16h15 chiều 05/5, 34 ngư dân trên tàu cá QNa 95959 TS bị tàu lạ đâm chìm trên vùng biển Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã được tàu SAR412 đưa về đến Đà Nẵng an toàn trong tiếng khóc mừng tủi của những người vợ, người mẹ, người con. Nhưng chuyến đi biển của họ đã trắng tay khi con tàu tiền tỷ đã chìm dưới biển sâu.
Trước đó, tàu QNa 95959 TS do ông Phạm Phú Thành(50 tuổi) trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng bị tàu không rõ số hiệu đâm chìm lúc 23 giờ ngày 03/5 tại vùng biển có tọa độ 19 độ vĩ Bắc - 114 độ kinh Đông, phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 370 hải lý, khiến 34 ngư dân trên tàu rơi xuống biển. Ngay sau khi gặp nạn, 34 ngư dân trên tàu cá QNa 95959 TS được tàu cá QNa 94998 TS do ông Phạm Phú Trung (trú xã Bình Minh) đang hành nghề gần đó đến ứng cứu.
Nhận được tin tàu bị nạn, Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam chỉ đạo Trung tâm phối hợp tìm TKCN hàng hải khu vực II (Danang MRCC) nhanh chóng triển khai công tác cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân. Tàu SAR412 nhận lệnh và xuất phát lúc 8h15 ngày 04/5, ra vùng biển tàu gặp nạn. Đến 1 giờ sáng ngày 05/5 tàu SAR412 tiếp cận tàu QNa 94998 TS, tiến hành chuyển ngư dân sang tàu SAR412 để chăm sóc sức khỏe và đưa vào bờ.
Sau khi cập bờ chiều 05/5, 34 ngư dân được Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tiếp nhận, làm thủ tục hồ sơ và lấy lời khai.
Ông Phạm Phú Thành, chủ tàu cá xúc động: Tàu chúng tôi đánh bắt tại vùng biển truyền thống Hoàng Sa. Sau khi bị đâm chìm bất ngờ trong đêm, anh em trên tàu phát tín hiệu cấp cứu, may mắn được được tàu ngư dân Phạm Phú Trung khai thác gần đó kịp thời ứng cứu, tiếp sau đó tàu SAR412 của trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã nhanh chóng tiếp ứng, chăm sóc sức khỏe cho ngư dân trên tàu.
Thuyền trưởng Thành cũng cho biết: “Dù bị tàu lạ đâm chìm ngoài biển, nhưng tôi vẫn quyết tâm đóng mới tàu, không vì tàu nước ngoài đâm va, ngăn cản mà suy sụp tinh thần. Chúng tôi vẫn đóng tàu, mua sắm các trang thiết bị hiện đại để vươn khơi bám biển khai thác trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa mà bao đời ông cha chúng tôi để lại thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
Bà Bùi Thị Luận (51 tuổi), vợ ông Thành cho biết, trên tàu còn có con trai bà là Phạm Phú Nhân (19 tuổi), con rể và 2 người em ruột. Bà Luận kể: Tối ngày 3/5, chồng bà có gọi về hỏi thăm và thông báo tàu đã đánh bắt được khoảng 28 tấn mực khô (tương đương 1,5 tỉ đồng). Nghe nói vậy, bà rất vui mừng vì đây là chuyến biển đầu tiên của năm 2016. “Chưa kịp vui mừng thì sáng 4-5, tôi nhận được thông tin tàu chồng tôi bị đâm chìm. Nghe tin mà như trời đang sập xuống nên tôi ngất xỉu khi nào cũng không hay” – bà Luận nói trong nước mắt
Theo bà Luận, tàu QNa-95959TS được gia đình bà mua lại từ năm 2012, hoạt động nghề câu mực khơi ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Để có được con tàu đó, vợ chồng bà vay mượn ngân hàng cùng bà con hơn 2,5 tỷ đồng. Sau thời gian dài làm lụng vất vả và tích góp, vợ chồng đã trang trải được phần lớn nợ nần, giờ vẫn còn nợ gần 1 tỷ đồng.
“Con tàu chìm giữa biển khơi, tôi đau xót lắm, vì toàn bộ tài sản gần 5 tỷ đồng đã mất trắng. Thế nhưng tất cả thuyền viên đều sống sót, rứa là quá may mắn rồi”, bà Luận lấy tay gạt dòng nước mắt, nói.
Đồng cảnh ngộ với bà Luận, bà Phan Thị Tình (vợ ông Phạm Văn Tình, trú tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) chia sẻ trong nước mắt: Nhận được hung tin, tàu bị nạn, ngày ngày bà chỉ biết nhờ đứa con mở mạng Internet để biết thông tin về chồng và cầu mong mọi người trở về bình an. Hôm qua đến giờ tôi không ngủ được, cơm cũng nuốt không vô vì quá lo lắng khi chồng vẫn đang ở ngoài biển. “Về được là mừng, nhưng lo không biết mai đây gia đình sống thế nào. Tàu bị chìm mất hết rồi con chi” bà Tình nói.
Khi tàu vừa cập cảng đưa các ngư dân lên bờ, những người vợ ùa đến ôm chồng, người mẹ ôm con và người con ôm cha. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má những người vợ, người mẹ, người con khi người thân của mình gặp nạn về đến đất liền, có người vì kiệt sức trong lúc chờ đợi đã lịm đi ngay khiến cho những người có mặt tại bến cảng không cầm được nước mắt.
Có mặt tại buổi đón ngư dân bị nạn trở về, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết: Sau khi nhận được thông tin tàu bị nạn, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ giao thông vận tải đã khẩn trương, quyết liệt thực hiện tất cả các biện pháp có thể để cứu nạn toàn bộ 34 bà con ngư dân.
Đợt cứu hộ này với sự phối hợp kịp thời của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải, công an, biên phòng, chính quyền địa phương… thể hiện sự quan tâm của nhà nước, cả hệ thống chính trị đối với bà con trong việc khai thác thủy sản, gặp nạn trên biển. Lực lượng phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cùng các lực lượng trên biển khác sẽ luôn luôn sát cánh cùng bà con ngư dân, ở bất kỳ nơi đâu, ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa…mà ngư dân khai thác, đánh bắt làm giàu cho quê hương đất nước, khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta, ông Vũ cho biết.
Để động viên ngư dân, trước mắt UBDN tỉnh Quảng Nam hỗ trợ mỗi ngư dân 1 triệu đồng, UBND huyện Thăng Bình hỗ trợ 1 triệu đồng/ngư dân.
Những giọt nước mắt, nụ cười đoàn viên sau khi đoàn tụ cùng gia đình
Người thân của các thuyền viên có mặt từ rất sớm tại cầu cảng đế đón chồng, đón cha.
Hải Yến
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.