Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 12 năm 2015 | 2:36

“Từ quan” để nuôi lợn rừng bằng thảo dược

Với phương pháp nuôi lợn rừng bán hoang dã và sử dụng thảo dược để làm thức ăn cũng như phòng chống dịch bệnh, anh Trần Phúc Đạt (sinh năm 1965) ở xóm Tân Vĩnh, xã Tân Thành (Yên Thành - Nghệ An) đã gây dựng được thương hiệu trang trại lợn rừng sạch, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Bốc thuốc, nuôi lợn rừng

Xuất ngũ năm 1988, Trần Phúc Đạt trở về địa phương, tích cực tham gia công tác Đoàn. Trải qua quá trình công tác, học tập và phấn đấu, anh được bầu làm Chủ tịch UBND xã Tân Thành. Là  lãnh đạo có năng lực, được nhân dân và chính quyền tín nhiệm, thế nhưng, năm 2010, anh bỗng nhiên làm đơn “từ quan”.

Đạt tâm sự: “Gia đình tôi làm nghề bốc thuốc Bắc gia truyền, nên khi cha già yếu, tôi quyết định nghỉ việc ở xã để nối nghiệp ông. Chức chủ tịch UBND xã mình không làm sẽ có người khác gánh vác, nhưng nghề bốc thuốc này mà thất truyền thì có tội với tổ tiên và người dân”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình anh Đạt bao đời nay nổi tiếng với nghề bốc thuốc gia truyền, rất có uy tín ở Nghệ An. Anh Trần Độ, người dân trong xóm, cho biết: “Anh Đạt là lương y đức độ và giàu lòng nhân ái, anh đã chữa khỏi cho hàng ngàn người bệnh. Những bệnh nhân nghèo đến bốc thuốc anh đều không lấy tiền. Thầy thuốc như vậy ở thời buổi này thật hiếm có”.

Với nghề bốc thuốc gia truyền và mấy sào ruộng khoán, gia đình anh không giàu nhưng cũng đủ sống thanh đạm ở trong lòng xóm mạc. Thế nhưng, cái máu thích chăn nuôi, trồng trọt vẫn luôn nóng trong con người anh. Trong một lần xem ti vi, thấy mô hình nuôi lợn rừng cho hiệu quả cao,  Đạt nghĩ: Nếu áp dụng nuôi lợn rừng theo kiểu bán hoang dã chắc chắn sẽ cho hiệu quả cao vì nó là con đặc sản. Nghĩ là làm, Đạt tìm hiểu và ra Quỳnh Lưu mua một cặp lợn rừng giống về nuôi. Thế nhưng, sau hơn 8 tháng chăm sóc, cả hai con lăn ra chết vì bị dịch tai xanh.

Thất bại nhưng không hề nản chí, anh tìm tài liệu nghiên cứu về phương pháp nuôi lợn rừng và mua về 2 cặp giống tiếp theo. Lần này có kinh nghiệm hơn nên 2 cặp lợn sau 1 năm nuôi đã sinh sản.. Lấy ngắn nuôi dài, dần dần Đạt đã gây dựng được trang trại lợn rừng gần 1.000 con trên diện tích hơn 1ha.

Thành tỷ phú

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, Đạt cho biết, nuôi lợn rừng không khó, nhưng để tạo được thương hiệu lợn rừng “sạch”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì không phải ai cũng làm được.

Theo anh Đạt, lợn rừng là động vật hoang dã nên không thể áp dụng phương pháp chăn nuôi như lợn nhà. Việc đầu tiên là phải xin giấy phép chăn nuôi. Chuồng trại làm đơn giản, tuy nhiên, phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của lợn rừng để bố trí chuồng trại, phân loại theo tuổi. Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống. Điều quan trọng nữa là tường rào phải chắc chắn, kiên cố.

