Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 15:13

Xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, trong sạch

“Không thể phủ nhận vai trò tích cực của MXH, song cũng phải nhận thấy, các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại tư tưởng, “diễn biến hòa bình” và các hoạt động phạm tội khác”...

Sáng nay (15/9), Công an tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo chuyên đề “Xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn - trong sạch”. Đại tá, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi và Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ngãi chủ trì Hội thảo.
 
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

 

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 18 tham luận của các sở, ban, ngành, trường học trên địa bàn tỉnh, có 9 tham luận đã được trình bày trực tiếp tại Hội thảo.
 
Các báo cáo tham luận cho thấy, những năm gần đây, mạng xã hội (MXH) đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. MXH đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của MXH, song cũng phải nhận thấy, các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại tư tưởng, “diễn biến hòa bình” và các hoạt động phạm tội khác.
 
Bên cạnh mặt tích cực, MXH cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và an ninh trật tự, điển hình là: MXH đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại tư tưởng. Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã lập ra và sử dụng hàng ngàn trang MXH vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Chúng tập trung xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách đó là sai lầm và đòi xóa bỏ.
 
MXH làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước. Trong số hàng chục triệu người dân Việt Nam sử dụng MXH, có không ít người là cán bộ, đảng viên, làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật nhà nước. Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên MXH hoặc sử dụng MXH làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, trách nhiệm ý thức bảo mật chưa tốt, làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước. Lợi dụng các vụ lộ lọt bí mật nhà nước trên internet, nhiều đối tượng đã đăng tải lại các tài liệu mật trên MXH, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu chính quyền.
 
MXH tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa. MXH phát triển làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi MXH phát triển thì dòng chảy của những cuộc bá quyền, xâm lăng văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn về cường độ, mở rộng về quy mô, tác động đến hầu hết các cá nhân, nhất là số người trẻ. Xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống, các giá trị phương Tây, như tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên MXH đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, giật gân câu “like” trên MXH ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận.
 
MXH đang trở thành công cụ, môi trường “màu mỡ” để tội phạm lợi dụng hoạt động. Với đặc tính ảo, MXH thường xuyên được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng MXH làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác.
 
Tham luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi Trần Cao Tánh nói: Nhà báo, phóng viên tham gia MXH vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức. Cơ hội là nhà báo có thể tìm kiếm, được gợi ý thêm đề tài, hiểu được mong muốn của công chúng giúp cho hoạt động báo chí nhanh nhạy, kịp thời, nói đúng những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Thách thức là nhà báo dễ bị cuốn vào lợi ích nên thiên vị, thiếu khách quan, chuẩn mực, nghĩ mình là “Quan tỏa bàn phím" tùy tiện phán xét, buộc tội người khác, có nguy cơ làm mồi, “nối giáo cho giặc" tức là tạo cơ hội cho thế lực chống đối viện dẫn nhằm đả phá, xuyên tạc.
 
Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, chỉ tính riêng năm 2021, các cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện hơn 200 trường hợp đăng tải thông tin xấu, độc, chưa được kiểm chứng; sai sự thật, chống Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trên không gian mạng. Trong đó, đã điều tra, khởi tố 02 bị can về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân” và 02 bị can về tội “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”…
 
Từ những phân tích nêu trên, và các bài phát biểu tham luận của Hội thảo, cho thấy rằng, vấn đề đặt ra là đi đôi với việc phát triển MXH cần phải có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng để MXH thực sự có ích và mang lại hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ, tác động xấu từ MXH đến an ninh, trật tự.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đinh Thị Hồng Minh phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đinh Thị Hồng Minh phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đinh Thị Hồng Minh phát biểu chỉ đạo Hội thảo: Để tỉnh táo, sáng suốt làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước trên MXH, trong khuôn khổ Hội thảo này, tôi đề nghị mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên báo chí cần lưu ý và thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau: Một là, tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có hiểu biết sâu sắc về quy luật vận động của sự vật, hiện tượng, từ đó nhận diện được các luận điểm chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động. Đồng thời, tích cực học tập, quán triệt Cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực; chủ động nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng, đủ trình độ đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động trên MXH.
 
Hai là, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sinh hoạt, công tác cần thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp trên để tổ chức cung cấp nhanh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng internet, MXH.
 
Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia MXH phải chú trọng thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh sống, công tác, nhất là nắm bắt trên không gian mạng xã hội. Qua đó, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình,… không để đồng chí, đồng nghiệp của mình bị lôi kéo, dụ dỗ mà cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, loan truyền những thông tin phản động, độc hại trên MXH.
 
Bốn là, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; nêu cao ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi cám dỗ vật chất, danh lợi; kiên gan, bền chí trước mọi thủ đoạn, mưu mô thâm độc của kẻ thù.
 
Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia MXH, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động. Bên cạnh đó càng cần phải sáng suốt chọn lọc thông tin để tiếp nhận cũng như để chia sẻ với đồng nghiệp, với bạn bè những thông tin chính xác, đúng sự thật, tránh chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng gây tổn hại đến cá nhân, tổ chức, không những vậy, việc chia sẻ thông tin sai thực thật cá nhân còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những hình thức và mức độ khác nhau. Đó cũng là góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho một bộ phận người dân vốn đang “đói” thông tin chính thống nhưng lại đang chới với,  “chết chìm” trong “biển thông tin” chưa rõ thực hư trên MXH.
 
Năm là, để Hội thảo hôm nay đạt được mục đích, yêu cầu mà Ban tổ chức Hội thảo đề ra, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ  thị số 03 ngày 28/4/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị Ban tổ chức Hội thảo, các đại biểu, các phóng viên báo, đài cần cần tuyên truyền mạnh mẽ, để làm lan tỏa sâu rộng trong nhân dân... bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần đưa Chỉ thị số 03  sớm đi vào cuộc sống.
 
“Không thể phủ nhận vai trò tích cực của MXH, song cũng phải nhận thấy, các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại tư tưởng, “diễn biến hòa bình” và các hoạt động phạm tội khác”, Đại tá, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi nói.
 
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top