Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 1 năm 2019 | 13:55

Xuân đang về ở làng quất Tàm Xá

Bao đời nay, vùng đất bãi Tàm Xá (Đông Anh - Hà Nội) được phù sa sông Hồng bồi đắp, người nông dân quen với việc trồng ngô, rau màu. Tuy nhiên, 10 năm gần đây, vùng đất này trở nên sôi động bởi ngô, đậu  được thay bằng cây quất.

Những ngày này, cả vùng bãi mênh mông nhuộm màu màu xanh của lá và màu vàng của những trái quất chín. Nhờ có nghề trồng quất, người dân Tàm Xá đã thực sự đổi đời. 

 

tr18.JPG
Quất cảnh ở Tàm Xá đã có khách đến mua từ đầu tháng Chạp.
 

Nằm ở vị trí bờ Bắc của phía bên kia sông Hồng, qua cầu Nhật Tân, đối diện với phường Nhật Tân, Phú Thượng của nội thành Hà Nội, xưa kia, Tàm Xá nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.

Qua nhiều biến cố cùng sự phát triển ngày càng mạnh của quá trình đô thị hóa, nghề truyền thống xưa, nay đã không còn. Thay vào đó là nghề trồng quất cảnh đã hình thành và phát triển, giúp cho cả một vùng nông thôn được thay da đổi thịt, đi đến đâu cũng nhà cao tầng mọc lên san sát, niềm hân hoan, đủ đầy của cuộc sống ấm no hiện lên trong đôi mắt mọi người…

Đổi đời nhờ... quất

Vào một buổi chiều ngày đầu năm 2019, tôi về Tàm Xá, để nghe những âm thanh của vùng đất bãi đang chuyển mình. Trên con đường bê tông chạy từ đê xuống bãi, hai bên đường bạt ngàn quất, quất sai trĩu trịt, quả màu vàng óng; những cây quất đủ thế, quất tứ quý đang rung rinh trước gió như vẫy chào mùa xuân đang đến thật gần.

Tôi ghé vào thăm vườn quất của gia đình anh Nguyễn Đình Hồng, ở thôn Đoài. Anh Hồng vui vẻ cho biết, Tàm Xá hiện nay có khoảng 300 gia đình trồng quất. Toàn bộ vùng đất bãi sông Hồng này trước đây chỉ chuyên canh tác rau màu và ngô thì nay chuyển hẳn sang trồng quất, thu nhập cao gấp mấy chục lần so với trước.

Rót chén nước trà mời khách, anh Hồng chia sẻ, khoảng 10 năm về trước, người nông dân xã Tàm Xá nói riêng và các xã khác của huyện Đông Anh nằm ở hai bên bờ của con sông Hồng nói chung vất vả lắm, ngoài một năm 2-3 vụ lúa, chỉ có thu nhập thêm bằng việc trồng ngô, rau màu và đi sang nội thành bán sức lao động nhưng chẳng được là bao.

Nhất là trong những tháng giáp hạt và những ngày cận Tết, nhu cầu cuộc sống thì cao nhưng thu nhập không được là bao. Sáng sớm đã phải ra đồng chăm bón cho ngô và các loại rau, củ để bán.

Nhiền lần, nhìn sang bên kia sông Hồng là vùng trồng đào, quất Tứ Liên nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, anh Hồng từng nghĩ tại sao cùng chung một con sông, cùng uống chung một dòng nước, được phù sa của con sông này bồi đắp qua hàng ngàn năm, bên kia thì nổi tiếng, bên này thì không?

“Trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi mạnh dạn đưa cây quất về trồng trên vùng đất bãi này, ban đầu còn vất vả vì chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc cho quất, thất bại cũng nhiều nhưng niềm vui cũng không phải là ít, bởi vùng đất này vẫn còn màu mỡ, chính vì vậy, cây quất ở đây phát triển nhanh, quả to không kém gì quất trồng trên đất Tứ Liên.

Dần dần, chúng tôi  rút ra được kinh nghiệm thông qua việc chăm sóc thực tế, học tập người trồng quất của vùng đất Tứ Liên, cây quất Tàm Xá giờ đẹp và nổi tiếng không thua gì Tứ Liên. Người dân Tàm Xá đã mỉm cười với những mùa quất bội thu”, anh Hồng nhớ lại một giai đoạn khó khăn đã qua.

Anh Hồng cho biết thêm, Hà Nội đang đô thị hóa, đất canh tác cho trồng đào và quất ở vùng đất Tứ Liên dần bị thu hẹp, cho nên bên đó không còn nhiều đất để trồng nữa. Quất bên vùng đất đó bây giờ được nâng cao giá trị bằng việc tạo dáng thế bon sai và được trồng trong những chiếc lọ, bình khá độc đáo và đẹp mắt, nhưng giá rất cao.

Còn ở Tàm Xá, đất rộng bạt ngàn, chất đất màu mỡ và nhu cầu của người dân vẫn thích chưng trong nhà cây quất vàng óng, sai trĩu quả, sum suê trong những ngày Tết đến Xuân về, cho nên quất trồng bên này vẫn được rất nhiều gia đình lựa chọn.

Gia đình anh Hồng từ khi chuyển sang trồng quất mỗi năm cũng thu về hàng trăm triệu đồng. Những người dân Tàm Xá cũng trở nên giàu có qua mỗi mùa quất.

Muốn nghe anh Hồng chia sẻ thêm niềm vui của mình trong những ngày chuẩn bị đón Tết, nhưng vẻ đẹp của vùng đất trồng quất mới Tàm Xá cứ kéo  tôi đi nên đành phải chia tay để thả mình vào những ruộng quất đang vào độ chín.

