Chiều nay (11/7), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ thứ 4 và thứ 5 của Ủy ban.
Toàn văn Thông báo như sau:
Trong thời gian qua, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã họp kỳ thứ 4 và thứ 5. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Trần Quốc Vượng chủ trì kỳ họp.
Tại 2 kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã xem xét, kết luận các nội dung sau:
1. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi xem xét, Ủy ban Kiểm tra TƯ kết luận ông Trịnh Xuân Thanh có khuyết điểm, vi phạm sau:
a. Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.
Ông Trịnh Xuân Thanh (Ảnh: TTXVN) |
Đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự. Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân.
b. Khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông đã dùng biển số xe công gắn vào xe ô tô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm đó là thiếu gương mẫu, vi phạm Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư TƯ Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.”
c. Ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm ở Tổng Công ty PVC, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đánh giá chưa hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty. Như vậy, ông không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị khóa 11. Nhưng, ông vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
d. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra TƯ nhận thấy trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.
Ủy ban Kiểm tra TƯ kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư:
- Chỉ đạo Ban Tổ chức TƯ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ.
- Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu QH khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
đ. Ủy ban Kiểm tra TƯ quyết định và yêu cầu:
- Tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
- Tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại PVC.
- Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015.
- Đề nghị Đảng ủy Công an TƯ chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành Công an rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.
- Yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua-Khen thưởng TƯ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm.
2. Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự đảng UBND TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2010-2015 và một số cá nhân
a, Đối với tập thể Ban cán sự đảng UBND TP:
Ban cán sự Đảng UBND nhiệm kỳ 2010-2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân thành phố thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về chủ trương nghiên cứu phương án bố trí các đài phun nước, kết hợp ánh sáng, kỹ xảo nghệ thuật (Dự án nhạc nước), thực hiện không đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án.
b. Đối với cá nhân:
Các cá nhân: Dương Anh Điền, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP; Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP; Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố có các khuyết điểm, vi phạm: Vi phạm Quy định số 51-QĐ/TW, ngày 19/4/2007 của Ban Bí thư khóa 10, Quy chế làm việc của Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016 trong việc quyết định phê duyệt đầu tư Dự án nhạc nước; thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chi phí, quản lý hợp đồng, lựa chọn nhà thầu.
Những khuyết điểm, vi phạm của tập thể và cá nhân nêu trên dẫn đến Dự án nhạc nước còn dở dang, đến nay chưa thể nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao, đưa vào sử dụng theo đúng mục tiêu, yêu cầu đã được phê duyệt, làm thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.
Căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 và Quy định số 181- QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị (khóa 11) về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, vi phạm của các đồng chí nêu trên đến mức phải xem xét áp dụng hình thức kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra TƯ yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với Ban cán sự Đảng UBND TP và tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Dương Anh Điền, Lê Khắc Nam, Đoàn Duy Linh.
3. Giải quyết tố cáo đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông
Qua xem xét, Ủy ban Kiểm tra TƯ kết luận: UBND tỉnh chủ trương thu hồi dự án, giao cho các ngành tham mưu đề xuất kinh phí bồi hoàn cho chủ đầu tư, trong khi dự án chưa hoàn thành để kéo dài, nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, không mang lại hiệu quả, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Đối với ông Hà Trung Ký, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (nguyên Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch tỉnh) có vi phạm (như đã nêu tại Kết luận số 1084/KL-UBND, ngày 28/5/2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông), nhưng chưa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 chỉ đạo xử lý là có khuyết điểm.
Ủy ban Kiểm tra TƯ yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với đồng chí Hà Trung Ký theo quy trình, báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra TƯ.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Điều lệ Đảng
Kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra các Đảng ủy: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Thực hiện giám sát chuyên đề đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và một số cá nhân; Đảng ủy Tổng cục Chính trị và đồng chí Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục Trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân. Tham gia ý kiến với Đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Bí thư, Bộ Chính trị.
Thông qua các nội dung kiểm tra, giám sát nêu trên, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm của tập thể và cá nhân và yêu cầu có biện pháp, giải pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
Theo TTXVN
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.