Trong những “ngôi sao gạo cội” của làng, còn có nhiều nông dân trẻ, anh Lý Hoàng Vũ (25 tuổi, thôn Trà Long) là một người như thế. Khu vườn của anh trồng nhiều loại hoa như cúc, hoa hồng, vạn thọ,…với hơn 700 chậu, mỗi mùa cho thu về trên 100 triệu đồng.

Tương tự, anh Ngô Thanh Phong (35 tuổi, xã Bình Trung) đầu tư nuôi heo, nuôi yến, mỗi năm thu về hơn 350 triệu đồng.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, Thăng Bình dẫn đầu tỉnh về số lượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp xã đến cấp Trung ương với  13.786 nông dân sản xuất giỏi. Trong đó, chỉ riêng xã Bình Trung đã có hơn 900 nông dân đạt danh hiệu này, chiếm 60% số hộ dân trong xã.

Để làm được điều này, mỗi hộ dân phải đi đầu trong phong trào học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và chủ động vươn lên làm giàu. Ông Hồ Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung, cho biết, từ đầu năm 2000, những “già làng” của Hội Nông dân đã phải đến gõ cửa từng công ty, tìm đến các trường đại học, thuyết phục các giảng viên về hướng dẫn nông dân bằng cách mở các lớp tập huấn thú y, đan mây tre, làm nấm,…Nông dân tự đóng góp kinh phí cùng Hội Nông dân tìm các mô hình để tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm với phương châm “một người làm được, cả làng cùng làm và cùng giàu có”.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Hội trồng nấm rơm Thăng Bình, thôn Trà Long, xã Bình Trung, cho biết, hiện chị có hơn 15 trại nấm, diện tích bình quân 20-30m2/trại, mỗi tháng xuất bán 3-4 tạ nấm, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng. Chị cho biết: “Khi tôi làm hiệu quả, tìm đầu ra ổn định, tôi mới hướng dẫn bà con trong làng, xã cùng làm, để mọi người cùng phát triển kinh tế”. Hiện, thôn Trà Long có gần 20 hộ tham gia trồng nấm rơm.

Không chỉ tập hợp lại với nhau, mỗi nông dân triệu phú, tỷ phú trong làng đều dành thời gian để giúp nông dân làm giàu. Điển hình như ông Phùng Văn Thưởng, nhiều năm qua, ông sẵn sàng giúp đỡ những nông dân khó khăn bằng cách cho mượn vốn, giống, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả. Hiện, ông đang giúp 3 lao động làm việc trực tiếp tại cơ sở và 15 lao động thời vụ, hỗ trợ tiêu thụ đầu ra, phân phối sản phẩm cho 5 xã lân cận trên địa bàn huyện.

Ông Bình cho biết: “Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã khuyến khích nhà nông làm giàu, đóng góp xây dựng nông thôn mới, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 4,25%, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm”.

Nguyễn Trang

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top