Chiều 6/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu tại Phiên họp Cấp cao của Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phiên họp Cấp cao có chủ đề về định hướng công tác phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Châu Á-Thái Bình Dương còn chậm tiến triển trong các mục tiêu phát triển bền vững
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh ADB, OECD và Sáng kiến đã lựa chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững đã đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của các chuyên gia, châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực đang cho thấy những tiến triển còn chậm trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
“Chúng ta cần thúc đẩy sự phối hợp hành động giữa Nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển cơ sở hạ tầng được đề cập cụ thể trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và đây là yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới việc đạt được các mục tiêu còn lại”, Phó Thủ tướng Thường trực nhận định.
Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, theo số liệu gần đây của Ủy ban Liên Hợp Quốc về kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), ước tính, các quốc gia đang phát triển trong khu vực mỗi năm cần thêm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD cho đầu tư, tương đương với 5% tổng GDP của các quốc gia này năm 2018. Riêng nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 900 tỷ USD.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Thực trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể trong bảo đảm nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả. Cách tiếp cận này không chỉ hướng tới các giải pháp khuyến khích huy động các nguồn lực tư nhân trong xã hội, trong và ngoài nước mà còn hướng tới việc sử dụng một cách có hiệu quả, đúng đắn, minh bạch và bền vững các nguồn lực công vốn đã rất hạn hẹp.
Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, phát triển cơ sở hạ tầng và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững luôn là 2 yếu tố song hành, mang tính sống còn, then chốt và trung tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua các giai đoạn phát triển.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
“Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Việt Nam coi đây là một trong 3 đột phá chiến lược (bên cạnh hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực), là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đạt được mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Việt Nam khẳng định trong thời gian tới, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm hoàn hiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Việt Nam tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng; Tăng cường huy động nguồn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công-tư đối với các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể; Ưu tiên đầu tư công vào các lĩnh vực an ninh, quốc phòng hoặc các dự án không kêu gọi, thu hút được nhà đầu tư, trước mắt hoàn thành sớm các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá như đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không quốc tế, các dự án tạo nền tảng tiếp cận và nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số; Thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát quá trình thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quá trình đầu tư, triển khai các dự án.
Phát triển bền vững là định hướng cho quản lý, điều hành của Chính phủ
Về các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, Việt Nam coi đây là định hướng cho hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Trong quản lý và điều hành, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trong xã hội vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như: Đẩy mạnh cải cách hành chính để xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực thi triệt để các phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy nhà nước; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công; triển khai xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia với mục tiêu hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, các bộ, ngành của Việt Nam đã trình ban hành các văn bản theo thẩm quyền để cắt giảm 3.425 trên 6.191 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm trên 5,9 triệu ngày công và 893,9 tỷ đồng/năm. Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể (giảm 12.613 trên 82.700 mặt hàng) và đang tiếp tục được cắt giảm. Trong năm 2018, tỉ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung cũng tăng đáng kể, trung bình ở mức 82,99%.
Phó Thủ tướng Thường trực thể hiện tin tưởng rằng các chuyên gia Việt Nam khi tham gia vào các phiên họp, phiên thảo luận của Hội nghị cũng đã chia sẻ, chuyển tải thông điệp đến các bạn quốc tế, các đối tác phát triển về quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam, cùng đồng hành với các quốc gia trong khu vực, nhằm thúc đẩy các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ, qua đó giúp tạo tiền đề vững chắc cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đã được thông qua trong Chương trình nghị sự 2030.
Phó Thủ tướng Thường trực giao cho Thanh tra Chính phủ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với OECD, ADB và các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tổng hợp, nghiên cứu những kinh nghiệm thực tiễn tốt, những sáng kiến hay, sáng tạo đã được chia sẻ, thảo luận tại Hội nghị này về nâng cao hiệu quả đầu tư, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện trong thời gian tới.
Trước đó, Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã diễn ra các sự kiện chính: Cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh (BI); Cuộc họp Mạng lưới Liêm chính công (PIN) lần thứ 3; Cuộc họp Ban điều hành Sáng kiến lần thứ 23.
Sau Phiên họp Cấp cao, Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính thức bế mạc sau 4 ngày diễn ra nhiều hoạt động.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.