Thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ (Ứng Hòa - Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm nhạc cụ truyền thống với lịch sử khoảng 300 năm. Vậy nhưng đã có lúc nghề làm đàn nơi đây tưởng như thất truyền.
Tuy nhiên, với sự kiên trì, đam mê và nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Đào Văn Soạn mà nghề làm nhạc cụ truyền thống của gia đình cũng như của xóm làng được gìn giữ, phục hồi. Ông được ví như “báu vật sống” giữa nhịp sống tấp nập thời hiện đại.
Suốt hơn 50 năm qua, ông Soạn có công gìn giữ và phát triển nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống.
Nghệ nhân đa tài
Trong cái se lạnh của tiết trời đầu đông, chúng tôi vượt quãng đường dài về thôn Đào Xá tìm gặp gia đình nghệ nhân Đào Văn Soạn có 5 đời theo nghề làm nhạc cụ dân tộc. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là hình ảnh một nghệ nhân đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn còn minh mẫn, dẻo dai, bước đi nhanh nhẹn, thoăn thoắt tay đục, tay đẽo chạm khắc từng đường nét tinh xảo trên những chiếc đàn.
Vừa pha ấm nước và đon đả mời khách, ông Soạn vừa trầm ngâm nhớ lại thăng trầm của nghề làm nhạc cụ dân tộc. Ông Soạn cho biết, nghề làm nhạc cụ trước đây rất phát triển, đa phần các hộ trong làng đều theo nghề. Tuy nhiên, từ sau năm 1975, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn nên nghề làm nhạc cụ ở thôn Đào Xá cũng theo đó mà suy tàn, người ta dần quên đi những nhạc cụ đã gắn liền với môn nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ làm ra không tiêu thụ được. Những nghệ nhân làm nhạc cụ trong làng bỏ đi làm nghề thợ xây, thợ mộc để mưu sinh, lo toan cho miếng cơm manh áo. Phải tới những năm 1990, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của Đảng, Nhà nước, nghề làm nhạc cụ ở Đào Xá mới dần có bước chuyển mình.
Là đời thứ 4 trong gia đình có truyền thống 300 năm làm nghề nhạc cụ dân tộc khiến ông Soạn luôn trăn trở, đau đáu khôn nguôi trước việc nghề truyền thống của ông cha ngày càng mai một. Từ năm 1973, ông Soạn bắt đầu được cha dạy nghề. Sau hơn 3 năm thì cha mất, từ ngày đó ông mày mò tự học, tự đục, đẽo, căng dây làm đàn.
Theo lời ông Soạn, để tạo ra được một cây đàn như ý, đàn tốt không đơn giản, mỗi loại đàn khác nhau lại có những yêu cầu khác nhau, phải trải qua rất nhiều công đoạn cùng với sự tỉ mẩn, tài hoa của bàn tay người thợ. Nghề nào cũng có khó khăn của nó, với nghề làm đàn cũng vậy: từ khâu chọn gỗ nào, đục bào đến căng dây, căng mặt đàn, trang trí đều đòi hỏi người làm cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì, có óc sáng tạo và đặc biệt là có tài thẩm âm tốt.
Theo nghệ nhân Đào Văn Soạn, khâu quan trọng nhất trong việc làm đàn là chọn chất liệu gỗ. Nguyên vật liệu chủ yếu để làm đàn là gỗ trắc và gỗ vông. Muốn sản xuất được cây đàn chuẩn, đàn tốt thì khi mua gỗ phải lựa chọn kỹ lưỡng không bị sâu mọt, không quá non và khi mua gỗ về phải phơi khô kiệt. Thông thường, sau khi gỗ được chọn về phải để 2-3 năm sau mới sản xuất chứ không làm đàn ngay. Sau công đoạn chọn gỗ là pha gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp ghép, bịt da trăn, đánh bóng, khảm trai và hoàn thiện. Tất cả các khâu phải làm hoàn toàn bằng thủ công.
“Làm nghề này đòi hỏi người thợ phải kiên trì, chịu khó,có óc sáng tạo. Vì thế, ai không kiên nhẫn, cẩn thận thì không theo được nghề. Còn để có được sản phẩm đạt yêu cầu, chất lượng, kỹ - mỹ thuật thì âm thanh phải chuẩn, nhất thanh nhì sắc, thanh phải đứng hàng đầu, sắc là hình dáng, kiểu cách phải đẹp. Khi vào khuôn của cây đàn muốn cho đạt yêu cầu về âm thanh thì vào khuôn phải sát, chắc. Thùng đàn có chắc thì tiếng đàn mới hay được”, nghệ nhân Đào Văn Soạn chia sẻ.
Dụng cụ để chế tác nhạc cụ bao gồm: dùi đục, cưa, máy bào, máy cắt, máy mài... Trung bình cứ 3 - 4 ngày thì cho ra một sản phẩm đàn hoàn chỉnh.
Thành quả từ sự đam mê
Nghệ nhân Đào Văn Soạn làm được nhiều loại đàn như: đàn bầu, tỳ bà, đàn nguyệt, đàn tranh, tam thập lục, đàn đáy.... Nhưng ít ai ngờ rằng, ông Soạn không biết một chút kiến thức nào về nhạc lý nhưng ông lại được trời phú cho đôi tai thẩm âm tuyệt vời. Vì thế mà âm sắc từ những cây đàn do gia đình ông Soạn làm ra rất chuẩn xác, đáp ứng nhu cầu rất cao của những nghệ sĩ cũng như khách hàng khi sử dụng. Từ những mảnh gỗ bình thường, xấu xí, qua bàn tay của người nghệ nhân, chúng đã trở thành những cây đàn đẹp đẽ để rồi cho ra đời những âm thanh tuyệt mỹ.
Ánh mắt tinh anh, bàn tay nhanh nhẹn, ông Soạn rất tự hào khi con trai cả của ông là anh Đào Anh Tuấn (sinh năm 1968) là truyền nhân đời thứ 5 trong gia đình. Bên cạnh đó, ông còn đứng ra mở lớp học truyền dạy cách làm nhạc cụ truyền thống miễn phí cho những người dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên địa phương với mong muốn phục hưng làng nghề truyền thống. Ông cho biết, muốn học được nghề này phải mất ít nhất 2-3 năm thì mới có thể làm được. Hiện, gia đình nghệ nhân Đào Văn Soạn đang tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động địa phương với mức lương ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm nhạc cụ truyền thống của gia đình nghệ nhân Đào Văn Soạn đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ....
Anh Đào Anh Tuấn, con trai cả của ông Soạn cho biết: “Trước đây, một thời gian tôi đi làm công nhân ở các công ty nhà máy. Sau những lần về quê thăm gia đình, bố mẹ tôi động viên về nối nghiệp. Mới đầu tôi cũng không muốn nhưng làm lâu dần thành quen và đam mê lúc nào không hay. Bây giờ tôi đã là đời thứ 5 trong gia đình theo nghề làm nhạc cụ dân tộc”.
Với những đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy nghề làm nhạc cụ truyền thống, ông Đào Văn Soạn đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong việc giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống; được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Nhưng với ông, niềm vui lớn nhất là đã gìn giữ được nghề truyền thống của gia đình suốt 5 thế hệ và mở lớp miễn phí dạy cách làm nhạc cụ dân tộc cho người dân địa phương; nhiều người đã thành công từ lớp học miễn phí của ông.
Trần Toản
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.