Khoảng 6 giờ sáng ngày 12/10, một tuyến đê thuộc huyện Chương Mỹ đã bị vỡ gây ngập úng hoa màu, nhà của, tài sản của người dân trên diện rộng.
Vừa nghiệm thu xong đã vỡ
Theo chính quyền địa phương, đây chỉ là tuyến đê phụ nằm ở sông Bùi, không phải là tuyến đê chính nên không ảnh hưởng đến tính mạng người dân sống trong đê. Tuy nhiên, tuyến đê bị vỡ một đoạn khoảng 15m đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế trang trại của người dân.
Sự việc có lẽ sẽ không phải nói nhiều thêm nếu trong khi Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ, Hà Nội) trực tiếp có mặt tại hiện trường trả lời phỏng vấn xác nhận đê Bùi 2 bị vỡ hơn 10 mét thì Bí thư huyện Chương Mỹ lại bác bỏ thông tin trên và cho rằng “nước chỉ tràn qua theo phương án thiết kế”?!
Phải chăng có điều gì khiến chính quyền huyện Chương Mỹ đang tìm cách che giấu?
Theo người dân ở xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến sống dọc tuyến đê Bùi 2 huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tuyến đê này mới hoàn thiện được khoảng 3 tháng nay. Tuyến đê được kỳ vọng là tấm lá chắn vững chắc cho khu kinh tế trang trại của người dân 3 xã là Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ và Nam Phương Tiến. Tuy nhiên chỉ sau 1 đêm lũ về, tuyến đê bê tông này đã bị vỡ, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ.
Anh Ngô Văn Thưởng, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ cho biết: Lúc gần sáng thì thấy nước ngập mênh mông, sáng ra đã thấy một khỏang bê tông cùng thân đê bị cuốn trôi.
“Đến giờ phút này dân người ta không yêu cầu khắc phục, giải quyết vấn đề gì nữa, thôi đã ngập rồi thì cứ để tự người dân lo”, anh Thưởng nói khi được hỏi về thiệt hại trong sự cố này.
Toàn bộ khu kinh tế trang trại của 3 xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ và Nam Phương Tiến của hàng trăm hộ dân canh tác, với diện tích khoảng trên 300 héc ta đã bị ngập trắng, ao cá, vườn cây, hoa màu bị chìm trong nước. Chỉ sau một đêm người dân khu kinh tế này trở nên trắng tay.
Trước khi lũ về nhà anh Bạch Văn Mỹ, xã Hoàng Văn Thụ có 2 héc ta nuôi cá, 3.000 con gà và 200 con lợn. Vỡ đê, lũ ập về quá nhanh nên toàn bộ số vật nuôi, ước tính khoảng trên 300 triệu đồng bị cuốn theo dòng lũ. Cái anh vớt vát được duy nhất lúc sáng ngày 12/10 là mấy buồng chuối xanh.
“Không ai báo trước được trận mưa bình thường mà mưa ngập lớn đến như thế này, mất hết tài sản sau một đêm các anh ạ”.
“Con đê năm nay mới vừa làm xong, dân chúng tôi hy vọng sẽ chắn lũ cho khu kinh tế mới này. Không ngờ nó bị vỡ, ngập nặng như thế!”, anh Nguyễn Đăng Khoa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ cho biết.
Có mặt tại hiện trường trên tuyến đê sông Bùi 2 bị vỡ sáng 12/10, ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết: hiện toàn huyện có nhiều điểm ngập úng nặng, có những khu vực đang bị lũ cô lập hoàn toàn. Chính quyền địa phương cùng các ban ngành liên quan đang tích cực khắc phục hậu quả giúp dân tránh lũ.
Theo thống kê thì chưa có thiệt hại về người, còn về cơ sở vật chất và gia súc gia cầm thì chưa có con số chính xác.
“Các trang trại, hồ cá mất chúng tôi đang giao cho xã thống kê thiệt hại. Còn việc xử lý chỗ đê bị vỡ thì hiện tại chưa có phương án gì, đợi nước rút hết sẽ vá, gia cố lại”, ông Cường nói.
Xã khẳng định vỡ đê, huyện lại phủ nhận
Liên quan đến sự cố vỡ đê, chiều 12/10, trả lời phóng viên, ông Lê Hoài Thi – Phó Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ, huyện chương Mỹ cũng khẳng định, sự cố vỡ đê Bùi 2 xảy ra vào khoảng 6h15’ ngày 12/10. Tuyến đê Bùi 2 vỡ khoảng 15m. Sự cố vỡ đê khiến trên 200 nhà dân bị ngập và ảnh hưởng.
"Trong đêm 11/10, chúng tôi đã di chuyển 900 nhân khẩu trong đó có 60/130 cụ già và 320 trẻ em ở các vị trí vùng thấp, nguy hiểm bị ảnh hưởng lên vùng cao an toàn", ông Thi cho hay.
Đến thời điểm hơn 20 giờ ngày 12/10 khi phóng viên VOV rời hiện trường thì mọi việc vẫn chưa được giải quyết. |
Theo ông Thi, đoạn đê Bùi 2 bị vỡ khiến 8 thôn trong xã bị chìm trong biển nước, trong đó các thôn: Văn Sơn, Yên Trình, Thuận Hương bị ngập sâu. Thống kê tạm thời, thiệt hại vào khoảng 40ha hoa màu, 50ha thủy sản, 28 ha lúa, may mắn chưa có thiệt hại về người.
"Từ hôm qua đến nay, chúng tôi đã huy động 500 người tham gia hộ đê và giúp đỡ bà con ở các vị trí nguy hiểm lên vùng cao", ông Thi cho biết thêm.
Đến trưa 12/10, theo ghi nhận tại hiện trường có 2 máy xúc và 1 ôtô tham gia hộ đê, thả đá, đóng cọc đoạn đê bị nước cuốn và hỗ trợ và bà con các xã bị ngập.
Trong khi đó, trả lời phóng viên của Đài TNVN, ông Lê Trọng Khuê, Bí thư huyện ủy Chương Mỹ, Hà Nội lại bác thông tin vỡ đê sông Bùi và cho rằng, đó là thông tin không chính xác. Bởi, theo thiết kế, cốt đê sông Bùi 2 là 7m, khi nước dâng lên cao hơn 7 m, mức báo động 3 thì phải có phương án cho tràn theo thiết kế kỹ thuật. Tràn đê toàn tuyến ngay từ ngày hôm qua. Điều này nằm trong phương án dự tính, vận hành.
Việc một tuyến đê được đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng, lại vừa được nghiệm thu đưa vào sử dụng khoảng 3 tháng nay. Được người dân kỳ vọng sẽ là tấm lá chắn “thép” khi mùa mưa lũ năm nay. Có đê mới, người dân yên tâm cầm cố cả gia tài để đầu tư sản xuất, kinh doanh trên khu kinh tế mới. Nhưng sau 1 đêm, 1 cơn lũ đi qua, sáng dậy người dân khu vực này trở nên trắng tay.
Hơn nữa, cùng một sự việc, nhưng chính quyền địa phương nói “mỗi người một phách” càng khiến người ta nghi ngờ về chất lượng tuyến đê bê tông vừa mới được nghiệm thu này./.
Theo Nhóm phóng viên/VOV.VN
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.