Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2015 | 3:26

Việt Nam chuẩn bị toàn diện và đầy đủ cho Năm APEC 2017

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Cùng tăng cường hành động vì một tầm nhìn chung APEC”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh APEC từ khi thành lập đến nay luôn giữ vai trò hàng đầu trong việc tăng cường hợp tác, hội nhập và phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Diễn đàn hợp tác kinh tế này đã đem lại lợi ích thiết thực cho khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu.

Khu vực APEC đã khẳng định tầm quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển của Việt Nam khi chiếm tới 68% kim ngạch xuất khẩu, 82% kim ngạch nhập khẩu, 82% tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài và gần 80% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Ngoài ra, hiện có 13 trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được Việt Nam ký kết hoặc đang đàm phán với các đối tác APEC.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết APEC 2017 là nội dung ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020. Cùng với những hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC 2017 sẽ là một bằng chứng sinh động cho quá trình tăng cường ngoại giao đa phương và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, mọi công việc chuẩn bị cho APEC 2017 đã được Việt Nam thực hiện một cách toàn diện và đầy đủ, nhằm đảm bảo cho một năm APEC thành công trên tất cả các lĩnh vực.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi về các chủ đề "Nâng cao vị thế của APEC, hướng tới năm 2025;" "Đẩy mạnh các nỗ lực chung, chuẩn bị cho năm APEC Việt Nam 2017."

APEC được thành lập tháng 11/1989 tại Australia, hiện đã trải qua 23 kỳ Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Hội nghị cấp cao).

Ngày 15/11/1998, tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 6 tại Malaysia, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác kinh tế này. Kể từ khi trở thành thành viên của Diễn đàn APEC, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực, nổi bật là đăng cai thành công Hội nghị cấp cao và các hoạt động APEC năm 2006./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top