Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 27 tháng 3 năm 2016 | 4:30

Việt-Lào cam kết cải thiện môi trường đầu tư

Đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam-Lào cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thủ tục nhằm giúp Việt Nam-Lào không chỉ là địa điểm đầu tư song phương mà còn là điểm đến của các doanh nghiệp trên thế giới.

Đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam-Lào cam kết cải thiện môi trường đầu tư để Việt Nam-Lào không chỉ là địa điểm đầu tư song phương mà còn là điểm đến của các doanh nghiệp trên thế giới. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Trong hai ngày 26-27/3, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam và Lào phối hợp với các bộ, ngành liên quan của hai nước và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016, thu hút hơn 500 đại biểu đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp đến từ hai nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ phía Việt Nam-Lào và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Lào-Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào lần này diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi khi Cộng đồng ASEAN vừa hình thành, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư to lớn của cả hai nước và khu vực. Trong đó đặc biệt là nhu cầu kết nối chặt chẽ các nền kinh tế với nhau, giữa Việt Nam-Lào-Campuchia và mở rộng hơn nữa là giữa Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan và Myanmar trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2011-2015, kim ngạch thương mại giữa hai nước được cải thiện do hoạt động xúc tiến được đẩy mạnh, nhiều hiệp định, thỏa thuận, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hai bên được triển khai, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Một số dự án lớn của doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nền tảng, cơ sở để thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của Lào như khai thác và chế biến cao su, sản xuất đường, phân vi sinh, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản... Những dự án này đồng thời tạo việc làm cho khoảng 4 vạn lao động của Lào, giúp nâng cao năng lực lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào.

Tuy nhiên, quy mô thương mại song phương dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ thương mại lâu năm giữa hai nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tuy nhiên, năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ đạt 1,12 tỉ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra là 2 tỉ USD.

Để có thể tạo ra làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào trong thời gian tới, đại diện AVIL cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng còn thiếu chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quá trình cấp phép còn tốn nhiều thời gian, cơ chế chính sách, thủ tục cấp phép đầu tư vào Lào thiếu đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lao động, vật tư, thiết bị,... gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.

Một số doanh nghiệp cho rằng việc tuyển dụng lao động tại Lào cũng còn nhiều khó khăn do thiếu lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng cũng như tính kỷ luật. Đại diện một doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ Lào nới rộng quy định hạn chế tỷ lệ nhân sự người Việt tham gia dự án.

Các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ hai nước đẩy nhanh thống nhất các hiệp định, cơ chế chính sách về hợp tác kinh tế giữa hai bên về phương pháp thống kê, cấp phép dự án; đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển hạ tầng giao thông qua các cửa khẩu, cũng như ưu đãi lãi suất, thuế nguyên liệu, phí cầu đường… cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Lắng nghe và ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp hai bên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cam kết sẽ cùng tìm hướng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, yêu cầu các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương của hai nước kiện toàn lại cơ chế, thủ tục pháp lý, tháo gỡ các điểm vướng mắc mà doanh nghiệp đã nêu.

Hai Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, AVIL sẽ là đầu mối phối hợp để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, hợp tác song phương, để Việt Nam - Lào không chỉ là địa điểm đầu tư song phương, mà còn là điểm đến của các doanh nghiệp trên thế giới.

Hai Phó Thủ tướng nhất trí đẩy nhanh kết nối giao thông giữa hai nước, nhân rộng mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cửa khẩu… nhằm đáp ứng yêu cầu giao thương kinh tế giữa hai quốc gia.

Về phía Chính phủ Lào, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cho biết, Chính phủ sẽ rà soát lại các quy trình, thủ tục nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời nhấn mạnh, nếu không thực hiện cải cách hành chính nhanh thì đây sẽ là bước cản trong con đường hội nhập với các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cũng kỳ vọng doanh nghiệp hai nước phối hợp đầu tư vào các dự án đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân như y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng, giao thông… bởi từng dự án sẽ là cây cầu kết nối tình hữu nghị bền chặt của hai nước Việt Nam - Lào.

Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Lào, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương góp phần quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, để mối quan hệ Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp tại Lào có thêm những bước đột phá trong đầu tư ở Việt Nam, góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước láng giềng.

Đông đảo doanh nghiệp hai nước tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và cảm ơn những hỗ trợ của nhiều địa phương, bộ, ngành của Lào đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, một số chỗ có những vấn đề gây cản trở, tồn tại. Phó Thủ tướng kiến nghị Chính phủ Lào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp mà các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai trên đất bạn, cũng như kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư có trách nhiệm tại Lào với những dự án có tính bền vững, lâu dài, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương nơi triển khai dự án.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp chú trọng các vùng phía Bắc Lào, các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, nêu cao trách nhiệm xã hội với cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… để giữ vững uy tín của doanh nghiệp Việt trên đất Lào.

Trong thời gian tới, hai Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện Hợp tác song phương giai đoạn 2015-2020, trong đó, sẽ có những định hướng đầu tư dự án mới, đưa ra chiến lược thu hút đầu tư giữa Việt Nam và Lào, chọn trọng điểm đầu tư để phát huy lợi thế, thu hút nguồn lực. Đặc biệt, chú trọng các dự án chiến lược về giao thông, kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng…

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ Lào đã thực hiện việc xả nước giúp Việt Nam chống hạn hán.

Hồng Hạnh/Chinhphu.vn

 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nhiều điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hải Phòng

    Nhiều điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hải Phòng

    Chiều 16/5, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã thông tin một số điểm mới trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tuần 20 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố tổ chức.

  • Quảng Nam hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ngành Dược liệu

    Quảng Nam hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ngành Dược liệu

    Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mong muốn các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam cho ý kiến sâu về các giải pháp để phát triển ngành Dược liệu và Mỹ phẩm một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

  • Năm 2025, Hải Phòng hoàn thành sắp xếp 41 đơn vị hành chính

    Năm 2025, Hải Phòng hoàn thành sắp xếp 41 đơn vị hành chính

    Thành ủy Hải Phòng vừa triệu tập Hội nghị để cho ý kiến đối với các Đề án về sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và chủ trương lựa chọn biểu tượng thành phố.

  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top