Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 3 năm 2017 | 8:5

“Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ - Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?”

Kết thúc cuộc đối thoại với các đại biểu phụ nữ toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại câu thơ: “Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ - Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?” và khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe các nguyện vọng, tạo điều kiện cho phụ nữ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Ảnh VGP/Quang Hiếu

Cuộc đối thoại diễn ra trong khuôn khổ Chương trình "Tự hào Phụ nữ Việt Nam và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016" được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 107 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1977 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại, giao lưu với đại biểu phụ nữ về các vấn đề xã hội liên quan tới phụ nữ, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế…

BTV: Tới dự Chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam, chắc có lẽ tất cả hội trường của chúng ta đều muốn hỏi Thủ tướng theo dõi Chương trình từ đầu đến giờ thì thấy có gì ấn tượng nhất?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:Trước hết, thay mặt Chính phủ, tôi rất vui mừng đến dự lễ tôn vinh “Tự hào phụ nữ Việt Nam” hôm nay. Ngày mai, chúng ta có ngày lễ quan trọng là Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và đặc biệt Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã khai mạc hôm nay hết sức thành công. 

Tôi xin trân trọng chúc mừng hai sự kiện quan trọng này và đặc biệt chúc mừng 100 phụ nữ tiêu biểu hôm nay và tập thể, cá nhân chị Phụng đạt giải Kovalevskaia lần này. 

Đó là ấn tượng hết sức mạnh mẽ trước những gương mặt hết sức tài năng, trí tuệ có mặt hôm nay.

Là người đầu tiên tham gia đối thoại, chị Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, một trong 100 phụ nữ tiêu biểu được vinh danh, “xin có một đề nghị với Thủ tướng mà không có câu hỏi gì”: Phụ nữ thì thực sự giỏi việc bếp núc hơn là kỹ thuật xây dựng. Nhưng mà hiện nay bản thân tập đoàn chúng tôi hiện nay có nhiều công trình xây dựng. Đấy là mảng rất yếu của chị em phụ nữ. Xin đề nghị với Thủ tướng là các cơ quan liên quan đến lĩnh vực xây dựng như Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng có thể có bộ phận tư vấn để các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt doanh nghiệp nữ nói riêng biết được các quy trình về xin cấp phép, thẩm định… để làm thế nào rút ngắn thời gian chuẩn bị, làm thế nào để kết hợp với các nhà tư vấn quốc tế có thể xây dựng công trình mà cả trăm năm sau đất nước tự hào là có công trình do phụ nữ xây dựng?

Chị Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hộiTrong số 17 mục tiêu toàn cầu hướng tới sự phát triển bền vững năm 2030 (SDG) thì có một mục tiêu về bình đẳng giới. Mặc dù bình đẳng giới ở Việt Nam đạt nhiều kết quả nhưng mục tiêu còn rất xa, rất dài. Trong giai đoạn này, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, Chính phủ sẽ có những giải pháp đột phá nào để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và góp phần thực hiện lộ trình để phát triển bền vững đến 2030?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cảm ơn câu hỏi của hai chị. Trước hết, câu hỏi về xây dựng, tôi nghĩ rằng không phải phụ nữ chỉ giỏi bếp núc mà có nhiều phụ nữ rất giỏi về khoa học công nghệ, trong đó giỏi cả về lĩnh vực kinh doanh và kỹ thuật xây dựng.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, các cơ quan có chức năng sẵn sàng cung cấp, tư vấn, sẵn sàng ký hợp đồng trực tiếp với các nhà đầu tư để đưa ra các đồ án quy hoạch kiến trúc thiết kế cụ thể để phục vụ các nhà  đầu tư tốt nhất, nhanh nhất. Chính vì thế, chị Nga có thể gặp bất cứ cơ quan nào về tư vấn có tư cách pháp nhân đầy đủ để thực hiện thủ tục xây dựng cơ bản nhanh nhất, thuận lợi nhất. Chính phủ khẳng định công khai, minh bạch vấn đề này để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.

Về câu hỏi của chị Hoa, đây là mục tiêu số 5 trong 17 mục tiêu phát biểu bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, phải xây dựng chương trình hành động quốc gia. Phải triển khai Luật Bình đẳng giới, hiện đã triển khai được 10 năm, cần tổng kết để bổ sung những vấn đề đặt ra trong thời kỳ mới. Cần có chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. 

