Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 7 năm 2017 | 1:59

“Trồng nấm là sinh phúc”

Hơn 15 năm lăn lộn trong nghề trồng nấm, trải qua không ít thất bại, cho đến thời điểm này, bà Dương Thị Thu Huệ có thể tạm yên tâm với một nhà máy sản xuất nấm kim châm được xếp vào loại hiện đại nhất nhì miền Bắc hiện nay. Dù vậy, tham vọng của bà là mong muốn cung cấp cho thị trường ngày càng nhiều sản phẩm nấm an toàn, bổ dưỡng.

Bà Dương Thị Thu Huệ kiểm tra sự phát triển của nấm sò yến. 

Cơ duyên với nấm

Trước khi đến với nghề trồng nấm, bà Huệ đã trải qua đủ thứ nghề khác nhau, có thành công, có thất bại nhưng tất cả đều không đủ giữ chân để bà gắn bó, tâm huyết như máu thịt. Trong quá trình công tác tại Nhật Bản, phiên dịch cho người Nhật, bà thực sự tâm đắc khi một vị giáo sư người Nhật nói rằng: Trồng nấm là sinh phúc, bởi không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe con người, nghề trồng nấm còn có ý nghĩa về mặt môi trường. Trong khi đó, với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, nguyên liệu làm nấm vô cùng phong phú, tiếc rằng, nó không được tận dụng triệt để, sau mỗi mùa vụ rơm rạ thường bị đốt, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. “Nghĩ như thế nên tôi đến Viện Di truyền nông nghiệp bắt đầu học làm nấm từ đó”, bà Huệ cho biết cơ duyên đến với nghề trồng nấm.

Tính đến thời điểm này, bà Huệ đã có 15 năm trong nghề. Nhưng trước đó, cũng như nhiều người trồng nấm khác, bà chỉ làm theo phương thức thủ công, đi lấy bông, bã mía về ủ với nước vôi làm phôi cấy nấm. Năm 2012, cơ sở của bà được Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hà Nội hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng và yêu cầu công ty bỏ vốn đối ứng 2 phần (16 tỷ đồng) để triển khai dự án sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu trên quy mô theo hướng công nghiệp, tạo thành mô hình điểm, để từ đó nhân ra các hộ vệ tinh trên địa bàn thành phố. Dự án thành công tốt đẹp, nhưng qua thời gian, 10 hộ vệ tinh giờ chẳng còn ai trồng nấm, chỉ còn bà miệt mài với đam mê.

Nhưng đã đến lúc không thể làm theo cách thủ công, bà nghĩ vậy. Rất may là trong thời gian làm việc tại Nhật, bà Huệ được tiếp xúc với công nghệ làm nấm tại đây. Với mong muốn mang công nghệ Nhật Bản về trồng nấm tại Việt Nam, bà Huệ đã nhập dây chuyền, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất nấm với hy vọng đây không còn là một loại thực phẩm quá đắt đỏ và phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như hiện nay.

Khởi công ngày 30/4/2016, đúng 1 năm sau, ngày 30/4/2017, nhà máy sản xuất nấm kim châm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, ở thôn Đốc Kính, xã Đốc Tín (Mỹ Đức - Hà Nội) được khánh thành và đi vào hoạt động. Nhà máy sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất, đóng gói 100% của Nhật, với tổng diện tích 3ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2, công suất sản xuất giai đoạn 1 là 1,5 tấn nấm kim châm/ngày, đến cuối năm 2017 đạt 3 tấn nấm kim châm/ngày, vốn đầu tư 3 triệu USD. Sản phẩm hiện được Công ty TNHH Thực phẩm lý tưởng Việt Nam phân phối độc quyền tại nhiều siêu thị ở miền Bắc và một doanh nghiệp khác phụ trách khu vực phía Nam, giá bán ra thị trường khoảng 120.000 đồng/kg. Ngoài nấm kim châm, công ty của bà còn sản xuất nấm sò yến Hàn Quốc.

Thành quả đầu tiên

Nhưng để đến được thành công hôm nay, bà Huệ và các cộng sự trải qua không ít khó khăn. Bây giờ, bà vẫn nhớ như in những ngày mới bắt tay vào sản xuất nấm kim châm theo công nghệ Nhật Bản, 17 mẻ nấm đầu tiên không cho ra một cọng nấm nào, ngay cả chuyên gia Nhật cũng ngạc nhiên, sửng sốt vì trong hơn 60 năm trồng nấm ở Nhật Bản, họ chưa bao giờ thấy hiện tượng này. Sau quá trình tìm hiểu, mọi người mới nhận ra nguyên nhân là do lõi ngô của Việt Nam vừa cứng vừa không hút nước (trong khi lõi ngô của Nhật vừa mềm vừa hút nước). Nguyên nhân thứ hai, vỏ ốc biển lẽ ra trước khi nghiền phải rửa sạch nước muối thì bà lại bỏ qua quy trình này nên vỏ ốc bị mặn. Thứ ba, cám gạo của Việt Nam không đạt yêu cầu về độ đạm, khi chỉ có 7%, trong khi cám  gạo của Nhật Bản độ đạm là 15%. Sau khi tìm ra được nguyên nhân và cách khắc phục, lần đầu tiên nhìn thấy những cọng nấm kim châm li ti mọc lên trong từng cái cốc, bà mừng rơi nước mắt.