Đến ruộng quất của chị Nguyễn Thị Toan, thấy râm ran tiếng người nói, đi vào phía bên, tôi bắt gặp khá nhiều khách đến xem và đặt mua quất.

Thấy tôi chị Toan vui vẻ “chào nhà báo”, tôi hơi ngạc nhiên vì đã biết chị bao giờ đâu mà trông thấy mình đã biết ngay là nhà báo. Tôi hỏi: “Sao chị biết tôi là nhà báo mà chào?”. Chị cười rất tươi và nói: “Năm nào mà các anh, các chị nhà báo chả về vùng đất này để chụp ảnh, viết bài đăng báo, các anh chị ấy đeo túi giống như anh, thế này là chúng em biết ngay”. Rồi chị cười, nụ cười giòn tan của  người nông dân chất phác, nụ cười của những vất vả một nắng hai sương đang chờ ngày gặt hái.

 

tr18a.JPG
Bà Nguyễn Thị Toan bên luống quất.

 

Vừa dẫn tôi đi thăm vườn quất của gia đình, chị Toan vừa kể: “Nhà em có hơn 300 gốc quất ở ruộng này, em chuyển từ trồng ngô và hoa màu sang trồng quất được chục năm. Vất vả lắm, nhưng thành quả thu được từ quất cũng khá cao anh ạ.

Quất ở đây có thuận lợi là được trồng trên đất bãi màu mỡ, chưa bị thoái hóa nhiều nên cây phát triển, cho trái đẹp. Nhiều cây quất ở đây có tuổi 3 - 5 năm nên quả to, đều, đẹp”.

Đi cùng chị vào bên trong ruộng quất mà tôi cứ hoa cả mắt, bởi quất ở đây mỗi cây mỗi vẻ, không giống như quất bon sai, quất được để phát triển tự nhiên và chỉ tác động rất ít, nên rất nhiều cây sum suê, cây nào cũng đẹp. Nói đùa với chị Toan, tôi bảo: Đứng trong này, giữa một rừng quất, tôi biết chọn cây nào?

Cũng như chia sẻ của anh Hồng, chị Toan  vui vẻ nói: Quất đã giúp nông dân vùng đất bãi Tàm Xá  đổi đời. Nhiều gia đình kinh tế khá lên trông thấy, nhà em cũng tăng thu nhập đáng kể, mỗi vụ  thu lãi gần 600 triệu đồng.

Cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Vân, Chủ tịch UBND xã Tàm Xá, cho biết: Tàm Xá được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký Quyết định số 530/QĐ-UBND công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Tuy nhiên, để duy trì và giữ vững danh hiệu đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X thành các chương trình công tác trọng tâm, đưa ra nhiều nhóm giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.

Tàm Xá phát triển kinh tế nông nghiệp là chính nên việc đẩy mạnh quy hoạch các vùng sản xuất rau sạch, vùng hoa, cây cảnh luôn được xã chú trọng. UBND xã đã vận động bà con tự dồn điền đổi thửa cho nhau thành các ô thửa lớn để tập trung phát triển quy mô lớn. Để kích cầu, lãnh đạo xã đã xây dựng cụ thể kế hoạch đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng bãi ngoài sông.

Đến nay, toàn bộ đường đi lối lại ở khu bãi Già đã được bê tông hóa và đổ đá dăm. Ngoài ra, Đảng ủy xã đã chỉ đạo hỗ trợ lắp đặt công tơ điện, khoan giếng, hỗ trợ giá giống, hỗ trợ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mục đích tạo điều kiện tốt nhất để người dân thúc đẩy sản xuất, xen canh tăng vụ, tăng thu nhập.

Từ chủ trương, định hướng đúng đắn và tình đoàn kết trong nhân dân, đến nay, tổng diện tích đất gieo trồng đạt xấp xỉ 250ha với nhiều loại cây trồng đa dạng như quất cảnh, đào cảnh, rau màu và cây ăn quả các loại. Trong đó ngô xen thanh hao 104,28ha; rau màu các loại 25ha; cây ăn quả 51,8ha; quất, đào cảnh 24,13ha; cỏ sữa 12,79ha. Ước tính thu nhập từ ngô nếp đạt 166 triệu đồng/ha/năm; quất cảnh 2,2 tỷ đồng/ha/năm; đào cảnh 1 tỷ đồng/ha/năm; rau các loại 333 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả  khoảng 222 triệu đồng/ha/năm...

Theo lãnh đạo xã Tàm Xá, nghề trồng quất tốn nhiều công chăm sóc, nhất là việc chăm sóc bộ rễ của cây. Vì quất đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào bộ rễ của nó, nếu bộ rễ đẹp thì chơi được lâu, còn khi bị hỏng rễ, quất thường xấu mã và không bền. Và việc chăm sóc thường kéo dài suốt từ đầu năm, đến cuối năm mới cho thu hoạch. Đa số người trồng quất được tập huấn để nắm vững kỹ thuật, phòng tránh rủi ro.

Trong một buổi giao ban thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh, cho biết, quất Tứ Liên đã  dần dịch chuyển sang vùng đất mới Tàm Xá của Đông Anh.

Đến Tàm Xá bây giờ, không thể không ngạc nhiên khi ở một vùng quê mà đường làng ngõ xóm khang trang, điện đường thắp sáng từng ngõ ngách. Những tòa nhà hiện đại mọc lên. Nhiều gia đình có điều kiện mua sắm ô tô làm phương tiện kinh doanh hoặc đi lại.

Một mùa Xuân mới lại đang về, trên những cây quất cảnh ở Tàm Xá, cùng với quả chín màu vàng óng, quả xanh, hoa trắng là những cành lộc xanh non mơn mởn đang vươn lên giữa đất trời, như chính sự vươn lên của  nông dân vùng đất bãi  này tới cuộc sống mới - cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top