Theo quan sát của chúng tôi, chuồng trại cho lợn được anh Đạt làm nơi đất cao, thoáng mát, có chỗ thoát nước để thường xuyên vệ sinh; có nguồn nước sạch, không những cung cấp đủ nước cho lợn uống mà quan trọng hơn là duy trì được hệ thực vật phong phú và giữ được độ ẩm thích hợp cho lợn rừng. “Thả lợn trong 1ha rừng thì chẳng khác gì lợn rừng hoang dã, nhưng tôi đã huấn luyện được chúng ăn, tắm nắng, vận động và vào chuồng một cách quy củ, theo giờ giấc. Chính những điều đó góp phần tạo nên sản phẩm thịt lợn ngon và sạch”. Cứ tưởng Đạt nói đùa nhưng chỉ sau tiếng hú dài của anh, từng đoàn lợn rừng đã rầm rập chạy về chuồng. Chúng tôi trầm trồ thán phục. Nếu như không có niềm đam mê và “hiểu” được lợn rừng thì anh không thể huấn luyện chúng biết “vâng lời” như vậy được.

Điều độc đáo nữa trong cách nuôi lợn rừng của Đạt là ngoài việc cho chúng ăn các loại cỏ, cây, mầm cây, rễ cây, hạt ngũ cốc, củ quả, anh còn bổ sung các loại cây, lá thuốc Nam, thuốc Bắc để tạo sức đề kháng và phòng chống dịch bệnh cho lợn rừng. “Lợn rừng là động vật hoang dã mới được thuần hóa nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng cũng thường mắc một số bệnh như dịch tả, tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sán lá, bệnh ghẻ lở và một số bệnh thông thường khác. Tôi là thầy thuốc Đông y nên qua thời gian nuôi, tôi đã đưa cây thuốc Nam, thuốc Bắc vào làm thức ăn và điều trị  bệnh cho lợn và nhận thấy chúng luôn khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt”, Đạt chia sẻ về bí quyết phòng chống dịch bệnh cho lợn. Tuy nhiên, anh cũng khuyến cáo, không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi lợn rừng vì nó sẽ làm cho phẩm chất thịt bị biến đổi, nhiều khi làm cho lợn bị rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy…

Những phương pháp độc đáo trên đã tạo nên thương hiệu lợn rừng của anh Đạt. Nhờ chất lượng thịt tốt nên sản phẩm lợn rừng của anh được khách hàng ưa chuộng.

 Hiện, không chỉ cung cấp lợn giống, lợn thịt cho các nhà hàng, trang trại ở Yên Thành mà trang trại của anh còn là đầu mối cung cấp lợn thịt và lợn giống cho nhiều huyện, thị ở Nghệ An.

Tôi hỏi: “Sắp tới anh có mở rộng quy mô nuôi lợn rừng không?”, Đạt cho biết: “Trong chăn nuôi không có con gì lãi cao như lợn rừng nhưng tôi không chạy theo lợi nhuận mà sẽ đầu tư cho chất lượng hơn là số lượng. Trong tương lai, tôi sẽ nuôi thêm dê và trồng một số cây hàng hóa”.

Không những làm giàu cho mình, Đạt còn cung cấp giống,  hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho ai có nhu cầu để nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn rừng ngay tại địa phương.

Anh Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết: Trang trại nuôi lợn rừng của anh Đạt là mô hình đầu tiên của xã Tân Thành. Tuy quy mô không lớn nhưng khá hiệu quả, cho thu nhập cao. Đây cũng là mô hình mà cấp uỷ, chính quyền địa phương  đang có kế hoạch tổ chức cho bà con tham quan học tập để nhân rộng. Ngoài ra, anh Đạt còn là lương y có uy tín, đã chữa khỏi cho hàng ngàn người bệnh và là cố vấn cho chính quyền địa phương trong các chiến lược phát triển kinh tế”.

Tiến Dũng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024 với hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách, nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng được giới thiệu đến nhân dân thành phố Cảng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn-ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Top