Nhìn cái cách bà nâng niu từng cốc nấm mới thấy tình yêu bà dành cho nghề lớn đến độ nào. Bà say sưa nói về quy trình trồng nấm, về những dự báo của thị trường với niềm hứng khởi.

Nấm kim châm đang trong quá trình phát triển.

Theo bà Huệ, công nghệ sản xuất nấm của Nhật Bản khác với công nghệ Việt Nam ở 3 điểm. Thứ nhất, máy móc thiết bị hoàn toàn trong nhà lạnh được quản lý chặt chẽ về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Thứ hai, về nguyên liệu, các trại nấm ở Việt Nam sản xuất bằng mùn cưa và một chút cám (khoảng 15- 20%) và vẫn trồng bằng phương pháp thủ công là chính nên số lượng làm ra không nhiều, thời gian kéo dài. Ngược lại, sản xuất nấm kim châm bằng lọ, với công nghệ do Nhật Bản chuyển giao, trong thành phần nguyên liệu chỉ có 35% là chất thô, 65% còn lại là các loại cám dinh dưỡng, cho nên nấm đảm bảo chất lượng, độ dinh dưỡng cao.Thứ ba, nấm được sản xuất trong điều kiện lạnh, được kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ, độ ẩm, độ pH… nên tuyệt đối đảm bảo an toàn.

Trong sản xuất nấm có 3 quy trình quan trọng, trong đó trộn nguyên liệu và hấp nguyên liệu được làm cùng một khu. Sau công đoạn trộn và hấp, nguyên liệu sẽ đưa vào phòng cấy giống bằng dung dịch, công suất 5.000 lọ/giờ. Sau khi cấy giống, nấm sẽ được đưa vào phòng ươm, thời gian ươm tùy từng chủng loại giống khác nhau. Sau thời gian 42 ngày, nấm sẽ được chuyển ra phòng ra nấm. Quá trình đóng gói và thu hoạch sử dụng phim đóng gói được nhập khẩu từ Nhật Bản, công suất 300 - 400 kg/giờ, thời gian bảo quản 30 ngày kể từ ngày đóng gói, trong điều kiện nhiệt độ lạnh.

“Tuy nhiên, khâu quản trị sản xuất là vô cùng quan trọng, chỉ cần thiếu ánh sáng hay mất điện, hoặc thiết bị trục trặc là phải dừng sản xuất, khi đó toàn bộ lô hàng phải đổ đi”, bà Huệ nói.

Thêm nữa, khi thu hoạch sản phẩm, ngoài việc được Bộ Y tế và các bên liên quan kiểm định chất lượng, cứ 6 tháng 1 lần, công ty gửi mẫu nấm sản xuất sang Nhật Bản để kiểm định, phân tích mặc dù chi phí này rất lớn (khoảng 1.000 USD/mẫu) để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.

Vẫn còn không ít khó khăn

Dù đã gặt hái nhiều thành công nhưng với bà Huệ đây mới là những bước đi đầu tiên. Thực tế, bà vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn. “Thú thực, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng dù hiện nay, rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Ngân hàng họ không tin rằng có những cái máy đắt như thế, sản xuất được ra từng đấy nấm nên họ không coi đấy là tài sản có thể thế chấp. Để xây dựng được cơ ngơi 3ha này, chúng tôi phải thế chấp đến những bìa đỏ cuối cùng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu vốn. Chúng tôi chỉ có 20 tỷ đồng nhưng trong quá trình xây dựng nhà máy, mới trong giai đoạn 1 đã hết 30 tỷ đồng, tôi phải huy động vay 10 tỷ và thế chấp chính dàn máy nhưng ngân hàng không chấp nhận. Rất may, tôi có anh em, bạn bè cùng chung tay góp sức”, bà Huệ cho biết.

Đánh giá về thị trường nấm Việt, bà Huệ cho rằng, sẽ là một nghịch lý nếu chúng ta hướng đến xuất khẩu nấm. Việt Nam hiện đang nhập khẩu mỗi ngày 100 tấn nấm kim châm từ Trung Quốc, chủ yếu bán trôi nổi ngoài chợ và không ai kiểm soát chất lượng. Lượng nấm trồng ở Việt Nam chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng. “Do vậy, tiềm năng thị trường nấm kim châm ở Việt Nam đang cực kỳ rộng mở, tôi hi vọng tất cả những ai yêu thích ngành này có thể đến đây để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và xây dựng nhà máy ở nhiều địa phương khác nữa chứ không chỉ ở Kinoko Thanh Cao”, bà Huệ nói.

Với biểu tượng con nấm cười trên nền túi và slogan: “Sạch từ tâm”, bà Huệ hy vọng sản phẩm nấm của Kinoko Thanh Cao sẽ đến được với tay người tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

Nhưng để có thể mở rộng quy mô sản xuất, bà Huệ mong muốn các ngân hàng mở rộng các quy định về thế chấp tài sản để doanh nghiệp có thể được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. “Đầu tư cho nông nghiệp rất rủi ro, vì vậy doanh nghiệp rất cần được bảo hiểm, được đồng hành và hỗ trợ về mặt cơ chế, vốn. Nếu hóa giải được những vướng mắc, tôi tin sẽ có nhiều doanh nghiệp tìm cơ hội đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, bà Huệ khẳng định.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top