Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 7 năm 2017 | 2:37

Vụ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng: Phải xử lý nghiêm doanh nghiệp gian dối

Mỗi ngư dân là một chiến sĩ, mỗi con tàu là một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, mỗi chuyến ra khơi là một lần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì nay 39 tàu vỏ thép vừa mới đóng lại đang phải nằm bờ. Việc làm ăn gian dối của các doanh nghiệp đóng tàu đã và đang làm tổn hại đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển, cần phải xử lý nghiêm.

Theo Bộ NN&PTNT có 39/666 tàu tại 4 tỉnh miền Trung bị hỏng hóc không thể ra khơi.

Chính sách lớn giúp ngư dân bám biển

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ban hành ngày 07/07/2014 của Chính phủ được coi là một cú hích, giúp ngư dân đầu tư phương tiện hiện đại để khai thác thủy, hải sản trên biển, vươn khơi đánh bắt xa bờ. Tính đến ngày 31/5/2017, đã có 666 tàu được đóng mới, trong đó có 622 tàu khai thác, 44 tàu dịch vụ hậu cần (297 tàu vỏ thép, 347 tàu gỗ, 22 tàu composite; có 539 tàu đạt công suất từ 800CV trở lên).

Theo đánh giá của bà con ngư dân, hầu hết các tàu đều phát huy tác dụng cả về hiệu quả kinh tế và độ an toàn. Có tàu thu về 3,5 tỷ đồng, lãi 1 tỷ đồng/năm, có ngư dân lãi 300 triệu đồng mỗi chuyến biển.

Thuyền trưởng Phan Bé (44 tuổi), quê huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), chủ tàu Sang Fish 01, công suất 750CV (tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng) cho biết: “Tàu được thiết kế với máy móc hiện đại, rút ngắn thời gian đi lại giữa bờ và ngư trường Hoàng Sa, hải sản được bảo quản tốt nên giá cao. Hơn nữa, trong bối cảnh các tàu Trung Quốc luôn cản trở ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, việc ra khơi trên những con tàu này sẽ an toàn hơn”.

Doanh nghiệp đóng tàu xâm phạm chủ quyền quốc gia?

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 dù mới đưa vào sử dụng nhưng đã bị hư hỏng khiến ngư dân không thể ra khơi. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, toàn tỉnh có 56 tàu cá đóng mới theo NĐ 67, trong đó có tới 47 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, có đến 18 tàu mới đóng đã bị hư hỏng, trong đó 13 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đóng, 5 chiếc do công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng.

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định chỉ rõ, vỏ thép bị rỉ sét nặng, sơn chưa đúng quy định; máy tàu bị hư hỏng; các trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn… bị hư hỏng, không hoạt động. Điều đáng lưu ý là trong số 13 tàu cá vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng, ngoài phần rỉ sét nặng ở vỏ tàu, thép không đúng loại thì máy chính của tàu cũng không được lắp theo đúng hợp đồng đã ký kết với ngư dân.

Cuối năm 2016, ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (Mỹ Đức, Phù Mỹ, Bình Định) vô cùng phấn khởi đón nhận chiếc tàu vỏ thép công suất 811CV. Nhưng khi ra khơi, lưới bủa đến đâu đều bị cuốn hết vào gầm chân vịt đến đó, không đánh bắt được đành phải quay về bờ. Sau khi bỏ ra thêm 1,5 tỷ đồng để cải hoán, đến cuối tháng 1/2017, tàu của ông tiếp tục ra khơi nhưng lần này bánh lái tàu lại bị sóng đánh văng ra biển.

Tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ 99004 TS, công suất 811CV của ngư dân Nguyễn Văn Lý (Mỹ Đức, Phù Mỹ, Bình Định) cũng cùng cảnh ngộ. Theo ông Lý, 4 chuyến đi biển khiến ông thâm nợ thêm gần 500 triệu đồng, chưa kể món nợ ngân hàng 13,6 tỷ đồng sau khi đóng tàu xong. Cá biệt, ở Thanh Hóa có trường hợp 9 chuyến ra khơi thì cả 9 lần tàu gặp sự cố. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện có 39/666 tàu tại 4 tỉnh miền Trung gặp sự cố.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định lo lắng, các tàu vỏ thép kém chất lượng, hư hỏng phải nằm bờ đã ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai cũng như hiệu quả của Nghị định 67, đặc biệt ảnh hưởng đến ngư dân vay vốn đóng tàu.

Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bức xúc: Hợp đồng đóng tàu là thép Hàn Quốc thì phải đóng đúng, chứ không thể tự động thay bằng thép Trung Quốc. Đề nghị các cơ sở đóng tàu lấy lương tâm và trách nhiệm để đóng tàu có chất lượng giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Để giải cứu cho ngư dân, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ không hoạt động sản xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xử lý nghiêm các doanh nghiệp làm ăn gian dối vì không chỉ làm thiệt hại về kinh tế; làm méo mó chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn gián tiếp xâm phạm chủ quyền quốc gia trên biển.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8/2017.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top