Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 12 năm 2015 | 1:34

“Kình ngư” cứu người trên biển

Hơn 40 năm bám biển mưu sinh, anh Trần Văn Sơn, sinh năm 1966, ở xóm Hải Nam, xã Diễn Bích (Diễn Châu - Nghệ An) đã nhiều lần dũng cảm lao vào giữa bão tố phong ba để cứu sống hàng chục người gặp nạn trên biển.

Anh Trần Văn Sơn kể chuyện đi biển.

Tuổi thơ dữ dội

Bến cảng xã Diễn Bích tấp nập tàu thuyền và người qua lại nhưng chúng tôi rất dễ nhận ra Trần Văn Sơn bởi vóc dáng cao lớn của anh. Mái tóc bồng bềnh, khuôn mặt sạm đen, góc cạnh, phong sương,  tiếng nói ồm ồm át cả tiếng sóng biển nhưng khi tiếp chuyện, anh lại rất hiền lành, từ tốn. Bên mạn tàu vừa neo, Sơn kể cho chúng tôi nghe về trận lốc kinh hoàng cuối năm 1971.

Hôm đó, trời đang nắng chang chang, bỗng chốc tối sầm, một cơn lốc xoáy ập đến cuốn đi hàng chục tàu thuyền của ngư dân xã Diễn Bích. Trên đất liền ai cũng giật mình kinh hoàng khi nghe tiếng gầm rú man dại của trận cuồng phong. Từng cột xoáy đen ngòm cuồn cuộn bốc cao ở ngoài khơi. Cả thôn như chết lặng rồi cùng chạy ra bờ biển. Tiếng vợ khóc gọi chồng, con gọi cha, mẹ gọi con huyên náo cả một vùng. Hàng trăm con người ngồi tựa vào nhau suốt đêm, chong mắt ra biển xa. Hai ngày sau, hàng chục xác người dạt về bờ biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò. Cả vùng biển Diễn Châu rợp màu tang trắng…

Đợt đó bố Sơn và 44 người đàn ông của làng phải bỏ mạng ngoài khơi, khiến cho hơn 100 đứa trẻ trở thành mồ côi, hàng chục người vợ trở thành góa bụa. Từ đó, Nam Hải cũng có thêm tên khác là “làng vọng phu”…

Sơn ngậm ngùi nhớ lại: “Tôi lúc ấy mới 5 tuổi, bố mất, mẹ ốm nặng nên chị em tôi phải đến các bến cá nhặt nhạnh cá rơi và ăn xin sống qua ngày. Có những ngày nhịn đói vàng cả mắt, phải ăn cả cá sống người ta đánh rơi…”. Những ngày tháng cơ hàn ấy đã buộc cậu bé Sơn phải bỏ học, ra biển, trở thành người đàn ông trụ cột, đỡ đần cho gia đình. Sơn đi làm thuê cho các chủ tàu để học hỏi nghề biển. Vốn giỏi bơi lội, thông minh và dũng cảm nên chỉ một thời gian ngắn Sơn đã thực sự trở thành người đi biển đầy kinh nghiệm và bản lĩnh.

Những năm tháng lênh đênh làm thuê trên biển, trong con người Sơn luôn cháy bỏng khát vọng được tự mình làm chủ một con tàu để thực hiện giấc mơ vươn ra biển lớn. Giấc mơ đó đã thành hiện thực khi nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn để đóng tàu thuyền. Vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn mua được một chiếc tàu công suất hơn 200CV. Từ khi có tàu, anh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên trong làng và giúp nhiều hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo.

Xả thân cứu người

Hơn 40 năm lênh đênh mưu sinh trên biển, Trần Văn Sơn đã trực tiếp cứu sống  nhiều người gặp nạn. Năm 2005, khi đang đánh bắt cá trên biển thì bất ngờ giông tố ập đến, từng con sóng khổng lồ hung dữ lồng lộn như chực nhấn chìm tàu của Sơn. Vốn dày dạn kinh nghiệm anh đã điều khiển con tàu vượt qua được “cửa tử” trong gang tấc. Mặc dù đang trong vòng nguy hiểm nhưng khi phát hiện 4 người của tàu bạn chới với trên biển kêu cứu, anh đã không quản hiểm nguy, một mình ôm chiếc phao nhảy xuống biển cứu người.

