63 năm qua, vượt qua nhiều thách thức, Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc, là thành phố Hòa Bình. Tuy nhiên, để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị, thành phố cần phải phấn đấu rất nhiều.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định: “Hà Nội phải là nơi điển hình thu hút người tài, người giàu, người dân có văn hóa, có nghề nghiệp. Mọi người đều bình đẳng và có cơ hội phát triển tại Hà Nội, nói cách khác là thành phố đáng sống”.
Một góc Hà Nội sau 63 năm Ngày giải phóng.
Hướng tới thành phố thông minh
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết, 9 tháng năm 2017, thu ngân sách nhà nước của thành phố đạt 146,4 nghìn tỉ đồng, bằng 71,5% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 125 dự án ngoài ngân sách trong nước với tổng mức đầu tư khoảng 84.000 tỷ đồng, thu hút 398 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,16 tỉ USD...
Thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 48 dự án với tổng số vốn 74.000 tỉ đồng; đang triển khai giải phóng mặt bằng 172 dự án với tổng diện tích 7.091ha.
Ông Chung khẳng định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô được chăm lo thường xuyên. Trong lĩnh vực giáo dục, Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng trong kỳ thi học sinh giỏi THPT các môn văn hoá cấp quốc gia. Dự kiến năm 2017, thành phố tăng thêm 100 trường công lập đạt chuẩn...
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng nêu những tồn tại hạn chế. Đó là: Sản xuất kinh doanh còn không ít khó khăn do việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép còn xảy ra; tình trạng ùn tắc giao thông còn xảy ra, nhất là giờ cao điểm; còn có một số sai phạm trong quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai; công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường chưa thực sự chủ động...
Hơn 20 kiến nghị tới Thủ tướng
Với những hạn chế nêu trên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã đề xuất hơn 20 kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ nhằm thay đổi Hà Nội trong tương lai.
Về việc ủy quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách thành phố: Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 17 - Luật Đầu tư công theo hướng “Đối với thành phố Hà Nội, giao HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố”.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn để hình thành các khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.
Về thực hiện cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước do thành phố Hà Nội quản lý: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép thành phố Hà Nội được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.
Phân cấp cho Hà Nội được linh hoạt trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của thành phố. Được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được sử dụng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp để thực hiện đối với chợ không có điều kiện kêu gọi xã hội hóa; thống nhất quản lý nhà nước về nước sạch về một đầu mối là Sở Xây dựng; chấp thuận bổ sung các dự án xử lý rác phát điện tại các địa điểm: Sóc Sơn, Tả Thanh Oai - Thanh Trì, Đồng Ké - Chương Mỹ và Xuân Sơn, Sơn Tây - Ba Vì.
Về phát triển du lịch, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 - Sân bay Quốc tế Nội Bài và xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm. Tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm giao cho cấp huyện quản lý Thanh tra xây dựng cùng cấp để phát huy hiệu quả; cho phép thành phố Hà Nội được thực hiện phân cấp quản lý y tế cơ sở về cho cấp huyện quản lý; cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, không thông qua đấu thầu, đấu giá...; cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội; cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số gói thầu tư vấn và dự án đặc thù;…
Sẽ có cơ chế vượt trội cho Hà Nội
Trước các thách thức mà Hà Nội đang phải đối mặt, Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển đối với Hà Nội là “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tinh thần là có cơ chế vượt trội cho Hà Nội. Trung ương giữ cân đối chung, cái gì Hà Nội làm được, làm tốt thì để Hà Nội làm. Đối với các vấn đề vượt luật thì cái gì cần sửa luật thì tổng hợp, trình Quốc hội xem xét chỉnh sửa, cái gì thấy cần thiết để tạo điều kiện cho Hà Nội thì để Hà Nội làm thí điểm trên cơ sở có đề án cụ thể”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều thách thức, khó khăn của Hà Nội như: Thách thức quản lý siêu đô thị khi là Thủ đô có diện tích đứng thứ 17 trên thế giới, dân số cao. Hà Nội cũng gặp thách thức về chuyển đổi hiệu quả mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Hà Nội phải mở rộng hợp tác liên kết mạnh với các địa phương lân cận, tận dụng lợi thế theo hướng lấy cụm ngành làm trung tâm, xóa bỏ sự manh mún, dàn trải. Hà Nội cần chọn lọc và tập trung dần để hình thành một hệ sinh thái, một cộng đồng khoa học công nghệ có thể tương tác, chia sẻ, dùng chung các tiện ích hạ tầng; làm tốt việc hợp tác đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng trong giới khoa học.
Đặc biệt, thành phố phải tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất. tham nhũng tiêu cực cũng từ đây. Nếu Hà Nội làm được điều này, sẽ là bước chuyển mình lớn, làm tăng uy tín, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cũng như ý thức sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển của thành phố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giá trị cốt lõi mà Thủ đô Hà Nội hướng tới phải là: Đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, xây dựng con người văn minh, xã hội gắn kết rộng mở.
Người dân mong gì?
“Thực trạng nhìn rõ nhất mà ai cũng nhận thấy của Thủ đô là tình trạng giao thông. Nó thật khủng khiếp trong những giờ tan tầm. Thậm chí, không phải giờ tan tầm cũng ùn tắc. Tôi đi từ phố Trung Hòa lên Triệu Việt Vương lúc 10 giờ, 11 giờ 30 mới đến nơi, mất hơn 1 giờ 30 cho quãng đường tầm 7km, ai cũng mất quá nhiều thời gian để di chuyển. Tôi rất mong lãnh đạo thành phố có những giải pháp hiệu quả và quyết liệt hơn để chấm dứt tình trạng này”, chị Nguyễn Thị Hường (KĐT Trung Hòa, Nhân Chính) bức xúc khi được hỏi về thực trạng của Thủ đô.
Còn theo anh Đỗ Tuấn (Chung cư Hòa Bình, Hai Bà Trưng): “Không hiểu kế hoạch kiến thiết Thủ đô thế nào mà đường sá như trên vùng cao. Nay đập, mai đào, hết ngành điện lực đến giao thông công chính thay nhau đào đường phố, vỉa hè. Con đường Lò Đúc tôi đi hàng ngày, vừa cải tạo đường được khoảng 2 năm, nay đã nát bét. Tôi thực sự không biết đến bao giờ thì chấm dứt tình trạng này. Tôi mong lãnh đạo thành phố sớm có chương trình cải tạo đồng bộ để Hà Nội xứng là thành phố xanh-sạch-đẹp”.
Nói chung, người dân mong chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện triệt để.
Dương Thanh
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.