Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 4 năm 2022 | 20:47

Xử lý rác thải sinh hoạt không còn là vấn đề đơn giản ở vùng cao

Trước đây, tại các tinh vùng cao, dân cư sinh sống thưa thớt, vấn đề rác sinh hoạt không đáng lo ngại. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự gia tăng dân số khiến cho rác thải sinh hoạt tăng lên chóng mặt. Ô nhiễm môi trường đang là một thách thức không nhỏ.

Nghệ An: Nhiều huyện đau đầu vì ô nhiễm rác thải

Trước đây, huyện vùng biên Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chưa quy hoạch được bãi rác thải tập trung. Vì thế, lượng rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý theo quy định nên người dân thường hay đổ rác thải rất bà bãi, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, năm 2015, UBND huyện Kỳ Sơn đã quy hoạch và xây dựng một khu xử lý rác của thị trấn Mường Xén, đặt tại bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn.

 

racc-2.jpg
Bãi rác tại Khối 1, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường.

 

Gọi là “khu xử lý” chứ thực ra bãi rác này mới chỉ đào hố, xây sơ sài rồi đưa vào sử dụng (rác thải được đốt thủ công thường xuyên – PV). Vì thế, tuy mới đi vào hoạt động được vài năm nay nhưng bãi rác thải nói trên đã bộc lộ nhiều bất cập khiến cho người dân không khỏi bất an, lo lắng.

Đầu tiên phải kể đến là tình trạng ô nhiễm mà bãi rác thải gây ra đối với hơn 130 hộ dân với gần 600 nhân khẩu ở bản Noọng Dẻ. Do khu vực tập kết bãi rác chỉ cách trung tâm của bản này theo đường chim bay chưa đầy 1km nên mùi hôi thối phát ra từ quá trình phân hủy rác theo hướng gió bao trùm khu dân cư. Đặc biệt, bãi rác này xử lý rác bằng hình thức gom đốt, vì thế khói đốt rác ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Mùi khét lẹt của khói rác không chỉ khiến hàng trăm hộ dân bản bị ảnh hưởng, ô nhiễm mà còn khiến những người tham gia giao thông trên QL7 hết sức phiền lòng.

Cũng theo phản ánh thì ở bản Noọng Dẻ, ngoài hàng trăm hộ dân thì ở đây còn là điểm dừng chân của 3 điểm trường học với hàng trăm học sinh. Hàng ngày các em học sinh vẫn đang phải sống chung với ô nhiễm từ mùi hôi thối của rác thải phân hủy lẫn mùi khói khét lẹt từ khói đốt rác.

Chưa hết, việc bãi rác thải được quy hoạch sát QL7, lại nằm ở vị trí đồi núi cao và nằm trên thượng nguồn của sông suối nên khi trời mưa nước rỉ trong quá trình phân hủy rác theo nước mưa cứ thế ào ào chảy xuống phía các hẻm núi để hòa vào dòng sông Nậm Mộ xuôi xuống phía dưới. Vì thế, nước sông suối ở phía dưới bãi rác này “đón nhận” một lượng lớn nước rỉ rác khiến cho chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng, ô nhiễm.

Còn tại khối 1 thị trấn Quỳ Hợp, bãi rác tập trung trên địa bàn hiện cũng đang bị quá tải, không được xử lý khiến môi trường ô nhiễm. Từ nhiều năm qua, những đám cháy âm ỉ trong bãi ngày này qua ngày khác, khói độc hại bao trùm khu vực, mùi hôi thối nồng nặc cả ngày lẫn đêm, ruồi nhặng bám đầy nhà khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nỗ lực giải "bài toán" khó

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác thải sinh hoạt ở thị trấn Quỳ Hợp, gày 8/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1446/QĐ.UBND-CNXDvề việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình “Bãi xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và các xã vùng phụ cận huyện Quỳ Hợp” (tại địa bàn xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp).

Dự án gồm các ô chôn lấp rác, hệ thống thu gom và xử lý rác, hệ thống đường giao thông nội bộ và đường vào bãi rác; hệ thống thoát nước mưa; công trình phụ trợ... Tổng mức đầu tư 36,626 tỷ đồng.

 

racc-11.jpg
Bãi rác thải tập trung tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp thi công cơ bản đã hoàn thành và sắp đi vào hoạt động

 

Dự án do UBND huyện Quỳ Hợp làm chủ đầu tư. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% trong kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Qua nhiều lần phê duyệt, điều chỉnh, đến ngày 24/5/2019, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt điều chỉnh đầu tư dự án này, tổng mức đầu tư lên 44,35 tỉ đồng, thời gian hoàn thành trong năm 2019.