Chúng tôi đã giao cho đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng chiến lược này. Đồng thời cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta; bố trí nguồn lực và lồng ghép tốt các chương trình để thực hiện mục tiêu này tốt nhất; tăng cường kiểm tra, đánh giá; tiếp tục quán triệt, giáo dục, tuyên truyền tốt hơn để mọi cấp, mọi ngành hiểu được những nội dung căn bản của bình đẳng giới.

Tôi cho rằng thực hiện tốt những nội dung này chúng ta sẽ đạt được mục tiêu về bình đẳng giới.

BTV: Chúng tôi có nhận được câu hỏi là tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ đang giảm dần, hiện còn khoảng 13%. Vậy chúng ta có chính sách gì cho các doanh nhân nữ làm chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ đang hoàn thiện để trình Quốc hội ngay kỳ họp sắp tới thông qua luật về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chú trọng vấn đề chủ doanh nghiệp là nữ giới. Trong thực tiễn, ở Việt Nam chúng ta, năm 2016, chúng ta đã phát triển được 110.000 doanh nghiệp, trong đó số lượng DN có nữ là chủ DN ngày càng tăng. Đúng như chị nêu, tỷ lệ đó còn nhỏ hơn so với nam giới. 

Chúng tôi đã có chương trình hỗ trợ cho phụ nữ. Vừa rồi chúng tôi có làm việc với chị Thu Hà (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là có một chương trình của Chính phủ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đặc biệt đối với phụ nữ. Chương trình đó đi liền với chương trình khởi nghiệp của Việt Nam và hỗ trợ các biện pháp cụ thể để phát triển DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. 

Chúng tôi mong muốn rằng chị em phụ nữ sẽ học tập, nghiên cứu qua các lớp, các trường và đặc biệt là tự học. Phụ nữ cũng cần tập trung giới thiệu chương trình khởi nghiệp này để DN nhỏ và vừa của phụ nữ có số lượng nhiều hơn trong thời gian tới. Chúng tôi phấn đấu, đến năm 2020 có 35% DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp là của phụ nữ.

Chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp trực thuộc Thành Đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP.HCM, Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM: Thủ tướng có nói sẽ có một số chính sách ưu tiên dành cho nữ sáng lập các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vậy các chính sách cụ thể sẽ là gì, thưa Thủ tướng? Nếu các chính sách đó vẫn chưa cụ thể, thì liệu rằng Thủ tướng có ủng hộ nếu cộng đồng khởi nghiệp cùng nhau đưa ra các hiến kế đối với Chính phủ để có thể hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam? Thủ tướng có ủng hộ những chính sách này hay không? Chương trình nào Thủ tướng thấy tâm đắc nhất để tăng cường vai trò của nữ giới tại các doanh nghiệp?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vấn đề khởi nghiệp là vấn đề rất nóng bỏng hiện nay trong thời điểm chúng ta kêu gọi phát triển 1 triệu DN ở Việt Nam. Xin nói lại là mục tiêu chúng tôi đưa ra trong 1 triệu DN của VN thì có ít nhất 35% DN có chủ là nữ giới. Tôi xin nói rõ hơn, đến giờ phút này, theo chị Thu Hà, là có đến 25% DN chứ không phải 13%, vậy chúng ta chỉ cần phấn đấu thêm 10% nữa. 

Chúng tôi đã lắng nghe Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về đề án chương trình khởi nghiệp của nữ giới. Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp duyệt chương trình hỗ trợ cho DN có chủ là nữ giới trong thời gian đến, trong đó có đặt vấn đề về vốn như thế nào, về đào tạo nguồn nhân lực như thế nào, bồi dưỡng kiến thức như thế nào. 

Trước khi lên sân khấu này, chị Nguyễn Thị Doan với tư cách là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam có nói mà tôi thấy ấn tượng là chính chị em chúng ta sẽ tiếp tục rèn luyện, học tập, nghiên cứu mà đặc biệt tự học, “học tập suốt đời” để chúng ta tiếp tục khởi nghiệp, hiểu biết các lĩnh vực khác nhau. 

