Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 9 năm 2017 | 12:53

“Giảng viên giỏi đồng thời phải là nhà tư vấn tốt”

Ngày 5/9, tại Hà Nội, trước khi dự Lễ khai giảng năm học 2017-2018 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Học viện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Học viện đạt được với những cải cách, đổi mới thiết thực hơn, chất lượng nâng lên một bước. Học viện đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng đường lối, chính sách, thể chế pháp luật và quản lý điều hành đất nước.

Tuy nhiên, Học viện còn một số tồn tại như chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của trường Đảng Trung ương. Việc thực hiện chức năng định hướng về mặt chuyên môn cho hệ thống trường Đảng các địa phương còn một số vấn đề cần chú ý hơn. Có nội dung, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn kinh tế-xã hội của đất nước và tình hình thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng.

Nêu các định hướng lớn đối với Học viện, Thủ tướng cho rằng Học viện cần có tầm nhìn mới trong phát triển, cần đặt mục tiêu vươn ra khu vực và thế giới với sứ mệnh quan trọng là góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và đào tạo ra những nhà chính trị tương lai cho đất nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0.

Cần đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thông qua đổi mới được động lực của từng giảng viên, từng đơn vị và mở rộng hợp tác quốc tế để cập nhật kiến thức, kỹ năng của thế giới. Để làm được điều đó, cần 2 việc là có hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu và cải thiện thu nhập, bổ nhiệm dựa trên kết quả làm việc, giảng dạy, nghiên cứu.

Cần xây dựng đối tác chiến lược với các trường tốt trên thế giới để trao đổi học thuật, xây dựng và hoàn thiện chương trình học tập, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên của Học viện.

Phải tiếp tục thu hút nhân tài. Giao thêm quyền tự chủ và hiện đại hóa cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Cần thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn, có những nghiên cứu khoa học khách quan, những phản biện sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn để đóng góp vào kho tàng tư tưởng của Việt Nam.

Học viện và các phân viện cần tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Chính trị đã thông qua dự thảo Nghị định về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Học viện và các cơ quan khẩn trương hoàn thiện để Thủ tướng ký sớm Nghị định này (thực hiện đúng tinh thần của Trung ương về tinh giản cán bộ, thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương).

Với vị trí vừa là cơ quan của Đảng, vừa là một trong 8 cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện cần chủ động tăng cường cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học để hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo sát thực tiễn, đồng thời hỗ trợ vận hành thông suốt, hiệu quả hệ thống 72 trường chính trị.

“Sắp tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có cơ chế để đặt hàng đối với Học viện về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; trong tư vấn, phản biện chính sách”, Thủ tướng cho biết và bày tỏ mong muốn Học viện chủ động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những giải pháp, kế sách góp phần phát triển đất nước. “Một vấn đề đặt ra là nhà khoa học giỏi, giảng viên giỏi đồng thời phải là nhà tư vấn tốt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Cá nhân Thủ tướng luôn lắng nghe các ý kiến của Học viện. Các đồng chí nếu có sáng kiến, kế sách gì xây dựng đất nước thì có thể thông qua Học viện hoặc gửi trực tiếp cho Thủ tướng. Thủ tướng cầu thị, trân trọng ý kiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm các đồng chí”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện cũng như các trường Đảng trong cả nước hoạt động hiệu quả hơn.

D.T

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top