Dấu ấn Việt Nam thể hiện ở sự năng động, cởi mở, hiếu khách, năng lực kết nối, điều phối và tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2018 vừa kết thúc tại Hà Nội với những kết quả quan trọng. Trong đó, thông điệp xuyên suốt “Cách mạng Công nghiệp 4.0 là tương lai của ASEAN” thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Quan trọng hơn, hội nghị WEF-ASEAN lần này đã trở thành một ngày hội giao lưu về ý tưởng, về sáng tạo như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. Việt Nam, với tư cách nước chủ nhà, đã ghi dấu ấn đặc biệt với vai trò kết nối và năng lực tổ chức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab (thứ ba, từ phải sang) và các trưởng đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN |
“Luồng gió mới”, đó là cụm từ mà các đại biểu tham dự WEF-ASEAN 2018 nhắc tới khi mô tả không khí làm việc tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN. 3 ngày làm việc với 60 phiên thảo luận, nhiều chủ đề “nóng” về tương lai của ASEAN với Cách mạng 4.0 cùng sự tham dự của hơn 1000 đại biểu, không chỉ cho thấy “sức nóng” của sự kiện, mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với WEF-ASEAN và mong muốn hội nhập sâu rộng của ASEAN vào cộng đồng quốc tế.
Song, có lẽ kết quả quan trọng nhất của hội nghị là những ý tưởng mới kết nối ASEAN và các đối tác toàn cầu. Đến với Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, mỗi nguyên thủ, mỗi nhà lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu, các chủ tịch doanh nghiệp đều đưa ra một thông điệp quan trọng, để gắn kết mình với ASEAN, kết nối ASEAN với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Lý Hiển Long, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Lào, Thủ tướng Campuchia đều đưa ra các ý tưởng, chia sẻ bài học kinh nghiệm của mình nhằm thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết với cộng đồng ASEAN; với mong muốn định hình một “tầm vóc mới” cho ASEAN trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang ào tới.
Những phiên thảo luận sôi nổi, những ý kiến phản biện, những phòng họp không còn chỗ trống đã cho thấy sự trông đợi, sự hồ hởi với tham vọng bứt phá trong thời đại Cách mạng 4.0. Và cũng đã có không ít kỳ vọng rằng chỉ một thập kỷ nữa thôi, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Quyết tâm và nỗ lực, tham vọng và khát khao về một sự bứt phá đã đưa Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN vừa trở thành nơi giao lưu của ý tưởng, vừa trở thành điểm đến được trông đợi, và là nơi hội tụ của giới tinh hoa kinh tế.
Với việc đưa ra chủ đề "Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, một chủ đề thời sự mà các nước đang đặc biệt quan tâm, Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét tại hội nghị WEF-ASEAN 2018. Bởi trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang “ào“ tới, việc nắm bắt và tận dụng cơ hội chính là yếu tố sống còn đối với các thành viên ASEAN.
Với vai trò là chủ nhà, Việt Nam đã xây dựng sự kết nối về ý tưởng, về đổi mới và cả sức sáng tạo giữa ASEAN và Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Việc quốc tế đánh giá cao những đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một ví dụ. Những ý tưởng mà Thủ tướng đưa ra về việc lấy ASEAN làm trung tâm, xây dựng các quy tắc của ASEAN trong hợp tác chia sẻ dữ liệu, thành lập khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia với mạng lưới vườn ươm của toàn khu vực...đều nhận được sự đồng tình, coi trọng sự đón nhận nồng nhiệt của bạn bè quốc tế.
Có thể nói, sự hồ hởi, không khí làm việc sôi động khẩn trương đã thổi một luồng gió mới tại WEF-ASEAN 2018. Bởi hơn 1000 đại biểu tham dự hội nghị đã cùng chia sẻ quan điểm, ý tưởng để góp phần thúc đẩy hội nhập toàn khu vực. Ðiều này cho thấy nỗ lực của chủ nhà Việt Nam nhằm mang đến những tiếng nói đa dạng, đa chiều cho WEF-ASEAN. Chẳng thế mà Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kiêng Hoa đã nói rằng, cách mạng Công nghiệp 4.0 là một vấn đề rất hấp dẫn và bà đã cảm ơn Việt Nam về công tác tổ chức; đồng thời cho rằng WEF-ASEAN 2018 chính là một hình mẫu để giới thiệu, phát huy các ý tưởng mới để các quốc gia khác có thể học hỏi.
WEF-ASEAN 2018 thành công đã để lại một dấu ấn Việt Nam mới rõ nét trong lòng bạn bè quốc tế. Đó là sự năng động, cởi mở, hiếu khách, năng lực kết nối, điều phối và tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc tế. Đây cũng là lý do Chủ tịch Điều hành WEF ông Borge Brende. nói rằng WEF-ASEAN 2018 là hội nghị thành công nhất từ trước đến nay ở khu vực Đông Á trong 27 năm qua.
Từ thành công của WEF-Đông Á năm 2010, Năm APEC 2017 đến WEF-ASEAN 2018, Việt Nam đã thực sự trở thành một điểm đến an toàn, tin cậy với năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Với thành công này, Việt Nam sẽ vững tin bước tiếp trong hành trình hội nhập và phát triển cùng cộng đồng quốc tế./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.