Đến thời điểm hiện tại (cuối tháng 4/2022), dự án bãi rác đang được tiến hành thi công những hạng mục như ô chôn lấp, hệ thống xử lý rác bằng hồ sinh học, tường rào, mương xung quanh, nhà điều hành cũng như đường, lò đốt rác…

Ông Trương Văn Nam – Giám đốc BQL các Dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳ Hợp, cho biết: Hiện nay, các hạng mục của dự án bãi rác tại xã Thọ Hợp đã hoàn thành. Hiện, chỉ còn chờ chọn đơn vị quản lý, vận hành là sẽ chính thức đi vào hoạt động. Khi đó, vấn đề ô nhiễm bãi rác thải lâu nay ở Quỳ Hợp sẽ cơ bản được giải quyết.

Ông Lẩu Bá Tểnh – Trưởng phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn, cho hay: “Bãi rác thị trấn Mường Xén được hình thành năm 2015 và hoạt động đến nay. Huyện cũng biết là đặt ở vị trí hiện tại là có một số bất cập nhưng do quỹ đất không có nên trước đây đành chọn vị trí nói trên. Hiện, bãi rác cũng đã quá tải nên vừa rồi huyện mới khảo sát và lập đề án bãi rác thải mới tại bản Bà, xã Hữu Kiệm với diện tích 2ha, cách xa khu dân cư khoảng 2km. Dự kiến, khi đề án được phê duyệt và xây dựng xong sẽ di dời bãi rác cũ xuống đây để giải quyết ô nhiễm”.

Ngoài các huyện Quỳ Hợp và Kỳ Sơn thì các huyện như Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông… cũng đang hết sức nỗ lực để tìm ra các phương án tối ưu xử lý rác thải sinh hoạt, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm qua.

Yên Bái: Tăng cường giải pháp quản lý, xử lý rác thải

Trong tình cảnh tương tự,  theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom. Tuy nhiên, chỉ có 110 tấn rác thải sinh hoạt của TP. Yên Bái và 20 tấn của thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) được xử lý triệt để tại Công ty CP Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái.

Như vậy, hơn một nửa số rác thải sinh hoạt của các huyện, thị còn lại trong tỉnh, trong đó chủ yếu là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp qua loa. 

Đáng chú ý, công nghệ và quy trình chôn lấp rác thải sinh hoạt tại các bãi rác còn rất sơ sài, đơn giản. Hiện các bãi chôn lấp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn là rất cao. Công tác vận hành và các hạng mục công trình tại các bãi chôn lấp chưa đầy đủ theo quy trình kỹ thuật.

 

raccc-3.jpg
Ở Yên Bái mới có 1 nhà máy xử lý rác thải

 

Một số bãi rác không còn khả năng chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc phải đóng cửa. Nhiều bãi rác của các huyện vùng cao, thực chất chỉ là nơi chứa rác thải, việc xử lý chưa được coi trọng. Nhận thức của người dân trong việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Ý thức về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất chưa cao, nhất là việc phân loại rác từ đầu nguồn chưa được thực hiện.

Để chán chỉnh tình trạng trên, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án đề ra là, từ nay đến năm 2025 phải xử lý ô nhiễm triệt để 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên toàn tỉnh, trong đó có các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Những nhiệm vụ, giải pháp chính của Đề án, là đầu tư mới các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung; nâng cấp, cải tạo các khu xử lý hiện tại và tiến tới đóng cửa các bãi chôn lấp tự phát và bãi rác chôn lấp không đủ tiêu chuẩn. Trong đó, tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư mới 13 - 18 lò đốt chất thải sinh hoạt để thay thế toàn bộ các bãi rác chôn lấp hiện tại, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về xử lý rác thải thải sinh hoạt của tỉnh tại khu vực đô thị và nông thôn.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi các lò đốt được đầu tư, tỉnh sẽ nâng cấp, cải tạo các bãi rác chôn lấp hiện có, đồng thời tính toán bù giá cước vận chuyển rác thải từ các địa phương khác, để tận dụng tối đa công suất xử lý rác sinh hoạt tại Công ty CP Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái. Theo thiết kế, nhà máy xử lý rác thải này có công suất xử lý tối đa 450 tấn rác thải/ngày đêm.

Bên cạnh các giải pháp trên, tỉnh Yên Bái đang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp liên quan đến các cơ chế, chính sách để giúp các hộ gia đình tại các khu vực chưa có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm vệ sinh môi trường. 

Cùng với đó, tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực này, cũng như xem xét, điều chỉnh mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo hướng tăng dần xã hội hóa.

Không chỉ riêng tỉnh Yên Bái, vấn đề rác thải sinh hoạt vùng Dân tộc thiểu số và miền núi ở các địa phương trên cả nước hiện nay, cũng đang đặt ra rất bức bách. Từ đó, cho thấy thời gian tới đòi hỏi chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết bảo đảm môi trường sống cho đồng bào dân tọc thiểu số.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top