Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2019 | 13:13

Viwasupco cấp nước bẩn: Phải bị xử lý thích đáng

Liên quan đến việc nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe hàng trăm ngàn người, người dân và luật sư cho rằng, cần truy tìm thủ phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

tr8t.jpg
Cung cấp nước sạch cho người dân ở chung cư HH Linh Đàm.

 

Súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch

Sau 1 tuần xảy ra sự cố nguồn nước sạch sông Đà cấp cho các hộ dân sinh sống tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Trì… của TP. Hà Nội bị phát hiện ô nhiễm với mùi khét kèm theo mùi thuốc sát khuẩn, UBND TP. Hà Nội mới có thông tin chính thức lên tiếng về vụ việc này.

Theo đó, sau khi tổ công tác thực hiện kiểm tra toàn bộ quá trình vận hành nhà máy xử lý nước sạch thuộc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã nhận thấy, khu vực đầu nguồn  tại xã Phú Minh (Kỳ Sơn - Hòa Bình) có dấu hiệu để dầu nhớt thải trộm.

Chất thải dầu nhớt này đã chảy lan ra suối, sau đó chảy vào hồ Đầm Bài (hồ chứa nước để cấp cho nhà máy của Viwasupco). Từ đây, nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, chảy vào hệ thống phân phối nước sạch đến người dân tại các khu vực đã nêu trên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sở Y tế thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm. Kết quả, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị không đạt.

Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi “khét” có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN).

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Viwasupco khắc phục ngay các chất dầu thải ở khu vực đầu nguồn cũng như vùng dầu hiện còn trên hồ Đầm Bài; thực hiện ngay việc cung cấp nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn cho các hộ dân thuộc các khu vực do công ty đảm trách; súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ nhà máy, bể chứa, các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối, kể cả các bể chứa khu chung cư và toàn bộ bể chứa tại các địa bàn người dân sử dụng nước do công ty cung cấp.

Báo cáo Chính phủ trước ngày 25/10

Trước sự việc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà  khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.

UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.

Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2019.

Khởi tố vụ án, truy tìm thủ phạm

Chị Trần Phương Thảo (quận Thanh Xuân): “Họ làm ăn như vậy là tắc trách và như trò đùa, coi thường tính mạng người dân khi thừa biết nước là nhu cầu vô cùng cần thiết đối với mỗi người. Công ty cấp nước giám sát và vận hành như thế nào để nước ô nhiễm mà vẫn bán cho dân là việc làm vô đạo đức không thể chấp nhận được. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu người dân có bệnh tật phát sinh từ nguồn nước sinh hoạt bẩn? Đề nghị phải truy tố những người đã gây ra lỗi này”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Bộ phận Thường trực (Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), cho rằng, việc làm của Viwasupco là vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng khi cung cấp sản phẩm kém chất lượng.  “Chúng tôi tiếp tục theo dõi sự việc và sẽ có yêu cầu xử lý chính thức đến các ban ngành của thành phố và doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng nói.

Theo luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, hành vi đổ chất thải, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường là rất nghiêm trọng, tác hại xấu trực tiếp đến sức khỏe cư dân Thủ đô và những nơi sử dụng nguồn nước này.

Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà  cung cấp nước ô nhiễm (theo khuyến cáo của UBND TP Hà Nội là không nên sử dụng nước để ăn, uống), rõ ràng đây không phải là nước sạch cung cấp cho người dân theo hợp đồng đã ký kết và cam kết nghĩa vụ với khách hàng.

Như vậy, công ty này phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ cung cấp nước sạch mà lại phải dùng nước bẩn, có thể gây nguy hại về sức khỏe cho mọi người.

Theo báo cáo số 318/BC-UBND của UBND tỉnh Hoà Bình về kết quả kiểm tra, làm rõ vụ việc đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà, nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật Hình sự. Vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan đến vụ việc.

Sáng 18/10, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập một số người liên quan để đấu tranh, làm rõ việc xả thải dầu bẩn gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến nhà máy của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà.

“Công an tỉnh Hòa Bình đang tập trung làm rõ, khi nào có thông tin chính thức sẽ thông tin sau. Hiện, đơn vị đang đấu tranh với những người liên quan để làm rõ sự việc và mở rộng điều tra”, thiếu tá Đức nói.

 

TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, các mẫu nước được lấy trong những ngày gần đây chất lượng đã cải thiện hơn. Còn với kết quả xét nghiệm những mẫu nước được công bố ngày 15/10 cho thấy, hàm lượng styren trong nước sạch tuy cao hơn mức cho phép, nhưng đó là nước lấy ở đầu nguồn và cô đặc, còn nồng độ trong thực tế ở hộ dân thì thấp hơn nhiều. Hơn nữa, người dân không sử dụng nguồn nước này trực tiếp, mà phải qua quá trình đun, nấu, vì vậy, chưa có cảnh báo nguy hại nào đối với sức khỏe. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, việc thau rửa bể chứa, súc rửa toàn bộ đường ống nước là cần thiết.

 


 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top