Áp Tết, chúng tôi rời TP Lào Cai náo nhiệt, ngược tỉnh lộ biên giới 156 lên Lũng Pô - nơi con sông Hồng chính thức chảy vào đất nước Việt Nam, ở đó, những chiến sĩ biên phòng và đồng bào dân tộc Mông, Dao đang đón chào một mùa xuân mới.
Trong sương trắng mờ mịt và gió lạnh từ khe núi thổi ràn rạt, cột mốc 192 uy nghiêm hiện ra, vững chãi ngay bờ sông Hồng, chính ở điểm giao nhau của dòng suối Lũng Pô trong xanh với sông Hồng ngầu đỏ phù sa. Lũng Pô, thuộc xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai) - chính là nơi con sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ nước ta. Từ Lũng Pô, con sông Mẹ vươn mình qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thủ đô Hà Nội, rồi đổ ra biển ở cửa Ba Lạt, tỉnh lúa Thái Bình.
Đến Lũng Pô mới thấy vẻ đẹp của núi non, sông suối miền biên viễn. Có lẽ, cũng từ cảm hứng tự hào về con sông Mẹ vĩ đại và cuộc chiến đấu, lao động hào hùng để trường tồn của dân tộc Việt mà nhà thơ Dương Soái - một người con của đất Hoàng Liên Sơn anh hùng và nhạc sĩ tài hoa Thuận Yến đã làm nên bài hát đi cùng năm tháng “Gửi em ở cuối sông Hồng”…
“Anh ở biên cương/Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt…” - âm hưởng hào hùng, da diết ấy cứ theo chúng tôi suốt chặng đường lên địa đầu biên giới, và như ngưng tụ, hiển hiện rõ ràng khi một người lính biên phòng ở Trạm biên phòng Lũng Pô bất ngờ cất tiếng hát ngay bên cột mốc biên giới, mang con số 192 sơn màu đỏ thắm…
Ở Lũng Pô vẫn rất lạnh. Đồn trưởng Đồn biên phòng A Mú Sung, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, quê Vĩnh Phúc, đã nhiều năm gắn bó với địa danh này, tự nguyện ở lại vui Tết với bà con bản Lũng Pô 2. Lý do thật giản dị, năm nay Lũng Pô có nhiều niềm vui, mà vui nhất là cả thôn chỉ còn một hộ nghèo. “Tuy không về nhà ăn Tết nhưng mình vui lắm, mừng cho bà con có một cái Tết đủ đầy, đầm ấm” - anh Sơn chia sẻ.
Đồng bào Lũng Pô thu hoạch chuối xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lũng Pô 2 là thôn mới lập theo chương trình định canh định cư ở biên giới của tỉnh Lào Cai. Những ngày đầu lập thôn thật muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Hơn 20 hộ đồng bào dân tộc Mông từ huyện Mường Khương tự nguyện theo lời cán bộ, bộ đội biên phòng và già làng Ma Seo Páo đã tháo dỡ nhà cửa, gói ghém đồ đạc "hạ sơn" đến Lũng Pô lập nghiệp. Đất đai khá màu mỡ, nguồn nước suối Lũng Pô dồi dào, được chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng Đồn A Mú Sung mà trực tiếp là Trạm biên phòng Lũng Pô giúp đỡ, bà con người Mông tích cực khai hoang, phát triển kinh tế. Xóa bỏ tập quán phá rừng trồng ngô, sắn làm lương thực, bà con trồng chuối xuất khẩu và đưa cây cam VH2 lên đồi làm nguồn thu lâu dài, hiệu quả kinh tế cao. Chuối nhân giống từ cấy mô, còn cam lấy giống từ Viện Di truyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm chất lượng và khả năng sinh trưởng tốt.
Sát Tết rồi nhưng gia đình ông Lù Seo Nhà, một trong những triệu phú ở Lũng Pô vẫn miệt mài thu hoạch chuối, sơ chế, đóng hộp để xếp lên ô-tô, kịp cho chuyến hàng bán cho thương lái Trung Quốc. Năm nay, chuối bán được giá hơn 6.000 đồng/kg, với hơn một nghìn gốc chuối, vị chi gia đình ông thu được khoảng 200 triệu đồng. Ông nói: “Tết này, mình sẽ mổ con lợn thật to để con, cháu vui vầy và cảm ơn bộ đội biên phòng đã giúp bà con Lũng Pô có cuộc sống no ấm, đủ đầy”.
Tết này, bà con người Mông ở Lũng Pô được mùa, nhà nào cũng có tiền thu từ bán chuối xuất khẩu, nhà nhiều thì hàng trăm triệu, nhà ít thì vài chục triệu đồng. Có tiền, bà con chung nhau mổ lợn to, sắm Tết và chi tiêu khấm khá. Điện, đường, trường, trạm có đủ, lại thêm hàng chục căn nhà người Mông được xây kiên cố khiến bộ mặt thôn mới định cư bừng sáng.
Bí thư chi bộ thôn Ma Seo Lằng cho biết, thôn có 34 hộ người Mông và Dao thì chỉ còn một hộ nghèo, do hoàn cảnh éo le; chi bộ và bà con trong thôn đã có kế hoạch sang năm 2018 hỗ trợ, giúp đỡ sản xuất để hộ này thoát nghèo.
Cột cờ chủ quyền Lũng Pô, điểm nhấn thu hút du khách đến cột mốc 192 - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Tết này, bà con nơi địa đầu biên giới vui hơn vì Cột cờ Lũng Pô vừa được khánh thành. Cột cờ cao 31,43m, tượng trưng độ cao của đỉnh núi Phan Si Păng (3.143m), treo lá cờ Tổ quốc rộng 25m2, tượng trưng cho 25 dân tộc của tỉnh Lào Cai. Đây là công trình chào mừng do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai kêu gọi tuổi trẻ cả nước chung tay xây dựng.
Ngước nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ rực, tung bay trong sương trắng, gió ngàn, càng thấy tự hào và yêu quý đất nước mình. Cột cờ Lũng Pô như một điểm nhấn thu hút du khách bốn phương đến cột mốc 192 - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, kéo gần thêm những tấm lòng đồng chí, đồng bào.
Quốc Hồng
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.