Tôi nghĩ những chị em có mặt hôm nay không phải từ đầu đã giỏi như thế mà do học tập, nghiên cứu, rèn luyện, bản lĩnh, quyết tâm, tự tin. Tôi nghĩ rằng sự phấn đấu của chúng ta, kết hợp với nghiên cứu về kinh tế thị trường định hướng XHCN và điều kiện cụ thể của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, nhất định chúng ta khởi nghiệp thành công.

Tại cuộc đối thoại, Ban tổ chức đã phát video clip ghi lại các ý kiến bên thềm Đại hội phụ nữ toàn quốc gửi đến Thủ tướng khi biết Thủ tướng có cuộc giao lưu với đại biểu phụ nữ toàn quốc. Các ý kiến đề cập đến các vấn đề về: hỗ trợ chị em phụ nữ làm kinh tế, không để chị em phải đi làm xa, bỏ chồng bỏ con; tạo điều kiện cho chị em phấn đấu, khẳng định mình; mong Thủ tướng quan tâm hơn nữa về chế độ tiền công, tiền ăn của vận động viên hiện nay, trong đó có vận động viên bắn súng;nâng tỷ lệ phụ nữ trong bộ máy chính quyền…

Về các ý kiến này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: Chúng tôi đồng ý rằng tỷ lệ phụ nữ trong bộ máy chính quyền nói chung là thấp. Chúng ta cần phấn đấu và coi đó là tiêu chí quan trọng để bình đẳng giới ở Việt Nam, nâng tỷ lệ lên trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi tiếp thu ý kiến này.

Về vấn đề bạo lực gia đình, đây là vấn đề rất lớn mà chúng ta cần quan tâm. Chúng ta phải giáo dục mọi thành viên xã hội sớm chấm dứt, hạn chế tối đa tình trạng bạo lực gia đình. Bên cạnh đó phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhưng trước khi chúng ta nói đến việc xử lý nghiêm người đàn ông hay người khác có hành vi bạo lực gia đình thì chúng ta cũng nói là phụ nữ dịu dàng, vị tha, thuyết phục để nam giới hiểu được rằng phụ nữ chúng ta rất tuyệt vời.

Tôi rất ấn tượng về ý kiến nói rằng “làm sao đừng để xa nhà, khó khăn” mà người ta hay nói là “ly nông bất ly hương”. Vì vậy, việc phát triển doanh nghiệp ở nông thôn, hợp tác xã dịch vụ và các mô hình khác để có nhiều công ăn việc làm để chị em không phải xa gia đình là một mục tiêu mà chúng tôi đang đặt ra, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

Về ý kiến liên quan đến chế độ cho vận động viên bắn súng thì một lần tôi có nói với anh Vinh (VĐV Hoàng Xuân Vinh) và chị Nhung (Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Bộ môn bắn súng) rằng là cần chấm dứt tình trạng bắn súng mà không có đạn, tạo điều kiện cho VĐV về việc luyện tập, chính sách bồi dưỡng, làm việc lâu dài cho VĐV chuyên ngành mà ở lứa tuổi đó họ không thể tham gia thi đấu được.

Tất cả những vấn đề như vậy chúng tôi xin lắng nghe và tiếp thu để từ những phản biện chính sách này, đặc biệt thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chúng ta hình thành nên những chính sách mới tạo điều kiện cho chị em phụ nữ đóng góp xây dựng xã hội văn minh, bình đẳng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam:Công cuộc bình đẳng giới thời gian qua đạt nhiều thành tựu nhưng đối mặt không ít khó khăn, thách thức, rất cần sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành, toàn xã hội. Ở diễn đàn này, thay mặt chị em phụ nữ mong Thủ tướng sẽ phất ngọn cờ đầu trong lĩnh vực bình đẳng giới trong Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để tạo chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi nhớ có nhà thơ nói rằng: Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ. Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu? Chúng tôi tiếp thu nguyện vọng của đồng chí Thu Hà để có một chương trình hành động cụ thể hơn, nhất là chương trình phát triển bền vững. Chính phủ một lần nữa cam kết rằng sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để lắng nghe các chính sách, các nguyện vọng để cùng đưa ra các mô hình, những cách làm, nguồn lực, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, tạo điều kiện cho phụ nữ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top