Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm và cho rằng báo cáo nhiệm kỳ Quốc hội đánh giá người làm tốt cũng như người chưa làm tốt là điều đau xót.
“Đau xót” vì đánh giá đại biểu như nhau
Thảo luận tại tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, sáng 23/3, đại biểu Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, với vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, nhiệm kỳ qua Quốc hội đã làm tròn nhiệm vụ của mình thông qua việc biến những ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành các quy định của hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt, những bài học về dân chủ trách nhiệm trong nghị trường Quốc hội khóa XIII đã thực sự để lại cho các nhiệm kỳ sau bài học quý giá.
Đại biểu Quyền nhấn mạnh, trung tâm của Quốc hội là các ĐBQH, hơn nữa trách nhiệm của mỗi ĐBQH đại diện cho gần 200.000 người dân bầu cử ra mình là vô cùng lớn. Do đó, bài học kinh nghiệm đầu tiên và cũng quan trọng nhất của Quốc hội phải là bài học về nhân sự, cụ thể là làm thế nào để bầu ra được ĐBQH tốt, đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm.
Cho rằng tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội không có đánh giá nào về hoạt động cụ thể của ĐBQH, ông Nguyễn Đình Quyền bày tỏ: "ĐBQH làm tốt, trăn trở vì dân vì nước, nỗ lực cố gắng trong suốt nhiệm kỳ cũng giống như ĐBQH cả kỳ chẳng có hoạt động gì đáng kể, đó là điều làm tôi đau xót, lòng người còn chưa thỏa. Những ĐBQH hoàn thành tốt, ĐBQH chưa hoàn thành nhiệm vụ phải được đánh giá. Tôi cho rằng không thể có chuyện 100% ĐBQH đều đã hoàn thành nhiệm vụ của mình”
Hiện tại, cả nước đang trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền đề nghị, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên lúc này là phải làm sao để chọn được người thực sự có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với đất nước, nhân dân để bầu làm ĐBQH.
Đâu phải cứ Tiến sĩ là chất lượng!
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM) – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cũng băn khoăn, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì phải nâng cao được chất lượng đại biểu. Tuy vậy, với cơ cấu như hiện nay thì việc lựa chọn không phải dễ dàng.
Qua theo dõi nhiều năm, ông Đương thấy chủ yếu đại biểu có tuổi phát biểu mạnh dạn, tư duy rất trẻ trung, trong khi đại biểu trẻ ít có ý kiến hoặc “đầu xanh nhưng tư duy già cỗi, máy móc, từ ngữ dài dòng”.
“Có phải học Đại học hay Tiến sỹ là chất lượng? Không phải, Tiến sỹ giấy nhiều lắm. Phải nâng cao kinh nghiệm cuộc sống, bản lĩnh, dám nói vấn đề thực tiễn cuộc sống”, ông Đỗ Văn Đương nói.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là vấn đề cán bộ. Chất lượng không được nâng lên thì chuyển động ở bộ máy sẽ hạn chế.
Với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thì đại biểu Quốc hội phải có trình độ. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân thì phải đảm bảo cơ cấu nhưng vấn đề đừng để cơ cấu và chất lượng mâu thuẫn.
"Cơ cấu nhưng dân chủ mở rộng hơn thì vẫn chọn được người đủ tài vào Quốc hội. Có cơ chế chính sách thu hút nhân tài thì mới lớn mạnh”, đại biểu Thụ nhấn mạnh.