Anh Phan Văn Hùng, ngư dân Diễn Bích khâm phục  kể lại: “Chứng kiến cảnh anh Sơn nhảy xuống biển cứu 4 người, chúng tôi như nghẹt thở. Lúc đó gió lớn giật liên hồi, sóng dựng đứng như ngọn tre, mặt biển tối thui không thấy gì, tàu thì quay như chong chóng, không thể điều khiển được. Chúng tôi nghĩ có lẽ anh Sơn cũng đã bỏ mạng, nhưng hơn 1 tiếng đồng hồ sau đã thấy anh “tăng bo” cả 4 người trên chiếc phao bơi về phía tàu. Thời khắc đó, rơi xuống biển chỉ có con đường chết, nhưng anh Sơn đã cứu sống được cả 4 người, đúng là kình ngư của biển cả”.

Trong 2 năm 2006 - 2007, anh Sơn lại tiếp tục cứu được 7 ngư dân của huyện Quỳnh Lưu bị đắm thuyền trên biển. Tháng 4/2009, khi đang cho tàu chạy ra đảo Mê thuộc vùng biển Thanh Hóa, anh phát hiện một tàu cá của ngư dân xã Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu) bị sóng đánh chìm, 5 người đang chới với trên biển, anh đã cùng các thuyền viên nhảy xuống biển ứng cứu kịp thời. Ông Thái Bá Trung, người được anh Sơn cứu sống trong năm đó, kể lại: “Khi đó, 4 cha con tôi và 1 người cháu vật lộn với sóng dữ đã đến hồi kiệt sức. Rất may có anh Sơn  đến cứu kịp thời, nếu không, chúng tôi cũng đã bỏ mạng ngoài khơi rồi. Gia đình chúng tôi mang ơn anh Sơn nhiều lắm”.

Theo những ngư dân ở Diễn Bích thì những năm qua anh Sơn đã 14 lần cứu sống được 31 người khỏi bàn tay thủy thần. Anh tâm sự: “Tôi mồ côi cha từ nhỏ nên thấu hiểu nỗi mất mát của những đứa trẻ mất cha và nỗi tang thương đau đớn của người thân. Vậy nên khi thấy người gặp nạn tôi quyết tâm bằng mọi giá phải cứu bằng được. Vả lại, mình biết bơi, thấy người gặp nạn thì phải cứu đó là chuyện rất bình thường”.

Không chỉ xả thân cứu sống nhiều người, Sơn còn có lòng nhân ái, bao dung. Hơn 10 năm trước, khi biết được hoàn cảnh khốn khó của cậu bé Thái Bá Long ở xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu), anh bàn với vợ nhận làm con nuôi cho em được học hành. Anh Sơn tâm sự: Hiện, Long đã trưởng thành và có việc làm ổn định ở miền Nam. Hai cậu con trai của vợ chồng tôi cũng đang học đại học và đi nghĩa vụ ngành công an. Các cháu đều đã trưởng thành, nhiều người khuyên tôi nên bỏ nghề biển lên bờ làm doanh nghiệp khỏe hơn nhưng tôi không thể. Biển là máu thịt, là tất cả trong tôi. Tôi sẽ luôn cùng ngư dân Diễn Bích liên kết, giúp đỡ lẫn nhau để bám biển và vươn ra các ngư trường xa hơn.

 

Ông Thạch Đình Nghĩa, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích, cho biết: “Anh Trần Văn Sơn là ngư dân tiêu biểu của xã, không những có thành tích cứu nhiều người trên biển mà còn là người đầu tiên đưa ra sáng kiến thành lập chi hội nghề cá để đoàn kết ngư dân cùng nhau vươn ra các ngư trường rộng lớn. Đến nay, chi hội đã có số vốn lên đến hàng trăm triệu đồng, được sử dụng quay vòng và có ý nghĩa quan trọng, trở thành điểm tựa về vật chất lẫn tinh thần cho những ngư dân vươn khơi, bám biển”.

Tiến Dũng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top