Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 9 năm 2016 | 2:12

“Không thể lãi thuộc về tôi, còn lỗ thuộc về Nhà nước”

“Trách nhiệm quản lý Nhà nước và khai thác công trình thuỷ lợi cần làm rõ, không để lãi thuộc về tôi còn lỗ và sửa chữa thuộc về Nhà nước”.

Sáng nay (12/9), tại phiên họp thứ 3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thủy lợi. Việc chuyển từ “thuỷ lợi phí” sang “giá dịch vụ thuỷ lợi” cũng như trách nhiệm bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi, sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này là những nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Phiên họp thứ 3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quốc hội)

Dịch vụ thì lẽ nào hạn hán đổ tại trời?

Liên quan đến chuyển từ thuỷ lợi phí sang giá dịch vụ thuỷ lợi”, đa số ý kiến cho rằng việc này góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thuỷ lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm.  Tuy nhiên, dự thảo cần quy định rõ về chủ thể cung cấp dịch vụ được thu tiền, các loại hình dịch vụ thuỷ lợi; bổ sung các loại dịch vụ về kiểm soát lũ cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, khu dân cư tập trung, tiêu thoát nước chống úng ngập... để tránh chồng chéo hoặc bỏ sót.

Uỷ ban KH-CN-MT đề nghị quy định về giá, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ thuỷ lợi; bổ sung hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng miễn giảm trong trường hợp ở đó không có công trình thuỷ lợi của Nhà nước; bổ sung khoản chi đền bù thiệt hại theo hợp đồng cho các bên liên quan; chi phí phạt khi vi phạm quy định về vận hành khai thác công trình thuỷ lợi...

Góp ý vào dự thảo luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn với những công trình thuỷ lợi nhỏ, nội đồng, dân đã bỏ tiền đầu tư rồi thì việc cung cấp dịch vụ giá sẽ như thế nào để tạo sự đồng thuận. Ngoài ra, trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ cũng cần được làm rõ.

“Cơ sở hạ tầng đầu tư rồi thì phải bỏ tiền ra mua lại thì ngươi dân mới chịu. Rồi trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ thế nào, phải cam kết có đền bù chứ không khi hạn hán lại đổ tại trời. Cần làm rõ kẻo sau này áp lực với quản lý Nhà nước” – ông Phúc nói.

Bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng đánh giá tác động về việc chuyển từ thuỷ lợi phí sang giá dịch vụ thuỷ lợi chưa rõ, như khó khăn nào sẽ gặp phải; lộ trình tính đúng, tính đủ thế nào; kinh nghiệm chuyển từ phí sang giá là gì; sự hưởng ứng của nhân dân ra sao?... Do đó, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân sẵn sàng chấp nhận chuyển từ phí sang giá.

Nhấn mạnh vấn đề phí, giá “đụng” đến đời sống và nhận thức của người dân, Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, phí để làm nông nghiệp là cao so với thu nhập của người nông dân nên cần nghiên cứu tác động chứ không chỉ đơn giản là ngôn từ rằng chuyển qua kinh tế thị trường thì phải là giá dịch vụ.

“Tổng chi phí của người nông dân rất cao. Lời là anh bán lúa, gạo nhưng người nông dân gặp khó. Thực sự phải giúp người dân chứ không chỉ phục vụ quản lý Nhà nước. Người dân không lời hay giàu từ làm lúa đâu nên luật làm gì tốt nhất cho người dân. Trách nhiệm quản lý Nhà nước và người khai thác công trình thuỷ lợi cũng cần làm rõ. Không để lãi thuộc về tôi, còn lỗ và sửa chữa thuộc về Nhà nước” – ông Phan Thanh Bình nêu quan điểm.

Giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết việc chuyển từ phí sang giá vì thuỷ lợi phí không nằm trong Luật phí đã được Quốc hội thông qua và nhằm thực hiện chủ trương của Đảng. Cùng với đó Nhà nước cũng có những chính sách đầu tư, hỗ trợ.

“Đầu tư làm công trình thuỷ lợi nếu đặt vào vai Nhà nước thì đụng đến đâu cũng sẽ gặp khó, dù đụng đến một ít đất thì người dân cũng có phản ứng mạnh. Thực tế nếu vận động như nông thôn mới, người dân làm và Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì tốt hơn. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp thu để nghiên cứu kỹ hơn về chính sách, quyền tiếp cận của người dân”, ông Hoàng Văn Thắng cho biết.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, giá dịch vụ có thể tác động đến 80% số hộ nông dân, do đó, cần có chính sách và phải có lộ trình.

Rõ trách nhiệm để tránh đùn đẩy

Nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, vấn đề này liên quan đến an ninh quốc phòng, nếu mất an toàn là thảm hoạ.

“Bảo vệ không tốt mà đập bị vỡ thì không biết hậu quả đến đâu. Ta mới quy định mang tính kỹ thuật chứ chưa yêu cầu bắt buộc bộ ngành, địa phương phải làm, trong đó có trách nhiệm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Do đó, công tác bảo vệ an ninh an toàn cần làm rõ hơn để tránh đùn đẩy khi tình huống xảy ra” – Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị. Bên cạnh đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, vận hành, sử dụng công trình thuỷ lợi cũng cần cụ thể để khi xảy ra sự cố quy trách nhiệm được ngay.

Lưu ý vấn đề thẩm quyền quy hoạch công trình thuỷ lợi liên quan đến vùng kinh tế được nhìn nhận thế nào trong Luật Thuỷ lợi, Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ Phan Thanh Bình nói: “Không thể nói khúc sông này của tỉnh này, khúc kia của tỉnh khác. Điều này càng ngày càng quan trọng. Cần nghiên cứu quy định để tránh việc địa phương vì phát triển kinh tế rồi quyết định tất cả”.

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng việc quản lý công trình thuỷ lợi thời gian qua chưa hiệu quả, nhất là mô hình quản lý chưa phù hợp như vừa quản lý nhà nước vừa quản lý khai thác dẫn đến dễ xung đột, thất thoát tiền khi Nhà nước đầu tư nhưng cá nhân doanh nghiệp hưởng lợi, thất thoát nước rất lớn và một số hồ xuống cấp do nhiều năm thiếu tiền đầu tư...

“Nếu chỉ dừng như quy định trong dự thảo thì chưa tạo đột phá, chưa giải quyết được những vấn đề nhập nhằng, chồng chéo chức năng và vấn đề thực tiễn. Đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình kỹ từng ý kiến trong báo cáo thẩm tra để đưa ra mô hình quản lý phù hợp, nếu không chưa đạt mục tiêu đề ra” – bà Nga đề nghị.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Luật này chưa bao quát hết được công tác thuỷ lợi trong tình hình mới như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phục vụ tái sản xuất nông nghiệp cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ và lưu ý bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ trong hệ thống luật; bớt điều khoản giao Chính phủ quy định.

“Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa các Bộ ngành, nhất là 3 Bộ: Nông nghiệp, Tài nguyên – Môi trường, Công Thương cũng như của tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt là vấn đề an toàn hồ chứa, gắn với an ninh quốc phòng. Điều này phải tính tới” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luật phiên thảo luận và đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về các vấn đề Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt ra./.

Theo Ngọc Thành/VOV
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top